Về phía tỉnh Thái Bình có đồng chí Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Hồng Diên, đồng chí Đặng Trọng Thăng – Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, một số sở, ngành, huyện có liên quan tham dự trao đổi kinh nghiệm.
Tiếp và làm việc với Đoàn có Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cùng đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan ban ngành của thành phố Hà Nội.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 14.000 con trâu, hơn 134.000 con bò và là địa phương đầu tiên trong cả nước sản xuất được tinh bò chất lượng cung cấp ra thị trường năm 2018. Theo định hướng, đàn bò thủ đô sẽ tăng 100.000 con trong 2 năm tới, thành phố sẽ tập trung mở rộng các mô hình liên kết khép kín trong chăn nuôi từ cung cấp con giống, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất giống bò chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật đến tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục hoàn thiện mô hình đang có để nhân rộng trong thời gian tới, tạo điều kiện liên kết với nông dân, tận dụng hiệu quả các phụ phẩm trong nông nghiệp, giúp người chăn nuôi có sinh kế mới bởi họ đã và đang chịu quá nhiều thiệt hại do dịch bệnh, đồng thời cũng là giải quyết bài toán khan hiếm thực phẩm trước mắt và lâu dài.
Tại Ba Vì, Hà Nội, từ năm 2010 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai mô hình “Vỗ béo bò thịt”. Mô hình không những mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi bò mà còn giúp họ ổn định hơn trước dịch bệnh và trở thành một nghề cho người dân nơi đây. Đến nay các dự án về cải tạo đàn bò và vỗ béo bò vẫn được triển khai ở nhiều vùng theo Chương trình Khuyến nông Trung ương và Khuyến nông các địa phương. Qua tham quan mô hình chăn nuôi bò tại xã Minh Châu, đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết sẽ hỗ trợ nông dân tỉnh nhà chuyển dần từ nuôi lợn sang nuôi bò bằng cách tạo cơ chế tối đa cho các doanh nghiệp, làm đầu tàu cho chuỗi giá trị thịt bò, nông dân sẽ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để chuyển đổi sang chăn nuôi đại gia súc và tập trung vào con bò. Đồng chí Bí thư tỉnh ủy Thái Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, thành phố Hà Nội hỗ trợ Thái Bình hoàn thành đề án “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình chuỗi liên kết”. Trong đó, bước đầu thành phố Hà Nội cung cấp các giống bò chất lượng cao cho Thái Bình, tỉnh Thái Bình sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu, thức ăn cho ngành chăn nuôi của thành phố Hà Nội. Trên cơ sở hợp tác cùng phát triển, Thái Bình và Hà Nội sẽ tạo vùng liên kết sản xuất trong phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao nói chung, chăn nuôi đại gia súc nói riêng, giúp Thái Bình tăng 150 – 200 nghìn con bò trong 3 – 4 năm tới.
Nhân dịp này UBND thành phố Hà Nội đã trao tặng 100 con bò giống lai Sind hỗ trợ tỉnh Thái Bình phát triển chăn nuôi đại gia súc với mong muốn từ đàn bò này, Thái Bình có thể nhân rộng mô hình nuôi bò đến các hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, với lợi thế về tiềm năng đất đai, hạ tầng nông nghiệp tốt cùng thị trường tiêu thụ rộng mở, Hà Nội và Thái Bình được kỳ vọng là hạt nhân phát triển đại gia súc nhất là bò hướng thịt. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi mà bệnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, chăn nuôi đại gia súc là một hướng mới cho người chăn nuôi nhằm giảm áp lực về dịch bệnh cho ngành chăn nuôi lợn góp phần cân bằng dinh dưỡng cho người tiêu dùng Việt. Chăn nuôi nói chung, chăn nuôi đại gia súc nói riêng cần phải đáp ứng 3 trụ cột là: Lợi ích kinh tế khai thác tối đa; Đáp ứng sinh kế cho người dân; và Đảm bảo yếu tố môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là hướng đi đúng đắn trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng khẳng định: “Hà Nội và Thái Bình có đủ tiềm năng trở thành vùng trọng điểm sản xuất bò thịt chất lượng cao, kỳ vọng trở thành hạt nhân trong phát triển chăn nuôi đại gia súc của khu vực đồng bằng sông Hồng và của cả nước”.
Thanh Thủy
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia