Chăn nuôi bò thịt là hướng đi đúng đắn trong nền nông nghiệp hiện đại. Tại tỉnh Long An, việc này đang được địa phương thực hiện. Hai huyện Đức Huệ và Đức Hòa đang chăn nuôi bò thịt ƯDCNC theo đề án của tỉnh, tạo ra sản phẩm bảo đảm về số lượng và chất lượng để cung cấp ra thị trường, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Tỉnh hỗ trợ trên 70 trang thiết bị phục vụ chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao cho 5 tổ hợp tác, hợp tác xã tại hai huyện Đức Hòa, Đức Huệ
Tuy nhiên, việc chăn nuôi bò thịt ƯDCNC còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể phát huy được hết thế mạnh vốn có. Người chăn nuôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc đưa khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, cách tiếp cận nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, sản phẩm của nông dân chưa tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định,… Bên cạnh đó, nông dân theo thói quen cũ, sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ, chưa mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào chăn nuôi, chưa mặn mà tham gia tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Địa phương lúng túng trong việc triển khai thực hiện, việc kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư, bao tiêu sản phẩm của nông dân còn chưa được nhiều. Các mô hình điểm về chăn nuôi bò ƯDCNC còn khá ít nên nông dân, chính quyền còn gặp khó trong việc học tập, áp dụng, nhân rộng trong thực tế.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tây Hòa (ấp Hòa Tây, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ) – Nguyễn Văn Ninh chia sẻ: HTX tham gia chăn nuôi bò ƯDCNC, trong đó có 1 xã viên được chọn để thực hiện mô hình điểm của tỉnh. HTX dễ tiếp cận chương trình, được Nhà nước hỗ trợ nhiều chính sách, bước đầu xã viên đầu tư, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, HTX gặp nhiều khó khăn do còn ít kinh nghiệm, nguồn vốn đầu tư lớn, giá cả và thị trường chưa ổn định. HTX kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phục vụ quá trình chăn nuôi bò ƯDCNC, kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và tập huấn nâng cao trình độ quản lý HTX cho cán bộ. Hiện nay, HTX có 16 thành viên, tổng đàn bò gần 170 con.
Theo UBND huyện Đức Huệ, việc chăn nuôi bò ƯDCNC còn gặp những khó khăn nhất định: Tập quán sản xuất nhỏ, lẻ nên tuyên truyền, vận động nông dân tham gia THT, HTX còn hạn chế, chương trình mới nên địa phương còn lúng túng khi triển khai. Huyện kiến nghị tỉnh quan tâm hướng dẫn để địa phương áp dụng đúng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với người chăn nuôi, kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và cần có nhiều mô hình điểm để học tập, nhân rộng.
Bà Trần Thị Hồng, ngụ xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, cho rằng: “Địa phương cần có nhiều mô hình điểm để nông dân học hỏi kinh nghiệm và áp dụng. Bên cạnh đó, kinh phí lớn nên chúng tôi chưa mạnh dạn đầu tư, việc đưa khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi còn khó khăn. Tham gia liên kết sẽ có nhiều lợi thế nhưng THT, HTX chưa thấy hiệu quả nên tôi cũng ngại vấn đề này. Các cấp, các ngành, địa phương cần tính toán hợp lý, nông dân sẽ tự giác áp dụng và thực hiện”.
Để phát triển bền vững
Chăn nuôi bò thịt ƯDCNC muốn đạt hiệu quả cần một hướng đi bền vững. Nông dân phải tham gia THT, HTX, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và có trách nhiệm với chính sản phẩm của mình, tạo ra hàng hóa chất lượng cả về số lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tỉnh hỗ trợ chi phí để mua gần 60 con bò giống xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa – Nguyễn Minh Trung, chăn nuôi bò trên địa bàn bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả trên chưa phát huy hết thế mạnh của địa phương. Việc chăn nuôi bò ƯDCNC trên địa bàn chỉ mới bắt đầu thực hiện, chưa rõ nét. Huyện phối hợp các sở, ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Để chăn nuôi bò thịt ƯDCNC đạt kết quả, huyện tăng cường phối hợp sở, ngành tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, huyện tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia THT, HTX, hình thành chuỗi liên kết sản xuất; cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn các thủ tục hành chính nhằm kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của nông dân. Huyện kiến nghị tỉnh hướng dẫn cụ thể, rõ ràng các chính sách hỗ trợ để huyện thực hiện đúng, phù hợp thực tế.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Giết mổ, sơ chế Sơn Thủy Hà (huyện Đức Hòa) – Lưu Sơn Thủy cho biết: Hiện nay, thị trường bò thịt rất lớn nhưng chất lượng bò trong nước chưa thể đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nông dân phải tham gia THT, HTX để sản xuất, cần mạnh dạn thay thế giống bò mới, áp dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị trường, lúc đó dễ dàng tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Như vậy, chăn nuôi bò ƯDCNC sẽ đạt hiệu quả.
“Sở phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Người chăn nuôi bò cần tham gia THT, HTX, hình thành chuỗi liên kết, sản xuất theo quy trình an toàn, sản phẩm tạo ra phải bảo đảm cả chất lượng lẫn số lượng, có nguồn gốc rõ ràng để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. THT, HTX kịp thời thông tin những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiêu thụ, nhu cầu kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp để sở nắm, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo thực hiện” – Giám đốc Sở Công Thương – Lê Minh Đức chia sẻ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Lê Văn Hoàng thông tin: So với cây lúa, rau màu, thanh long, việc chăn nuôi bò ƯDCNC còn chậm hơn so với yêu cầu. Thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện đề án. Sở tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến nông dân; mở thêm các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, sở đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án vùng chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ (xây dựng 2 HTX điểm, 8 mô hình điểm và thực hiện nhân rộng giai đoạn 2018-2020). Để phát triển nuôi bò theo hướng bền vững, hạn chế nhỏ, lẻ, sở xây dựng các mô hình liên kết hiệu quả, kêu gọi nông dân tham gia THT, HTX, trang trại tập trung, bảo đảm sản phẩm tạo ra có chất lượng, đáp ứng yêu cầu về số lượng.
Ngoài ra, sở tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình chuỗi kiểm soát thực phẩm an toàn trên sản phẩm, đặc biệt là bò thịt; phối hợp Ban An toàn thực phẩm TP.HCM đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; tiếp tục hỗ trợ cơ sở chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, tạo vùng nguyên liệu an toàn, thuận lợi cho việc kết nối chuỗi thực phẩm an toàn; hỗ trợ các cơ sở giết mổ xây dựng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP,…) nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm thịt./.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Đề án Chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao đạt kế hoạch đề ra; tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm của nông dân. Ông đề nghị, nông dân cần tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng và đầy đủ số lượng khi bán ra thị trường, góp phần tăng thu nhập, lợi nhuận.