• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

TÁC ĐỘNG CỦA NGOẠI HÌNH ĐẾN CHẤT LƯỢNG GIỐNG BÒ CÁI HƯỚNG SỮA

     Việc chọn ngoại hình của bò cái có ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng sữa của vật nuôi. Do đó, người nuôi cần lưu ý chọn những con cái có ngoại hình “chuẩn” theo những tiêu chí sau đây.

Bề ngoài

    Chọn bò cái cho sữa tốt tập trung vào rất nhiều chi tiết, từ vóc dáng, chân cẳng đến bầu vú… Nếu chọn bò sữa không chuẩn có thể mang lại hậu quả lâu dài như: bò nuôi chậm lớn, dễ mắc các bệnh sinh sản (đẻ khó…), khả năng cho sữa kém và sinh ra bê con có chất lượng thấp. Hình dáng một con bò sữa có ngoại hình đẹp sẽ có phần thân sau to hơn phần thân trước, một trong những lý do là “bầu sữa” nằm ở phần thân sau. Do vậy, có ba bộ phận chủ yếu trên cơ thể bò cần nên lưu ý khi đánh giá ngoại hình bò, đó là bầu vú, vóc dáng và chân – móng.

     Về đánh giá bầu vú của bò sữa cần xem xét các chỉ tiêu như sau: hình dáng vú, độ treo vú trước, độ cao treo vú sau, chiều rộng hai vú sau, độ treo chằng vú, độ sâu vú, phân bố núm vú phía trước, độ dài núm vú phía trước.

Chọn bò cái tốt cho chất lượng sữa cao. Ảnh: ST

     Hình dáng bầu vú cần rộng về phía sau, đáy vú dài và cân bằng, vú trước và vú sau nằm trên cùng một mặt phẳng. Thông thường vú sau to hơn vú trước nên sản lượng sữa của hai vú sau bao giờ cũng cao hơn hai vú trước. Bò đẻ lứa đầu, sản lượng sữa hai vú trước 45%, hai vú sau 55%. Bò đẻ từ lứa thứ hai trở lên, hai vú trước là 35 – 40% và hai vú sau là 60 – 65%.

     Độ treo vú trước là tiêu chí giúp đánh giá sự gắn kết chắc chắn của bầu vú vào cơ thể. Nhìn một bên, hai vú trước gắn vào đáy bụng bò tạo thành một góc, góc càng lớn sự gắn kết càng chắc. Khi góc này quá hẹp, bầu vú trước sẽ gắn vào thân một cách lỏng lẻo, dễ bị đong đưa khi di chuyển dẫn đến nguy cơ tổn thương cơ học cho bầu vú.

     Độ cao treo vú sau được tính từ điểm giữa của xương chậu đến điểm mà bầu vú bắt đầu chứa mô tuyến sữa. Vú càng treo cao thì càng được gắn kết chắc chắn vào cơ thể và cho sản lượng sữa cao. Đây có thể là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá giá trị của bầu vú vì đặc điểm này có tính di truyền và ảnh hưởng đến tuổi thọ của bầu vú.

– Chiều rộng hai vú sau được đo từ điểm mà bầu vú bắt đầu chứa mô tuyến sữa đến mặt trong của đùi. Chiều rộng vú sau càng lớn, khung chậu của bò càng rộng, càng dễ sinh đẻ và sản lượng sữa càng cao.

– Độ treo chằng vú được xác định bằng độ sâu và đáy của cả hai nửa bầu vú. Độ sâu này khoảng 3 cm, cho thấy sự rạch ròi trong cấu tạo giữa 2 nửa bầu vú trái và phải. Độ sâu giữa hai nửa bầu vú lớn còn cho thấy lực treo của bầu vú tốt, bầu vú khỏe, núm vú phân bố cân đối.

    Độ sâu vú được xác định bằng cách nhìn từ bên hống bò và được tính từ phần đáy của bầu vú đến điểm giữa khuỷu chân sau. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ sâu vú như độ cao treo vú sau, độ treo chằng vú, chiều cao, tuổi, giai đoạn vắt sữa và kỹ thuật vắt sữa bò. Độ sâu vú có tỷ lệ thuận với lượng sữa sản xuất. Tuy nhiên, nếu vú quá sâu, vú bị “xệ” khiến cho bò đi lại khó khăn, vú bò dễ bị tổn thương do các núm vú gần với mặt đất.

     Phân bố núm vú phía trước được quan sát từ phía sau để đánh giá. Khoảng cách giữa hai núm vú trước phản ảnh chiều rộng giữa hai núm vú. Khoảng cách này rộng giúp cho việc vắt sữa sẽ dễ dàng. Vị trí phân bố của các núm vú ảnh hưởng đến sự thuận tiện khi vắt sữa bò, mỗi núm vú phải được phân bố nằm giữa mỗi góc tư bầu vú.

    Độ dài núm vú phía trước cũng là một chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá ngoại hình bò cái. Bình quân độ dài núm vú là 6 cm và khác biệt giữa các núm vú trên cùng một bầu vú không nên quá 0,5 cm và phù hợp cho việc vắt sữa bằng máy hay bằng tay.

