• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

HÀ NỘI: BÀN GIẢI PHÁP NÂNG TẦM CHĂN NUÔI BÒ THỊT

 
[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Tổng đàn bò thịt, bò sinh sản của Hà Nội đến thời điểm tháng 8/2020 là 130 ngàn con, tập trung tại 39 xã, vùng chăn nuôi trọng điểm, tốc độ tăng bình quân khoảng 5%/năm. Thời gian qua, chất lượng đàn bò được nâng cao rõ rệt thôn qua các chương trình cải tạo. Sau dịch tả lợn châu Phi, chăn nuôi bò thịt cao sản là hướng đi có hiệu quả, bền vững và ổn định ở ngoại thành Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo

Đó là nội dung được đề cập trong hội thảo “Chăn nuôi bò thịt và sử dụng, chế biến phụ phẩm nông nghiệp” do Sở NN&PTNT và Hội Chăn nuôi Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 7/8/2020. Đông đảo  nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, các nhà chăn nuôi đã có mặt tại hội thảo.

Hà Nội có 92 trang trại chăn nuôi bò thịt quy mô lớn

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tổng đàn bò thịt, bò sinh sản  đến thời điểm tháng 8/2020 trên địa bàn toàn thành phố là 130 ngàn con. Đàn bò thịt, sinh sản tại 39 xã, vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm (theo quyết định 3215/QĐ- UBND ngày 14/6/20219) là 38 307 con/18 143 hộ, trong đó bò cái sinh sản 23233 con. 92 trang trại chăn nuôi bò thịt quy mô lớn ngoài khu dân cư với tổng đàn bò 2 422 con. Một số hộ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản điển hình như hộ ông Vũ Kim Lâm  (Thuần Mĩ – Ba Vì): 90 con; ông Trần Văn Thắng (Thọ An-Đan Phượng) chăn nuôi thường xuyên 120 con, công suất chuồng nuôi 250 con; ông Đặng Đình Hậu (Lam Điền – Chương Mỹ): 53 con.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò thịt đạt 80%. Tổng số bê sinh ra từ phương pháp hàng năm khoảng 60.000 con. Cơ cấu đa dạng với nhiều giống bò chất lượng cao: 65% bò lai Zebu, gần 30% bò lai hướng thịt (Angus, Droughmasster, Wagyu, BBB….), bò vàng địa phương còn gần 5%.

Đàn bò của Hà Nội được phát triển công tác giống theo 03 nhóm chiến lược: Chuyên thịt (F1, F2, BBB), chuyên thịt chất lượng cao (F1 Wagyu), kiêm dụng (lai Brahaman, Chalorais, Angus…).

Cũng theo ông Sơn, về mặt tích cực, người chăn nuôi bò thịt đã chủ động được nguồn giống cung cấp cho chăn nuôi thương phẩm của Thành phố, tạo ra nguồn giống chất lượng cao, năng suất. Cùng với đó, công tác lai tạo giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được triển khai mạnh trên địa bàn thành phố, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đối với bò thịt đạt trên 80%. Thông qua công tác lai tạo giống vật nuôi của Hà Nội đã nâng cao chất lượng, hạn chế dịch bệnh, dễ dàng áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế của ngành chăn nuôi bò thịt Hà Nội đó là chưa tạo thành vùng chăn nuôi bò thịt công nghệ cao, nguyên nhân do sản xuất giống bò thịt chất lượng cao nên chủ yếu cung cấp ra các tỉnh lân cận.

Do giá thành bê giống cao, bán được giá nên các hộ chăn nuôi bò khi sinh ra bê bán ngay cho các tỉnh nên dẫn đến thiếu hụt đàn bò cái nền sản xuất ra giống bò thịt chất lượng cao.

Cùng với đó, nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi bò thịt còn hạn chế nên dẫn đến thiếu hụt nguồn thức ăn cho bò vào vụ đông.

Một số địa phương do tập quán chăn nuôi còn lạc hậu, đa phần nhỏ lẻ, chưa tiếp cận, nhận thức rõ lợi ích cải tạo, nâng cao giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo mà vẫn áp dụng phương thức phối giống dẫn đến năng suất thấp, chất lượng chưa cao.

Hiệu quả từ việc sử dụng phụ phẩm làm thức ăn cho bò thịt

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội, cho biết do Dịch tả châu Phi nên đàn lợn giảm sút, song thành phố đã khuyến khích cho nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu bò thịt. Đàn bò thịt đã tăng bình quân 5%/năm. Chất lượng đàn bò được nâng cao rõ rệt. Cùng với đó, chăn nuôi bò thịt cao sản, chất lượng thịt tốt là hướng đi có hiệu quả, bền vững và ổn định ở ngoại thành Hà Nội.

Ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội

Ông Khải cho rằng, diện tích trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn xanh cho trâu, bò ở ngoại thành không nhiều. Về mùa đông, cỏ tự nhiên khan hiếm, nên trâu bò không được cung ứng đủ thức ăn xanh. Mặt khác khối lượng rơm, rạ sau 3 vụ lúa ở ngoại thành lên tới 500.000 – 600.000 tấn, hiện tại chưa được sử dụng nhiều sau vụ gặt nông dân đốt rơm rạ trên đồng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường… Trong khi đó, một số hộ chăn nuôi giỏi, nuôi từ 80-100 bò thịt cao sản/năm tận dụng và chế biến rơm rạ (phơi cuộn thành bánh hoặc ủ ure nuôi bò thịt).

 Điển hình như gia đình ông Vũ Kim Truyền (xã Thuần Mĩ, huyện Ba Vì, Hà Nội) nuôi thường xuyên 100-200 con bò lai cao sản để vỗ béo, bò đạt từ 400-450 kg/con mới xuất bán. Ông đã đầu tư 300 triệu mua máy cuộn rơm khô sau vụ gặt làm thức ăn cho bò, tiết kiệm hơn 200 triệu đồng mỗi năm mua thức ăn cho bò. Ông cho 0,5kg rỉ mật đường trộn với 5kg rơm, 4-5 kg thức ăn tinh, 1,5kg cỏ cho 1 con/ngày để vỗ béo bò. Kết quả, mỗi năm thu lãi từ 550-700 triệu đồng.

Vì vậy, ông Khải khẳng định, việc sử dụng rơm, rạ, phụ  phẩm nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm chế biến thành thức ăn cho trâu, bò thịt vừa giải quyết được nguồn thức ăn nuôi bò, tiết kiệm chi phí thức ăn, tăng hiệu quả kinh tế, vừa góp phần giảm bớt rơm rạ sau vụ gặt, đỡ ô nhiễm môi trường. Cùng với đó ông cũng kiến nghị thành phố hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp cho các hộ vay vốn, tăng đàn bò thịt; tập huấn vỗ béo bò thịt, chế biến rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm làm thức ăn nuôi bò cho nông dân áp dụng…

Để chăn nuôi bò thịt Hà Nội phát triển bền vững

TS Tăng Xuân Lưu – Giám đốc Trung tâm Bò và Đồng cỏ Ba Vì

Còn TS Tăng Xuân Lưu – Giám đốc Trung tâm Bò và Đồng cỏ Ba Vì  cho rằng, Hà Nội nên đi theo con đường phát triển đàn bò thịt chất lượng và làm giống. Cùng với đó, TS Lưu tâm huyết chỉ ra 4 điểm quan trọng trong phát triển chăn nuôi bò thịt của Hà Nội, cụ thể như sau:

Thứ nhất, mà muốn có đàn bò chất lượng thì phải tiếp tục cải tạo đàn bò cái nền. Thứ hai, nhất thiết phải xây dựng thương hiệu bò thịt Hà Nội thông qua tuyên truyền. Ví dụ như khi Hà Nội nuôi được con bò Wayu, để người tiêu dùng, các nhà hàng, khách sạn mu nó thì phải tuyên truyền những giá trị dinh dưỡng vượt trội của nó như thế nào đối với người tiêu dùng, thực hiện chỉ dẫn địa lý…Thứ ba, Hà Nội làm được cuộc cách mạng trong chăn nuôi bò thịt chỉ khi thành công trong cách mạng chế biến thức ăn TMR, TMF. Lúc đó, dù người nông dân không cần có ruộng vẫn hoàn toàn nuôi được bò thịt.

Thứ 4, xuất hiện bệnh mới và chủng mới của nhiều loại bệnh thông thường trên bò thịt. Ví dụ, thời gian qua, có thời điểm 39-40 độ mà vẫn xuất hiện bệnh Lở mồm long móng… đòi hỏi ngành Thú y cần sát sao theo dõi và nghiên cứu thêm.

TS Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi 

Còn TS Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định ở góc độ chuyên môn ông đánh giá cao hội thảo này trong bối cảnh ngành chăn nuôi đối mặt với thách thức của bệnh Dịch tả lợn châu Phi và Covid. Chăn nuôi lợn nông hộ có tỉ lệ tái đàn rất thấp, vì vậy, bò thịt có thể là một trong những phương thức sinh kế quan trọng cho người chăn nuôi nhỏ lẻ.

