– Xuất hiện khắp nơi và rất quen thuộc với đời sống con người, từ lâu chuột đã là đối tượng cuốn hút sự quan tâm của chúng ta. Trong thế giới loài chuột, chủng loại phong phú và đặc điểm cấu tạo khác biệt cùng nhiều yếu tố liên quan độc đáo đó lập nên những kỷ lục thú vị, hấp dẫn…
* Chạy nhanh nhất: Là khả năng của chuột túi xám sống ở Australia vì mỗi con cái mới lớn có thể chạy tới tốc độ 68 km/giờ (tức là gần 19 m/giây).
* Bơi giỏi nhất: Sự bình chọn này xứng đáng dành cho chuột cống. Nó có thể bơi liên tục được cả đoạn dài đến 29 km hoặc bơi ngược dòng nước xiết tới 90 giờ liền trước khi chịu chết đuối.
* Nhảy xa và cao nhất: Là danh hiệu thuộc về các loài chuột túi sống phổ biến ở Australia bởi chúng có thể nhảy xa tới 8 – 9 m, cao tới 2,2 – 2,5 m. Tháng 1/1951, một con chuột túi đỏ (cái) đã liên tục nhảy vọt nhiều lần mà cú nhảy xa nhất đo được 12,8 m. Người ta cũng từng ghi nhận một con chuột túi bị thợ săn rượt đuổi đã nhảy qua đống gỗ cao 3,3 m.
* Ăn nhanh nhất: Nếu như con người thường phải mất chừng 2/3 giây để bóp hãm phanh lúc trông thấy đèn đỏ khi đi xe trên đường, thì chuột chũi mũi tua sống tại Bắc Mỹ thực sự là loài chuột ăn nhanh nhất vì có thể tìm kiếm, nhìn nhận và nuốt chửng thức ăn đang cần chỉ trong 22,7% giây (tức là chưa hết 1/4 giây).
* Ngủ lâu nhất: Là kỷ lục của loài chuột sóc sống ở các nước hàn đới châu Âu và một số vùng châu Á, châu Phi. Để tiết kiệm năng lượng và tránh rét mùa đông, chúng có thể ngủ liền tới 8 tháng trong hang.
* To lớn nhất: Cồng kềnh hơn cả trong thế giới loài chuột là chuột túi đỏ sống ở Australia. Con đực trưởng thành thường cao 1,8 – 2,2 m, dài 2,8 – 2,9 m (đo từ đầu mõm đến chót đuôi), nặng 65 – 80 kg và con lớn nhất cao tới 2,5 m, dài tới 3,4 m.
* Nhỏ bé nhất: Kỷ lục tí hon của họ hàng nhà thú thuộc về loài chuột chù đuôi dày sống ở Nam Á, Nam Âu và châu Phi. Khi trưởng thành, mỗi con chỉ có thân dài khoảng 4 cm, đuôi dài chừng 3 cm, cân nặng 2 – 3 g. Còn loài chuột túi roborovski nguồn gốc Mông Cổ thì chưa bao giờ thân dài quá 5 cm. Từ những năm 1960, chúng được đưa vào nuôi tại Anh và đại diện nhỏ nhất là chú chuột mang tên Tim Tiny sống trong vườn thú London với chiều dài thân chỉ đạt đến 1,9 cm khi đã qua tuổi trưởng thành.
* Mang thai ngắn nhất: Chuột túi đuôi quăn sống tại châu Mỹ có thời gian mang thai ngắn nhất vì chỉ mất 12 – 13 ngày, thậm chí có trường hợp chỉ còn là 8 ngày.
* Sống thọ nhất: Tuổi thọ của đa số loài chuột khoảng vài ba năm, nhưng riêng chuột chũi không lông ở châu Phi lại sống được lâu tới 28 năm.
* Hiếm nhất: Là giá trị của loài chuột hutia bởi cho đến nay, người ta chưa tìm đâu thấy con hutia thứ hai sau lần đầu tiên phát hiện được một con tại đảo phía nam Cuba vào năm 1967.
* Nước có nhiều chuột nhất: Đây là danh hiệu khó chịu thuộc về nước Đức. Quốc gia này đang có tới hơn 300 triệu con chuột (trong tổng số hơn 11 tỷ con trên toàn thế giới hiện nay).