(Người Chăn Nuôi) – Nam đang tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại hóa, sản xuất gắn với thị trường và từng bước tiến tới xuất khẩu, trở thành một quốc gia xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Để đạt được mục tiêu tái cơ cấu ngành chăn nuôi, việc phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng thành tựu khoa học vào chăn nuôi trở thành yếu tố sống còn.
Tích cực đầu tư
Nếu trước đây, việc nhân giống trong nông thôn và các trang trại rất tùy tiện, thậm chí những con giống tốt cũng bị bán đi, việc tổ chức nhân giống không được quan tâm, khiến chất lượng đàn gia súc gia cầm ngày càng kém, thì ngày nay, việc bảo tồn gen và nhân giống trở thành yếu tố tiên phong. Những nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đã làm tăng hiệu quả nhiều lần. Điển hình, tỷ lệ sống của của gà hiện nay là 95%, trong khi trước kia khoảng 60%. Sản lượng trứng cũng lên tới 128 quả/năm so với 70 quả/năm trước kia.
Những thành công trong nghiên cứu sản xuất và tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc gia cầm cũng làm thay đổi bộ mặt ngành khi khống chế, giảm thiểu các ổ dịch. Niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm chăn nuôi ngày càng cao. Có 7 loại vaccine đã được nghiên cứu thành công, trong đó có vaccine phòng bệnh xoắn khuẩn cho trâu bò và vaccine viêm gan cho gia cầm. Song tiêu biểu nhất phải kể đến là việc sản xuất các chủng virus để sản xuất vaccine phòng bệnh cúm gia cầm và tai xanh.
50% được ứng dụng
Mặc dù quá trình nghiên cứu con giống, vaccine cũng như các quy trình chăn nuôi hiện đại tốn nhiều thời gian, kinh tế, song việc ứng dụng vào thực tiễn vẫn luôn là bài toán khó. Theo Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Bộ NN&PTNT, chỉ 50% tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong chăn nuôi và mang hiệu quả cao.
Và trong lĩnh vực này, Viện Chăn nuôi là cơ sở hàng đầu đưa nhiều ứng dụng vào sản xuất. Ước tính, giá trị gia tăng các sản phẩm công nghệ mà Viện chuyển giao đã mang lại cho chăn nuôi cả nước 14 – 15 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Vấn đề được các nhà khoa học quan tâm là làm sao để các nghiên cứu đến được với người nông dân, giúp doanh nghiệp làm giàu. Thống kê cho thấy, từ ngân sách, mỗi năm cả nước xây dựng khoảng 450 – 500 điểm trình diễn khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi cho khoảng 9.188 hộ nông dân tham gia. Đây là con số còn quá khiêm tốn so với số lượng hàng triệu hộ nông dân. Hay đơn cử như một dự án cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo triển khai tại 8 tỉnh, nhưng chỉ với quy mô 1.025 con bò được vỗ béo và 616 con bò cái, là một con số còn quá nhỏ so với nhu cầu.
Doanh nghiệp ở đâu?
Nếu trước đây, việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ chủ yếu xuất phát từ các viện nghiên cứu và cơ quan thú y, khuyến nông, thì ngày nay, vai trò của công công ty, doanh nghiệp ngày càng quan trọng. Tuy vậy, việc đầu tư khoa học kỹ thuật cho lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn chậm. Cả nước có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch ở 12 tỉnh, thành phố, nhưng mới chỉ có 7 khu đã đi vào hoạt động.
Trong khi đó, theo báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ, khoa học công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Nguồn vốn từ các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân trong nước, bao gồm các “ông” lớn như: TH True Milk, Hòa Phát, Trường Hải Auto, FPT, Elcom, Vinaseed, Thaco, Hoàng Anh Gia Lai, NutiFood… đang giúp ngành nông nghiệp tiếp cận các công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học mới, nổi bật là TH True Milk. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chỉ chiếm gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh.
Chính sách ưu đãi
Trao đổi với phóng viên, nhiều doanh nghiệp cho rằng Việt Nam cần có những chính sách cụ thể nhằm đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, qua đó thực hiện tái cơ cầu ngành chăn nuôi. Những chính sách được quan tâm nhất đó là tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, ưu đã về thuế và nhiều chính sách khác.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, thấp hơn từ 0,5 – 1,5% so với lãi suất thị trường. Song tiếp cận nguồn vốn này không dễ. Tại TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều tỉnh thành khác, quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp, khiến cho những dự án nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi diện tích lớn đều bị chững lại, điển hình như các khu giết mổ tập trung công nghệ cao vẫn nằm trên giấy, do thiếu quỹ đất. Nhiều người kỳ vọng vào vốn đầu tư nước ngoài FDI, nhưng thực tế đa số nguồn vốn này đổ vào lĩnh vực như chế biến gỗ và lâm sản, chế biến TĂCN.
