(Người Chăn Nuôi) – Ngành chăn nuôi Việt Nam 2018 khép lại với một bức tranh nhiều mảng sáng khi kết quả chăn nuôi tăng trưởng tích cực. Năm 2019, ngành đặt mục tiêu tiếp tục ổn định phát triển đàn heo, các doanh nghiệp triển khai giải pháp nhằm hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi.
Theo dõi sát về giá cả và nguồn cung thị trường các sản phẩm chăn nuôi, nhất là mặt hàng thịt heo và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan quản lý, người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm bắt đầy đủ, kịp thời. Tăng cường quản lý giá thức ăn, giảm giá thịt heo (duy trì giá heo hơi ở mức 40.000 – 45.000 đồng/kg và giá thành xuống dưới 35.000 đồng/kg). Tăng cường công tác kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong vụ Thu Đông 2018 – 2019, nhất là triển khai các giải pháp ngăn chặn xâm nhiễm bệnh Dịch tả heo châu Phi (ASF) vào nước ta. Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch, cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học; Giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp và xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Chỉ đạo hoạt động sản xuất theo chuỗi liên kết, lấy doanh nghiệp làm trung tâm: Ngoài những chuỗi của các trang trại, nông hộ cần liên kết ngang (hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ…; Giống – Thức ăn – Thú y – Chăn nuôi) để thu hút các doanh nghiệp liên kết theo chuỗi dọc (Sản xuất – Thu mua, Vận chuyển – Giết mổ, Chế biến – Tiêu thụ). Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng vật tư; An toàn thực phẩm trong chăn nuôi, nhất là kiểm soát sử dụng chất cấm, việc lạm dụng kháng sinh và hóa chất công nghiệp trong thức ăn chăn nuôi; Kiểm soát tốt môi trường chăn nuôi.
Bên cạnh đó, trong năm 2019 ngành chăn nuôi tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi và 5 năm triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi làm căn cứ điều chỉnh nội dung Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2030 và tầm nhìn 2040.
Bước sang năm 2019, dự báo sản xuất chăn nuôi vẫn có triển vọng phát triển tốt, nhưng cũng còn những khó khăn nhất định có thể xảy ra. Chăn nuôi dần trở thành ngành sản xuất hàng hóa, có định hướng thị trường, đáp ứng đủ các loại nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và hướng mạnh cho xuất khẩu. Thị trường các sản phẩm chăn nuôi nửa đầu năm 2019, nhất là giá heo thịt vẫn sẽ ở mức cao, có lợi cho người chăn nuôi. Việc kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm và vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; Đầu tư doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực chăn nuôi ngày càng tăng; Chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi có nhiều triển vọng, tạo động lực cho sản xuất chăn nuôi trong nước.
Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm, nguy cơ xâm nhiễm bệnh ASF rất lớn khi bệnh này đang hoành hành tại các nước trên thế giới, đặc biệt là tại phía Nam của Trung Quốc giáp với các tỉnh biên giới của Việt Nam. Chăn nuôi trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng với một số sản phẩm nhập khẩu trong khi chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Thị trường chưa ổn định, công tác thị trường còn yếu kém; Chế biến và giết mổ vẫn là khâu yếu; Các tác nhân của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và tăng chi phí cho người chăn nuôi. Hội nhập sâu rộng, nhất là khi CPTPP có hiệu lực tạo áp lực lên các sản phẩm chăn nuôi. Chính sách bảo hộ, yêu cầu khắt khe về chất lượng liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là các mặt hàng liên quan đến tiểu ngành chăn nuôi. Việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi còn gặp nhiều trở ngại do sản phẩm chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác thú y…