Chăn nuôi bò thịt ở Việt Nam đang ở mức thấp với thế giới và châu Á, Đông Nam châu Á. Mỗi năm, tính ra, trung bình mỗi người Việt Nam hiện chỉ có 3,3kg thịt bò. Hà Nội hiện cũng mới tự cung cấp được trên 20% sản lượng thịt bò cho người dân của Thành phố. Việt Nam không có lợi thế đồng cỏ trong chăn nuôi bò thịt nhưng là nước nhiệt đới có khối thực vật xanh lớn, bởi mỗi năm sản xuất ra 45-47 triệu tấn thóc thì chúng ta có lượng rơm như vậy. Nếu biết sử dụng cho chăn nuôi bò thịt và chế biến thức ăn thô xanh thì sẽ là một hướng mới, mang lại giá trị kinh tế. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 74 000 tấn rơm rủ chua sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ông Tống Xuân Chinh cho biết, Hà Nội là địa phương tiên phong đưa giống mới vào sản xuất, điển hình là giống bò BBB được triển khai rất thành công và đã lan tỏa sang các tỉnh khác. Tuy nhiên, dù chất lượng giống tốt thế nào thì việc vỗ béo bò cấp thiết . Đối với bò F1BBB do lượng cơ gấp đôi so với bò bình thường, nên đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng protein thô cao ở mức 13-16% là phù hợp nhất.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục cải tạo, duy trì đàn bò cái nền, hạn chế tình trạng người dân bán bò sinh sản sang các tỉnh lân cận, khiến đàn bò không tăng được.  Cùng với đó, thành phố sẽ chú trọng hình thành các vùng chuyên canh cho chăn nuôi bò thịt và ứng dụng công nghệ trong chế biến thức ăn, hướng tới sản xuất thức ăn hỗn hợp TMR và TMF. Vấn đề đề xử lí môi trường; kiểm soát dịch bệnh; đào tạo và đào tạo lại cho dẫn tinh viên; xây dựng thương hiệu thịt bò Hà Nội; phát triển các chuỗi thịt bò; tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi bò thịt và sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò… cũng sẽ được ngành Nông nghiệp chú trọng, quan tâm hơn, nhằm phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò thịt của Thành phố.

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:

Ông Vũ Văn Hải – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần giống gia súc Hà Nội trình bày báo cáo kết quả triển khai chương trình phát triển bò thịt (BBB×Laisin) và chế biến rơm rạ trong chăn nuôi bò.

Bà Nguyễn Thị Minh – Giám đốc Công ty TNHH Môi trường và Dịch vụ TMH trình bày báo cáo với chủ đề “Ứng dụng chế phẩm sinh học AT-YTB, YTB PROBIO-FEED trong chăn nuôi gia súc lớn”.

Ông Vũ Kim Tuyền xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, Hà Nội – đại diện cho các hộ chăn nuôi bò thịt của Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. Ông Tuyền kiến nghị Nhà nước cho nông dân thuê đất lâu dài, vay vốn lãi suất thấp để người nuôi bò tăng thêm đàn bò thịt vừa có sản phẩm cho thành phố, vừa cải thiện đời sống, tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Danh Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã  Minh Châu, Ba Vì, Hà Nội kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội tạo điều kiện về đất đai để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gắn với giết mổ và tiêu thụ sản phẩm thị bò Wagyu để tạo ra giá trị gia tăng cho đàn bò của địa phương.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Bài và ảnh: Hà Ngân

Nguồn : Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam

 

Sở NN&PTNT định hướng vùng gò đồi (gồm các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai) phát triển tập trung các sản phẩm chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Vùng bãi bồi ven sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống, sông Tích) tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại gắn với bảo vệ vành đai xanh của Hà Nội, nuôi bò thịt chất lượng.

Thành phố phấn đấu đến năm 2025 đàn bò cái sinh sản được thụ tinh nhân tạo đến 90% tổng đàn, trong đó lai tạo giống bò cao sản chiếm 45%.  Đối với công tác giống bò, tăng cường phối giống theo phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống bò thịt nắng suất chất lượng cao (BBB phân ly giới tính đực, Senepol, Wagyu, Chalorais..) nhằm cải tiến nhanh chất lượng đàn bò. Kết hợp với giám định, bình tuyển bò thịt chất lượng cao hằng năm đẻ nâng cao năng suất, chất lượng thịt..

 

 

 

MUA HẠT GIỐNG CỎ LIÊN HỆ SĐT 0363145282. TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586