Hiệu quả rõ rệt từ những thay đổi trong kỹ thuật chăn nuôi bò tại Thái Nguyên đã giúp cho đơn vị triển khai thực hiện cũng như đông đảo nông dân tin tưởng, phấn khởi mở rộng quy mô chương trình.
Vừa qua, mô hình được triển khai tại xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ) tiếp tục khẳng định khả năng nhân rộng của mô hình trong tương lai.
Dễ thực hiện
Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Thái Nguyên là đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt.
Chất lượng đàn bò địa phương được cải tạo tích cực qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt |
Qua bình bầu, có 35 hộ dân của xã Nam Hòa được lựa chọn triển khai với quy mô 102 bò cái giống. Các hộ được tập huấn kỹ thuật về quy trình chăm sóc, quản lý bò; sản xuất, chế biến, bảo quản thức ăn cho bò; phát hiện động dục, xác định thời điểm phối giống thích hợp để có tỷ lệ thụ thai cao…
Được tham gia mô hình, bà Trần Thị Ngân (xóm Mỹ Lập, xã Nam Hòa) cho biết, tận dụng nhiều diện tích đất lâm nghiệp, bà con chăn thả bò nhưng chủ yếu là chăn nuôi bằng kinh nghiệm, cách chăn thả cũng tự phát, rồi cả việc lấy giống cho bò cũng tự nhiên do giao phối bầy đàn. Ít có gia đình nào chăm lo việc vỗ béo và chuẩn bị thức ăn như bây giờ. Những kiến thức bà con nắm bắt được qua tập huấn đều có thể thực hiện được ngay, không có gì là khó khăn.
Qua thụ tinh nhân tạo thì bò cái nền của người dân sẽ được thụ tinh từ các giống bò đực ngoại có năng suất cao như Brathman, BBB. Các giống có phẩm chất thịt tốt, tỷ lệ thịt xẻ cao và lại thích nghi với điều kiện địa lý của địa phương. Bên cạnh đó, ngoại hình con giống cũng được người chăn nuôi nhiều nơi đánh giá cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Ngân cũng tham gia mô hình cho hay, việc chăn thả bò tự phát của người dân đã khiến việc giao phối cận huyết diễn ra trong nhiều năm nên chất lượng đàn bò ngày càng đi xuống. Người chăn nuôi cũng không xác định được thời điểm bò có chửa để chăm sóc… Chính vì vậy, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo làm tăng nhanh tổng đàn, cải thiện khả năng di truyền và tạo ra đàn con lai có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với bò vàng Việt Nam.
Hiệu quả
Ông Trần Gia Cát, Bí thư Đảng ủy xã Nam Hòa cho biết, Nam Hòa được ưu tiên chọn làm điểm xây dựng mô hình vì ngoài các yếu tố địa lý, tự nhiên thì xã cũng đang gấp rút hoàn thiện các chỉ tiêu để về đích xây dựng NTM trong năm 2018. Nam Hòa cũng có chính sách quy hoạch và phát triển chăn nuôi đại gia súc nói chung. Khi tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 1 liều tinh bò, vật tư đi kèm và thức ăn hỗn hợp cho bò cái chửa là 120 kg/con. Cán bộ dự án đã đến từng hộ để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Nhiều hộ nằm ngoài mô hình đã học tập, làm theo nên mô hình có sức lan tỏa, nhân rộng.
Ảnh: Đồng Thưởng |
Tham gia mô hình với số lượng 3 bò cái, bà Đoàn Thị Tám (xóm Mỹ Lập, xã Nam Hòa) cho biết, hiện tại đã có bê con được sinh ra, với trọng lượng tăng từ 1,5 – 2,5 lần so với bê giống cũ. Đặc biệt, sau quá trình nuôi vỗ béo thì trọng lượng lại tiếp tục tăng 1,5 – 2,5 lần. Với năng suất như vậy và quy trình kỹ thuật thực hiện không có gì khó khăn thì không có lý do gì mà chúng tôi không tham gia mô hình.
Ông Phạm Gia Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Thái Nguyên cho biết, chăn nuôi bò tại Thái Nguyên chủ yếu vẫn là tự phát, phân tán, quy mô nhỏ lẻ. Có tới 80% hộ gia đình nông thôn nuôi theo hình thức thả rông, khó kiểm soát dịch bệnh; chưa có kinh nghiệm dự trữ thức ăn cho mùa đông… Dự án đã tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận được với các kỹ thuật chăn nuôi mới, hiệu quả rõ rệt và được đánh giá cao.
Ông Ninh Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai là một trong 9 tỉnh được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chọn để triển khai dự án. Các mô hình tại Lào Cai cũng đạt hiệu quả và được đánh giá cao. Mong muốn chung của các địa phương là các vùng chăn nuôi chính sẽ tiếp tục được tiếp cận và nhân rộng mô hình.
Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm Dự án, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt sẽ làm thay đổi tập quán chăn nuôi của bà con, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi nông hộ, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững. Với việc chọn khâu giống để chuyển đổi, khâu then chốt trong tái cơ cấu và tạo được hiệu ứng tích cực từ cơ sở thì chắc chắn dự án sẽ tiếp tục được triển khai và mang lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, xã hội. |