• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

CƠ HỘI PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ SỮA

      Ngành hàng chăn nuôi bò sữa của Việt Nam còn có cơ hội để phát triển và tiến xa, tạo đà cho sự tăng trưởng và mở rộng sản xuất sau này. Đây cũng là một trong những nội dung chính của Hội thảo Diễn đàn “Tầm nhìn và Đối thoại hợp tác công – tư (PPP) ngành hàng chăn nuôi: Thách thức và tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa và sản phẩm sữa” vừa qua tại Hà Nội.

Phát huy tiềm năng

      Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Phạm Văn Duy cho rằng, hiện nay, sữa Việt đã được xuất khẩu tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường các nước Trung Đông chiếm tới hơn 70%. Số liệu 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sữa sang hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, lớn nhất là Iraq đạt 88,28 triệu USD tăng 29,37%, tiếp đến là Trung Quốc đạt 11,59 triệu USD tăng 52,9%. Xét về mặt cơ cấu, mặt hàng sữa bột chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2019, đạt 72,09 triệu USD, tăng 89,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD và mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người liên tục tăng. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa của Trung Quốc hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trong nước.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, chăn nuôi bò sữa tuy mới phát triển gần đây nhưng phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Năng suất và sản lượng sữa của bò sữa Việt Nam đạt từ 4.500 – 5.000 kg/chu kỳ, tương đương hoặc cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… Ngành sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam được người tiêu dùng trong nước và nhiều nước trong khu vực và thế giới tin dùng. Việt Nam hiện xuất khẩu sữa tới 46 quốc gia, trong đó có Nga, Australia, Trung Quốc và các nước Trung Đông. 

Khó khăn còn nhiều

       Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, do hiện nay tại Việt Nam nông hộ chăn nuôi bò sữa vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn và là mắt xích yếu nhất khi ngành chăn nuôi Việt Nam tiến hành hội nhập. Do đó, đề án PPP này sẽ tập trung hướng tới việc hỗ trợ, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực, chuyên môn cho các hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ. Bà Hạnh cho biết thêm, ngay khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sữa chính ngạch, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức rất nhiều hội nghị tập huấn, hội thảo nhằm chia sẻ, cập nhật thông tin để từ đó bà con có sự chuẩn bị cho những yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn mới.

Cùng đó, hiện nay, khó khăn chung của ngành là cả nước hiện có 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung ứng một nửa sản lượng thịt tiêu thụ trong nước, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng thịt, sữa và sản phẩm sữa khá cao để phục vụ tiêu dùng trong nước. Năng suất chăn nuôi trong nước có xu hướng giảm, giá thành vẫn cao. Chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập cũng gây áp lực lớn đối với ngành sữa Việt Nam. 

Cơ hội phát triển

      Việt Nam hiện có 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung ứng một nửa sản lượng thịt, sữa tiêu thụ trong cả nước. Chính vì thế, mục tiêu quan trọng là cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi và chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp để phù hợp với thực tế địa phương. Phát triển chăn nuôi gắn với chế biến đa dạng hóa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi, hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp. 

     Bộ NN&PTNT đang tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ ra, một trong những giải pháp then chốt được Chính phủ ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức PPP. Bộ NN&PTNT đã tiên phong thành lập Chương trình đối tác công – tư cho phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tập trung vào kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. 

      Với định hướng phát triển ưu tiên đầu tư, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cam kết đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực hiện chính sách, qua đó tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP vào ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi bò sữa.
 

Ngọc Diễm 

Báo : Tạp chí Người Chăn nuôi

 

 

MUA HẠT GIỐNG CỎ LIÊN HỆ SĐT 0363145282. TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586