• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

VỀ MIỀN SỮA TRẮNG BA VÌ

Thứ bảy, 13 Tháng 4 2013 15:30

     Có một miền sữa trắng đã tạo nên thương hiệu được nhiều người biết đến, đó là sữa Ba Vì.

       Miền sữa này không chỉ đi vào trong thơ, trong nhạc mà còn được nhiều thế hệ người Việt nhớ đến. Vậy sữa Ba Vì được ra đời từ bao giờ và vì sao sữa Ba Vì lại có hương vị khác với những nơi khác ? Sữa Ba Vì ra đời từ bao giờ?
      Trên đường về vùng núi Tản sông Đà, chúng tôi bất chợt nghe bài hát “Hà Tây quê lụa” với những ca từ nhẹ nhàng, da diết: “Bóng chiếc thoi đưa, ánh mắt long lanh. Trời đất Hà Tây, tay em dệt lụa. Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng Khu Cháy. Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần, Sông Tích, sông Đà giăng lụa mênh mông…”. Đến nay, chắc hẳn nhiều người chưa biết sữa Ba Vì có từ bao giờ, vì sao Ba Vì trở thành thương hiệu nổi tiếng về sữa? Nhắc đến Ba Vì người ta lại nghĩ đến Anh hùng Lao động Hồ Giáo và đàn bò Lang trắng đen nhởn nhơ gặm cỏ dưới chân núi…