    Về vóc dáng, bò sữa nhìn vào là phải có ngoại hình hướng sữa, không quá vạm vỡ, phải có chiều cao, bề rộng, chiều dài và dung tích cơ thể lớn để có thể ăn nhiều thức ăn, cho nhiều sữa. Ngoài ra, nông dân cũng nên lưu ý các chỉ tiêu khác như rộng mông và góc mông rộng để dễ dàng sinh đẻ.

Chân và móng

    Về chân và móng, mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng cho sữa của bò nhưng nhìn chung chân – móng bò phải vững chắc để bảo đảm cho việc “mang nặng” khi bò có chửa, mang cả bầu vú sản lượng cao; và sức nặng to lớn của cơ thể bò trong thời gian dài mà vẫn bảo đảm cho bò dễ dàng di chuyển. Hơn nữa, chân sau và góc móng có liên quan đến tuổi thọ của bò cũng được người chăn nuôi quan sát kỹ.

     Chân sau bò được nhìn từ bên hông, nếu quá thẳng sẽ dễ bị bệnh móng khớp. Bò có chân chữ “bát” hay chân vòng kiềng cũng không tốt cho cơ và gân và dễ bị khèo chân. Góc móng, đo từ đầu móng, càng nhọn, càng… xấu. Móng có góc tù, giúp trọng tâm tập trung lên giữa phần móng sẽ giúp bò đứng vững.

     Thực tế, cách đánh giá ngoại hình bò sữa là sự kết hợp giữa quan sát thực tế và cho điểm, với việc đo đạc khách quan. Chọn bò cái “đẹp” phải dựa trên bảng phân tích đánh giá với các tiêu chí được nêu trong bài. Có như vậy nhà chọn giống mới có cơ sở chọn được con bò cái tốt, cho sữa nhiều, sinh sản tốt, đạt lợi nhuận cao.

Thể trạng

    Khi đánh giá ngoại hình của bò sữa còn cần phải chú ý đến thể trạng của bò sữa trong từng giai đoạn tiết sữa. Ở bò bình thường thể trạng có thể giảm mất 1 điểm sau khi đẻ. Tuy nhiên, càng về cuối của chu kỳ sữa, do năng suất sữa giảm dần và lượng thu nhận thức ăn tăng và giảm chậm hơn nên bò có cân bằng dương về năng lượng và cơ thể béo dần lên (điểm thể trạng tăng). Do đặc điểm thay đổi đổi thể trạng như trên, thời gian thích hợp cho việc đánh giá thể trạng của bò là: Khi bò đẻ; Đỉnh chu kỳ sữa; Vào ngày 200 của chu kỳ; Lúc cạn sữa.

   Thể trạng của của bò phản ánh tình trạng dinh dưỡng và có liên quan nhiều đến sức khỏe, khả năng sinh sản và sản xuất sữa của bò. Chẳng hạn, lúc đẻ bò ở trong tình trạng quá béo thì sau khi đẻ tính thèm ăn sẽ giảm và cơ thể phải huy động dinh dưỡng dự trữ để tạo sữa làm cho thể trọng bò giảm sút nhanh chóng (cân bằng âm về năng lượng). Việc huy động mỡ dự trữ quá mức sẽ gây ra hiện tượng xê-tôn huyết làm rối loạn trao đổi chất, giảm năng suất sữa, giảm khả năng thụ thai và tăng các bệnh về chân móng. Bò quá béo lúc đẻ thường kèm theo hiện tượng đẻ khó, dễ sót nhau và viêm tử cung nên càng khó chửa lại sau khi đẻ. Mặt khác, bò quá béo do nuôi dưỡng quá mức trong thời gian cạn sữa trước đó thì sau khi đẻ sẽ dễ bị bệnh sốt sữa và thường kèm theo bại liệt. Sốt sữa xảy ra do nhu cầu canxi của bò tăng cao sau khi đẻ để đáp ứng trong khi thức ăn không cung cấp đủ nên cơ thể phải huy động canxi dự trữ từ xương, nhưng việc huy động này gặp khó khăn bởi trước đó nó không được huy động do khẩu phần cung cấp quá đầy đủ, dẫn đến giảm canxi huyết đột ngột.

    Ngược lại, nếu lúc đẻ bò quá gầy, cơ thể sẽ chóng kiệt quệ nên năng suất sữa giảm nhanh chóng. Mặt khác, bò quá gầy lúc đẻ sẽ phục hồi chức năng buồng trứng và tử cung chậm, nên khó động dục và có chửa lại. Việc nuôi dưỡng bò sữa phải được điều chỉnh hợp lý và kịp thời sao cho sự thay đổi thể trạng diễn ra đúng quy luật và trong phạm vi cho phép.

TS. Phùng Thế Hải – Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương

Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi
 

 

 

MUA HẠT GIỐNG CỎ LIÊN HỆ SĐT 0363145282. TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586