• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

CHÔNG GAI CHĂN NUÔI THỜI COVID-19

     Những ngày đầu năm 2020, tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó lường và cũng chưa dự báo được đỉnh dịch. Nhưng tác động ảnh hưởng của dịch đang ngày càng thể hiện nâng cao mức độ nghiêm trọng đến tình hình kinh tế – xã hội ở nước ta. Đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng thì những tác động của nó đến khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi mới chỉ là khởi đầu.

Ảnh hưởng đa chiều

Với ngành chăn nuôi heo, sự kết hợp giữa ASF cả năm 2019 và dịch viêm phổi cấp do virus Covid-19 gây ra đầu năm 2020 làm nhân đôi khó khăn cho lĩnh vực này. Do đó, việc tái đàn được dự báo sẽ khó diễn ra trong thời gian ngắn. Mặt khác, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu trong tháng 1/2020 chỉ đạt 222 triệu USD, giảm 25,04% so với tháng trước đó và giảm 41,65% so với cùng tháng năm ngoái.

Trong thời gian tới, những khó khăn đối với ngành chăn nuôi sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Bên cạnh đó, sự lây lan của Covid-19 cũng đang ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại. Các công ty xuất, nhập khẩu sản phẩm động vật của Việt Nam cũng chung cảnh ngộ khi hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc bị đình trệ. Dịch bệnh còn ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành hàng chăn nuôi khác vì lệnh hạn chế giao thương qua cửa khẩu như nhập khẩu trứng tằm, các sản phẩm phục vụ cho hoạt động chăn nuôi từ Trung Quốc…

Tiêu thụ đình trệ

Sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng các sản phẩm từ động vật như thịt, cá, trứng gia cầm đã giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ do tình trạng cung vượt cầu. Cùng với đó, tâm lý lo ngại của người tiêu dùng khi có thông tin dịch cúm gia cầm A/H5N6 đang tái phát tại một số tỉnh, thành trong nước làm cho giá bán thịt gia cầm sụt giảm.

Qua theo dõi tình hình thị trường, sức mua của người tiêu dùng cho thấy rõ có sự sụt giảm. Vì lo ngại sự lây lan của dịch bênh Covid-19, nhiều người dân ngại đến chỗ đông người như chợ, siêu thị. Các quán ăn, nhà hàng cũng hoạt động cầm chừng hoặc phải đóng cửa vì lượng thực khách giảm cả do dịch bệnh và từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Do vậy, giá một số nhóm hàng thủy hải sản, thịt gà, bò giảm mạnh; sức tiêu thụ chậm hơn so với cùng kỳ. Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước. Dự báo giá bán các sản phẩm gia cầm sẽ vẫn ở mức thấp và sự tăng giá sản phẩm gia cầm trở lại sau tháng 3 sẽ còn phụ thuộc vào hai yếu tố chính là việc khống chế được dịch Covid-19 trên người và dịch cúm A/H5N1, cúm A/H5N6 trên gia cầm tại các địa phương.

Trước những bất ổn từ dịch bệnh, điều quan trọng lúc này là người chăn nuôi cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý và tiếp cận các nguồn thông tin chính thống để đưa ra quyết định phù hợp, giúp giảm thiểu những tổn thất trong hoạt động chăn nuôi của mình.

Phạm Dũng – Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới (CIAT)
 Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586