       Để hiểu hơn về nguồn gốc ra đời miền sữa Ba Vì, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Tăng Xuân Lưu – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì (người mới được nhận cúp Bông lúa Vàng Việt Nam năm 2012) về vấn đề này. Ông Tăng Xuân Lưu là chuyên gia nghiên cứu về bò sữa, có nhiều năm gắn bó với nông dân vùng đất Ba Vì và giảng dạy, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, thú y bò sữa cho cán bộ kỹ thuật, thú y và nông dân nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Theo ông Tăng Xuân Lưu, vùng núi Ba Vì là một vùng tiểu khí hậu, đất đai tốt thích hợp để cây chè, cà phê (cà phê vối), trồng cỏ và nuôi bò (bò thịt và bò sữa). Vào những năm 1940 của thế kỷ XX, người Pháp đã lập đồn điền ở Ba Vì và phát triển nuôi bò để lấy thịt, sữa trên nền bò vàng Việt Nam lai với giống bò Sind để tạo ra bò Lai Sind.  Giống bò Lai Sind là giống bò kiêm dụng thịt- sữa, có năng xuất sữa từ 800 – 1.000 kg/chu kỳ sữa, loại sữa này có tỷ lệ bơ cao (5,5 – 7,2%), tỉ lệ protein lớn (3,8 – 4,2%), màu vàng  đặc quánh với một mùi thơm đặc trưng khác với những vùng đất khác. Hồi đó, cứ vào thứ 7, chủ nhật, quan ba Pháp lại lên vùng núi Ba Vì ở độ cao (cốt)  400 – 600 m so với mực nước biển) để nghỉ mát và thưởng thức sữa từ trang trại này (Hiện nay trên cốt 400 – 600 vẫn còn móng những căn biệt thự và nhà thờ từ thời quan ba Pháp ở). Hòa bình lập lại, Nhà nước đã chọn Ba Vì làm nơi nhân, nuôi phát triển bò sữa Việt Nam. Năm 1956-1958, chúng ta đã tiếp quản đồn điền từ tay người Pháp (lúc đó do một người Pháp có tên là Moren là chủ đồn điền), và chúng ta tiếp tục trồng chè, nuôi bò sữa trên nền bò cái Lai Sind. Năm 1960, được nước bạn Trung Quốc giúp đỡ 200 con bò Lang Trắng Đen – bò sữa Hà Lan, chúng ta đã thành lập nông trường tại Ba Vì. Hồi đó, Nông trường Ba Vì  trực thuộc Bộ Nông trường (nay là Bộ NN&PTNT), sau này đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì (thuộc Viện Chăn nuôi quản lý) có nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển nuôi bò sữa và đồng cỏ ở đây. Do điều kiện khí hậu lúc đó ẩm thấp, cây cối rậm rạp, kỹ thuật lại chưa cao… nên số bò sữa này mắc bệnh chuyển vùng (ký sinh trùng đường máu, hay còn gọi là bệnh sốt rét). Vì vậy, chúng ta đã quyết định chuyển số bò sữa này lên Nông trường Mộc Châu (tỉnh Sơn La) nuôi.
      Thực tế trên khiến các nhà khoa học phải nghĩ đến một giải pháp khác, đó là dùng bò sữa Hà Lan thuần lai giống với bò cái Lai Sind có gốc là bò vàng Ba Vì để cho ra thế hệ bò sữa F1 (50% máu của con bò sữa, 25% máu của bò vàng Ba Vì, 25% máu của con bò Sind), F2, F3… để thích nghi với khí hậu ở đây. Bò sữa thuần Hà Lan, tỷ lệ protein đạt 3,2-3,4%, tỷ lệ mỡ sữa bò lai đạt 3,4-3,6%, còn con bò F1 nuôi ở Ba Vì tỷ lệ protein đạt từ 3,4-3,6%, tỷ lệ mỡ sữa cao từ 3,8-4,6%. Trong cơ chế sinh học và phân tích những yếu tố khoáng chất cho thấy, bò ăn cỏ ở vùng quanh núi Ba Vì cho sữa có hương vị riêng. Một cốc sữa tươi Ba Vì có vị khác với sữa tươi Mộc Châu (Sơn La), Lâm Đồng hay TP. Hồ Chí Minh…
Để vùng sữa Ba Vì không ngừng vươn xa…
        Hiện nay, thị trường sữa tươi trong nước sản xuất mới đáp ứng được khoảng  26-27% nhu cầu của người tiêu dùng, còn lại trên 70% vẫn phải nhập khẩu và chủ yếu là sữa bột để hoàn nguyên. Hiện nay, Ba Vì có khoảng 1.500 hộ chăn nuôi bò sữa, với tổng số 6.200 con. Theo các chuyên gia, muốn giữ được thương hiệu sữa Ba Vì phải xây dựng được các chỉ tiêu, chất lượng của sữa Ba Vì khác với sữa nơi khác ở chỗ nào. Khách du lịch khi lên đây thưởng thức sữa Ba Vì có cảm giác ngon hơn sữa Ba Vì ở nơi khác. Muốn giữ được thương hiệu sữa Ba Vì cần phải giữ được vốn tự nhiên, của vùng quê, không chạy theo thương mại hóa, phải giữ được cái gốc của sữa Ba Vì… Cũng là con bò ăn cỏ tự nhiên, cỏ trồng được bón phân hữu cơ chất lượng sữa sẽ khác với con bò ăn cỏ sử dụng phân vô cơ, sử dụng thuốc hóa học…Cũng trên vùng đất này, trước đây, người Pháp đã sử dụng sữa từ những con bò được nuôi ở đây để làm Phomat và cũng đã trở thành một dấu ấn của người Pháp trên vùng đất Ba Vì này. Ngày nay, phomat của Pháp vẫn nổi tiếng trên thế giới. Vì vậy, muốn giới thiệu các sản phẩm từ sữa như sữa bò Ba Vì, Pho mat Ba vì..  thì cần phải khôi phục lại nghề làm phomats với công nghệ thủ công mà người Pháp đã làm trước đây.

        Để phát triển một cách bền vững, tăng số lượng đàn bò sữa, huyện Ba Vì nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung cần phải có nhiều giải pháp như quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu , đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa, đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng giống, có chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa một cách đồng bộ và bền vững,… Theo ông Tăng Xuân Lưu, vùng Nông trường Quốc gia Ba Vì mới là cái nôi của sữa Ba Vì. Thương hiệu Sữa Ba Vì là thương hiệu vùng miền nên cần được quản lý, sử dụng một cách nghiêm ngặt theo đúng quy định để thương hiệu ngày càng có uy tín trên thị trường.

                                                                                                                                         Nguyễn Văn

 

 

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586