Công nghệ 4.0 và kỳ vọng mới
Thời gian gần đây, cùng với nỗ lực tìm đường xuất khẩn sản phẩm chăn nuôi Việt Nam, các doanh nghiệp, tỉnh thành đều quan tâm đến việc đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ 4.0.
Khi xuất khẩu, do phải chịu sự cạnh tranh tại các nước trên thế giới và khu vực, vấn đề giá thành đang được đặt ra. Hiện nay, giá thành sản xuất 1 kg sản phẩm chăn nuôi của nước ta cao hơn nhiều so với thế giới: chi phí sản xuất 1 kg thịt gà ở Ấn Độ là 1,1 USD, Malaysia 1,15 USD, trong khi ở Việt Nam là 1,6 USD. Ứng dụng khoa học công nghệ, ước tính sẽ tăng 15 – 20% năng suất, giúp giảm giá thành và tiếp cận với mức “giá sàn” của thế giới, kích thích xuất khẩu.
Theo nghiên cứu tại châu Âu, khi ngành công nghiệp, thương mại, thậm chí giải trí đang ngày càng rơi vào tay các công ty siêu quốc gia thì người dân đang có xu thế quay trở lại với nông nghiệp. Hiệu quả của ngành nông nghiệp cũng rất đáng kể khi ở các nước phát triển, một lao động làm nông nghiệp có thể nuôi được 100 – 150 người. Các chuyên gia quốc tế đều cho rằng ngành chăn nuôi Việt Nam nên gắn chặt nghiên cứu khoa học vào việc xây dựng các chuỗi nuôi trồng để xuất khẩu, giúp truy xuất nguồn gốc, tạo ra sản phẩm sạch đồng đều và có năng suất cao. Xu thế tiêu dùng sản phẩm sạch đang trở thành phổ biến trên toàn cầu.
>> Theo thống kê, ngân sách đầu tư của Nhà nước cho khoa học công nghệ còn thấp, tại Việt Nam chỉ đạt dưới 2% tổng chi ngân sách và tương đương 0,4% GDP. Con số này bằng 25% so với Malaysia, 1% so với Nhật Bản và 0,5% so với Trung Quốc… |
Bà Ngô Thị Kim Cúc, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi Công nghệ trong sản xuất con giốngViệc ứng dụng công nghệ cao và khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất là hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp nói chung trong đó có chăn nuôi. Chính vì vậy, những năm qua, Viện Chăn nuôi đã có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực con giống; để nâng cao chất lượng con giống phù hợp với điều kiện chăn nuôi từng địa phương. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học của Viện đã được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất chăn nuôi, có giá trị cao trong thực tiễn cuộc sống. Hàng năm, Viện đã cung ứng các giống gà nội, gà lai lông màu được chọn lọc, lai tạo ước tính khoảng 30 – 35% thị phần. Trung bình, mỗi năm các sản phẩm khoa học và công nghệ của Viện góp phần tăng giá trị gia tăng cho người chăn nuôi ước khoảng 13.000 – 15.000 tỷ đồng. Thời gian tới, cần tích cực nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống phù hợp với biến đổi khí hậu, áp dụng chăn nuôi theo hướng chất lượng cao, an toàn sinh học.
Ông Cao Xuân Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nghệ An Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi gia cầmBò sữa, bò thịt, heo thịt, gia cầm và tôm thẻ chân trắng là 5 đối tượng nuôi chính tại Nghệ An áp dụng công nghệ cao hiện nay; trong đó, chăn nuôi gia cầm thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh, nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả cao. Đơn cử như mô hình chăn nuôi gà theo phương pháp tự phối giống, sử dụng đệm lót sinh học; nuôi gà lai Ai Cập đẻ siêu trứng… chăn nuôi theo chuỗi vì thế mà cũng phát triển hơn để hướng tới sự phát triển ổn định. Theo đó, cần tăng cường xây dựng mô hình khuyến nông nhất là các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ; trong đó có sự chủ động về con giống; phát triển trang trại quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP, chuỗi giá trị. Cùng đó, tạo thêm nhiều diễn đàn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tiến bộ mới trong chăn nuôi để người dân học tập. Ngọc Anh (Ghi) |
NGUYỄN ANH