• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

CHĂM SÓC VẬT NUÔI THỜI ĐIỂM GIAO MÙA

(Người Chăn Nuôi) – Hiện, thời tiết thay đổi đột ngột nắng, nóng, mưa ẩm xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Do đó, việc đảm bảo sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi vào thời điểm giao mùa là hết sức quan trọng.

Vệ sinh chuồng trại

Đây là biện pháp đơn giản nhưng trên thực tế người chăn nuôi chưa chú trọng và thật sự quan tâm. Biện pháp này có tác dụng quan trọng nhằm loại trừ và hạn chế mầm bệnh phát triển. Hai công đoạn cần làm trong vệ sinh chuồng trại là vệ sinh cơ giới và phun thuốc sát trùng.

Vệ sinh cơ giới là quét dọn, khơi thông cống rãnh không để ứ nước đọng vệ sinh trong và ngoài chuồng nuôi; vệ sinh mắng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Lưu ý khi khâu này cần được làm thường xuyên hàng ngày. Định kỳ 1 – 2 lần/tuần phun thuốc sát trùng tẩy uế chuồng trại và khu vực chăn nuôi để tiêu độc, diệt mầm bệnh bằng các loại thuốc sát trùng như Benkocid, Han-Iodine, Five-Iodine, RTD-Iodine… diện tích phun rộng cả khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh để hạn chế mầm bệnh. Các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi.

Đối với các hộ còn nuôi ở trong gia đình cần lưu ý hệ thống thoát nước thải ra ngoài khu dân cư, tốt nhất là có hệ thống biogas để bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như môi trường công cộng.

Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ cho vật nuôi. Ảnh: Tất Sơn

Giai đoạn này, cần quan tâm đến hệ thống che chắn chuồng trại bởi sau những ngày nắng nóng thường có mưa đột xuất, nhất là về đêm. Lúc này cần nhanh chóng che chắn, tránh gió lùa, để đảm bảo cho vật nuôi không bị nhiễm lạnh đột ngột.

Thường xuyên khơi thông cống rãnh, không để phân và chất thải ứ đọng sẽ phát sinh mầm bệnh. Sử dụng các chế phẩm khử mùi nhằm hạn chế mùi hôi trong chuồng nuôi. Sau khi vệ sinh cơ giới có thể dùng nước rửa chuồng, lưu ý khi rửa chuồng trại xong không nên để nước đọng trên nền chuồng để tránh cho vật nuôi uống phải nước bẩn.

Bên cạnh đó, công tác tu sửa chuồng trại cũng cần được quan tâm. Đối với một số chuồng nuôi bị dột mái, nước mưa hắt vào… cần tiến hành sửa chữa ngay nhằm hạn chế các tác động bất lợi của thời tiết đến vật nuôi. Những chuồng có nền thấp bị ngập nước kéo dài, có thể dùng các vật liệu trong gia đình (gạch, tre, gỗ…) nâng cao nền chuồng ở một khu nhốt riêng để chủ động nhốt gia súc, gia cầm khi cần thiết.

Ở các khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm người nuôi có thể sử dụng Chloramin B, T để khử trùng, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi.

Chế độ dinh dưỡng

Cần cung cấp đầy đủ thức ăn dễ tiêu, đảm bảo chất lượng và số lượng phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Tuyệt đối không sử dụng những thức ăn đã ẩm, mốc, ôi thiu. Đối với chăn nuôi heo và gia cầm cần dự trữ thức ăn tinh đảm bảo đủ trong thời gian hàng tuần, hàng tháng. Đối với heo con tập ăn và gia cầm con ở giai đoạn nuôi úm tốt nhất nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Với trâu, bò cần cân đối cho ăn thức ăn tinh kết hợp với thức ăn thô xanh, nên ủ chua thức ăn xanh hoặc ủ rơm với urê để dự trữ thức ăn vào mùa đông cho trâu, bò.

Đảm bảo đầy đủ nước sạch cho vật nuôi. Bổ sung điện giải B-Complex, vitamin, men tiêu hóa nhằm nâng cao sức đề kháng cho con vật.

Đối với trâu, bò, khẩu phần ăn chính là thức ăn thô xanh vì vậy, người nuôi cần chủ động cắt cỏ hoặc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, cây chuối… đề phòng lúc mưa to không chăn thả được. Tuy nhiên, trước khi cho trâu, bò ăn các nguyên liệu thô xanh phải đảm bảo sạch sẽ, không bị dính đất bẩn, nguyên liệu cần để ráo nước, nếu quá non, chứa nhiều nước thì cần để tái, khi cho ăn nên kết hợp với rơm khô để tránh hiện tượng chướng hơi dạ cỏ ở trâu, bò nhất là bê, nghé.

Quản lý sức khỏe            

Hàng ngày theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm những con vật có biểu hiện bất thường để cách ly, điều trị kịp thời. Khi thấy vật nuôi có biểu hiện không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm, biểu hiện mệt mỏi…) cần tách con vật nhốt riêng để theo dõi. Giữ ấm cho vật nuôi, có chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc riêng và điều trị thích hợp. Sau khi con vật trở lại bình thường mới cho nhập đàn trở lại. Trường hợp vật nuôi có triệu chứng nặng lên cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch phòng bệnh.

Có thể sử dụng các loại thảo mộc có thành phần kháng sinh như tỏi, gừng, nghệ… trộn vào thức ăn hoặc nước uống của vật nuôi để phòng một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột như hen suyễn, tiêu chảy, tụ huyết trùng….

Vận chuyển vật nuôi

Với gia súc, gia cầm có nhu cầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cần chú ý đảm bảo các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Dùng phương tiện vận chuyển chuyên dùng đã được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc sát khử trùng; che chắn tốt (nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng) để tránh mưa tạt, gió lùa. Mật độ nuôi nhốt phù hợp, tránh không để vật nuôi đè lên nhau. Nếu vận chuyển đường xa cần chuẩn bị thức ăn, nước uống để cho vật nuôi sử dụng.

Khi mới nhập đàn đối với trâu, bò ngoài việc tiêm phòng các loại vaccine thông thường cần tiêm phòng thuốc phòng ký sinh trùng đường máu để phòng một số bệnh như tiêm mao trùng, lê dạng trùng, biên trùng. Cần có khu nuôi cách ly theo dõi ít nhất 10 – 15 ngày, khi con giống hoàn toàn khỏe mạnh mới nhập vào khu chăn nuôi cũ.   

>> Trong những ngày mưa kéo dài cần thực hiện tốt việc bảo quản thức ăn tinh do thời tiết ẩm thấp, mưa dột làm thức ăn tinh hay bị nấm mốc. Vì vậy, hàng ngày cần kiểm tra thường xuyên khu để thức ăn tinh. Khi cho gia súc, gia cầm ăn chú ý kiểm tra kỹ, khi phát hiện thức ăn nấm mốc, mùi vị không bình thường cần loại bỏ ngay, tuyệt đối không cho con vật ăn. 

Nguyễn An

Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi

 
 

 

 

MUA HẠT GIỐNG CỎ LIÊN HỆ SĐT 0363145282. TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586