1. ĐẶC ĐIỂM:
Bệnh gây ra những khối to tại các vị trí như cơ bắp, cơ đùi, tạo thành bọc có mủ dẫn đến vùng cơ bị xơ (Áp-xe). Đây không phải là bệnh lây lan truyền nhiễm, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến khả năng sản xuất trên bò sữa.
2. NGUYÊN NHÂN:
Có hai nguyên nhân chính:
– Do tác động cơ học: là sự va chạm mạnh do bò bị hoảng sợ, chạy nhảy đụng vào gây tổn thương vùng cơ mà không được quan tâm điều trị tích cực.
– Do tác động hóa học: việc tiêm thuốc không đúng kỹ thuật, kim tiêm không đúng kích cỡ cho từng vị trí tiêm; hoặc do loại thuốc tiêm có chất nhủ dầu không hấp thu được vào máu, gây hiện tượng viêm cơ (áp-xe) tại vị trí tiêm thuốc.
3. TRIỆU CHỨNG:
Có hai dạng viêm cơ:
– Thể cấp tính: có hiện tượng sưng, nóng, đỏ, đau ngay ở vị trí bị viêm, bò giảm ăn, thân nhiệt tăng cao (39 – 40 độ C), năng suất sữa giảm nhẹ.
– Thể mãn tính: không có hiện tượng sưng, nóng, đỏ, đau nhưng tại vùng cơ bị viêm nổi cục u cứng. Nếu không được điều trị, khối u ngày càng phát triển to dần, vùng cơ tại chỗ viêm căng cứng, mất cảm giác.
4. ĐIỀU TRỊ:
* Thể cấp tính:
– Dùng kháng sinh Amoxillin 20ml/con/ngày, liên tục trong 3 ngày.
– Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt: Analgine + Vitamin C, liên tục trong 3 ngày.
* Thể mãn tính:
– Gây tê xung quanh vùng viêm bằng Novocain (liều 20ml/ con), sau đó phẩu thuật lấy hết chất dịch mủ trong khối u nơi bị viêm ra.
– Đặt ống dẫn để vết thương tiết dịch viêm ra trong những ngày sau khi phẩu thuật.
– Dùng Penecilline bột bơm trực tiếp vào vết thương liên tục trong 1 tuần.
– Tiêm kháng sinh Amoxilline 20ml/ con/ ngày, liên tục trong 1 tuần.
Chú ý: giữ vệ sinh sạch sẽ nơi vết thương và không sử dụng sữa trong suốt thời gian điều trị bệnh.
5. PHÒNG BỆNH:
– Nắm vững kỹ thuật khi tiêm thuốc cho bò, tránh gây những ổ viêm (áp-xe).
– Bố trí chuồng trại hợp lý, mật độ vừa phải. Tránh những kích động hoặc rượt đuổi làm bò bị va chạm, tổn thương.
Nguồn: khoahocchonhanong