• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Chưa được phân loại

HÀ NỘI: CHO ĐÀN BÒ WAGYU UỐNG BIA, MASSAGE, LÀM RA THỨ THỊT BÒ DÁT VÀNG

Mỗi lần mổ bò lai Wagyu, cửa hàng trước cổng Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì (Hà Nội) lại tấp nập khách mua thịt. Ông Tăng Xuân Lưu – Giám đốc Trung tâm cho biết, thịt bò Wagyu nuôi tại Ba Vì không quá đắt như bò Kobe nhập ngoại, nhưng ai đã ăn một lần là mê ngay.

Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Tăng Xuân Lưu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì khẳng định, chất lượng thịt bò Wagyu nuôi tại Trung tâm bằng 70-80% chất lượng bò Kobe ở Nhật Bản. Song giá thịt bò bán ra chỉ bằng 60% so với mức giá thịt bò nhập từ Nhật Bản và Australia về. 

Hà Nội: Cho đàn bò Wagyu uống bia, massage, làm ra thứ thịt cao cấp dát vàng  - Ảnh 1.

Nhân viên Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì đổ trực tiếp bia vào thức ăn của bò, nhằm kích thích vị giác khiến con bò ăn uống nhiều hơn và thức ăn cũng dễ tiêu hóa hơn. Ảnh: TTCC

Theo ông Lưu, cả nước hiện chỉ có 2 nơi nuôi được bò Wagyu là Hà Nội và Lâm Đồng, ở Lâm Đồng thì chủ yếu tiêu thụ ở TP.HCM. Vì thế giá thịt bò Wagyu vẫn ở mức cao. Ví dụ ở Lâm Đồng, giá thăn nội là hơn 4,5 triệu đồng/kg, còn thăn ngoại giá 3,7 triệu đồng/kg.

“Nhưng ở chỗ chúng tôi đang bán giá rẻ nhất thế giới. Ví dụ thịt thăn nội giá 2,7 triệu đồng/kg. Đây là chỗ thịt ngon nhất của con bò, trung bình 1 con bò nặng 800-900kg nhưng chỉ có khoảng 9-12 kg thăn nội. Còn thăn ngoại bán giá 2,1 triệu đồng/kg. Các loại thịt khác giá 750.000 – 800.000 đồng/kg” – ông Lưu nói.

Cũng theo chia sẻ của ông Lưu, trước đây giá thịt bò Wagyu tại Ba Vì đắt ngang ngửa thịt bò Wagyu nuôi tại Lâm Đồng, nhưng vì muốn nhiều người biết tới thịt bò Wagyu, được ăn thịt bò Wagyu nuôi ngay tại Thủ đô Hà Nội nên ông đã quyết định hạ giá bán. 

“Thú thật lâu nay chúng tôi chỉ biết nghiên cứu, chưa biết làm thị trường nên lúc mới công bố, nhiều người còn không tin chúng tôi đã nuôi được bò Wagyu. Sau khi hạ giá bán, cửa hàng đã có nhiều khách hàng đến mua thịt và thưởng thức phở bát đá tại chỗ, với giá 200.000 đồng/bát” – ông Lưu nói.
Hà Nội: Cho đàn bò Wagyu uống bia, massage, làm ra thứ thịt cao cấp dát vàng  - Ảnh 2.

Những con bò lai Wagyu được tắm táp, massage và chải lông thường xuyên. Ảnh: TTCC

Theo ông Lưu, hiện nay Trung tâm đang chăn nuôi gần 100 con bò lai Wagyu. Đàn bò này được lai tạo dựa trên tinh bò Wagyu phối tinh nền HF, tạo ra thế hệ F1 có 50% máu Wagyu. Sau đó dùng con cái sinh sản phối tiếp với tinh bò Wagyu để tạo ra con F2 có 75% máu Wagyu. 

Việc chăm sóc bò Wagyu không quá khó, nhưng cầu kì và tốn nhiều thời gian hơn bình thường. Theo đó, những con bò tại Trung tâm thường được nuôi rất lâu, từ 36 đến 48 tháng. Hàng ngày, bò được công nhân tắm mát, chải lông, cho nghe nhạc, ăn những loại thức ăn tốt nhất. 

Thi thoảng đàn bò sẽ được cho uống bia, rượu vang để kích thích tiêu hoá. Đặc biệt, bò sẽ được massage thường xuyên để những vùng nhiều mỡ dưới da tan vào trong thịt, tạo thành lớp thịt xen mỡ đặc biệt.

Ở Nhật Bản, con bò được nuôi đến 72 tháng mới làm thịt. Quan trọng hơn, tại nước Nhật đã hình thành văn hóa chăn nuôi bài bản và quy củ. Ăn thịt bò Kobe chính là thưởng thức văn hóa Nhật Bản và đó là lý do vì sao thịt bò Kobe đắt như vậy” – ông Lưu giải thích thêm. 

 

Hà Nội: Cho đàn bò Wagyu uống bia, massage, làm ra thứ thịt cao cấp dát vàng  - Ảnh 4.

Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì đã xây dựng lò giết mổ đạt tiêu chuẩn Nhật Bản, sử dụng công nghệ làm mát giúp miếng thịt bò đảm bảo an toàn và thơm ngon trong suốt 10 tháng. Ảnh: TTCC

Ông Lưu cho biết: Chất lượng bò Wagyu của Trung tâm chưa thể bằng bò Kobe Nhật Bản là vì đây là con lai. Tuy nhiên sản phẩm thịt bò này đã được khách hàng và chuyên gia người Nhật đánh giá rất cao. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để nhân nhanh bò lai Wagyu ra thị trường.

“Trung tâm chủ yếu cung cấp thịt bò mát cho cửa hàng Wagyu Hồng Thái ở Đan Phượng để họ chế biến thịt bò cao cấp, thịt bò dát vàng. Riêng giống bò này, nông dân chưa dám nuôi vì họ cũng chưa biết bán cho ai. Cả Hà Nội mới có vài chục con được nuôi ở xã Minh Châu (Ba Vì), Mê Linh. Ngay cả chúng tôi cũng chưa làm được thị trường vì mải nghiên cứu. Thêm nữa, giống bò Wagyu đòi hỏi chăm sóc cầu kì, mất nhiều thời gian, và phải tâm huyết mới theo đuổi được” – ông Lưu nói với PV Dân Viẹt. 

Bò Wagyu được lai tạo và nuôi đầu tiên ở Việt Nam bởi Công ty CP Bò Kobe Việt Nam (xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) từ năm 2009.

Trong khi đó, Hà Nội là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển chăn nuôi bò, vì vậy từ năm 2017, Sở NNPTNT Hà Nội đã nhập tinh bò Wagyu thuần chủng để thụ tinh nhân tạo cho bò cái. Đến nay, đàn bò lai Wagyu được nhân lên ngày càng đông đúc tại Trung tâm Nghiên cứu Bò và đồng cỏ huyện Ba Vì.

Theo Minh Huệ (Báo điện tử của Trung ương Hội nông dân Việt Nam)

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586