• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

CƠ HỘI CHO CHĂN NUÔI QUY MÔ LỚN VÀ VẬT NUÔI KHÁC

    Năm nay là một năm đại hạn của con lợn do dịch tả lợn Châu Phi (ASF) xuất hiện, lây lan rộng từ Bắc vào Nam, và nhiều khả năng sẽ phủ kín tất cả các tỉnh, thành còn lại.

    ASF gây thiệt hại lớn, nhưng cũng là cơ hội lớn để thay đổi trong chăn nuôi lợn và thay đổi cơ cấu chăn nuôi.  

Đủ nái để tái đàn

    Đến thời điểm này, do dịch bệnh vẫn đang hoành hành ở hầu khắp các địa phương đã xuất hiện dịch, đồng thời đang tiếp tục lan tới những địa phương còn lại, nên cả Bộ NN-PTNT và các tỉnh, TP đều có chủ trương chưa vội tái đàn. Không những thế, việc giảm đàn lợn cả nước và đàn lợn ở từng địa phương bằng các giải pháp như tăng cường tiêu thụ, cấp đông dự trữ…, được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.

12-52-29_bi_216_-_giu_dn_ni
Trại lợn nái trong Trang trại Gia Phát (Củ Chi, TP.HCM).  Ảnh: Nguyễn Thủy.

   Trong bối cảnh đó, việc giữ đàn giống gốc để chuẩn bị tái đàn lợn vẫn đang được chú trọng đặc biệt. Thông tin từ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho hay, đến thời điểm này, đàn nái ông bà, cụ kỵ của các doanh nghiệp vẫn đang được bảo vệ một cách nghiêm ngặt trước nguy cơ xâm nhập của ASF.

Theo Bộ NN-PTNT, cả nước hiện đang có gần 150.000 con lợn giống ông bà, cụ kỵ. Đây là cơ sở quan trọng để tái đàn lợn khi dịch đi qua. Do đó, mới đây, Bộ NN-PTNT đã đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà (đàn lợn hạt nhân) đến ngày 31/12/2019 với mức 500.000 đồng/con.

 Theo TS Kiều Minh Lực, Phó Tổng giám đốc Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, với lượng lợn giống ông bà, cụ kỵ như trên, trong vòng 1 năm, sẽ sản xuất được khoảng 900.000 lợn nái hậu bị (bằng gần 1 nửa số lợn nái đáp ứng cho nuôi quy mô công nghiệp ở nước ta với tổng đàn lợn như hiện nay). Do vậy, nếu giữ vững được đàn nái ông bà, cụ kỵ như trên trước ASF, việc tái đàn sau khi dịch đi qua không đáng ngại lắm. Tuy nhiên, tái đàn không thể trong một sớm một chiều mà phải cần một thời gian, chừng 18 tháng, mới có thể trở lại với quy mô như cũ.

Trong quãng thời gian đó, có thể xảy ra thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, nhưng mức thiếu hụt ở từng thời điểm là không nhiều, nếu như có cách truyền thông tốt để người chăn nuôi bình tĩnh, không vội vàng, ồ ạt bán lợn mỗi khi có biến động về giá cả hay nguy cơ từ dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc tái đàn sau khi dịch đi qua sẽ được thực hiện mạnh ở hệ thống trang trại của các doanh nghiệp, nhờ bảo vệ được đàn ông bà, cụ kỵ, qua đó chủ động sản xuất được nái hậu bị. Còn ở khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, việc tái đàn sẽ gặp khó khăn do giá con giống tăng cao trong khi người chăn nuôi đã tổn thất nhiều về vốn liếng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Cho nên, sau khi dịch đi qua, trong chăn nuôi lợn, nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi không nhỏ khi tỷ trọng nuôi công nghiệp tiếp tục tăng lên, còn nuôi nhỏ lẻ sẽ tiếp tục giảm xuống.  

Cơ hội cho vật nuôi khác

Do chiếm tỷ trọng lớn trong bữa ăn của người Việt, nên từ nhiều năm nay, con lợn đã nghiễm nhiên chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chăn nuôi cả nước. Thông tin từ ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho thấy, lợn đang chiếm tới 65 – 70% trong cấu chăn nuôi, còn lại là gia cầm, gia súc ăn cỏ… Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, lợn chỉ chiếm 20 – 25%.

Lợn chiếm tỷ trọng lớn không phải chỉ riêng Việt Nam, mà cũng xảy ra ở một số nước Châu Á khác, tiêu biểu là Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới về đàn lợn (năm 2018 Trung Quốc đã xuất chuồng 694 triệu con lợn chiếm khoảng 53,5% tổng lượng xuất chuồng của toàn cầu), trong khi chỉ đứng thứ 3 thế giới về sản lượng thịt gia cầm. Cũng như Việt Nam, lợn chiếm tỷ trọng lớn trong chăn nuôi ở Trung Quốc và một số nước Châu Á khác, chủ yếu do thói quen sử dụng thịt lợn rất phổ biến trong bữa ăn hàng ngày.

Thực ra, từ nhiều năm nay, ngành chăn nuôi đã nhận ra được những bất cập trong cơ cấu chăn nuôi và đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển gia súc ăn cỏ, gia cầm, giảm chăn nuôi lợn. Nhưng do thói quen tiêu dùng của người dân, cộng với việc chăn nuôi lợn nhìn chung vẫn cho thu nhập khá, nên việc điều tiết cơ cấu chăn nuôi diễn ra khá chậm

Nhưng sự xuất hiện của ASF có thể sẽ là một cơ hội lớn để thay đổi cơ cấu chăn nuôi ở Việt Nam. Điều này, trước hết đến từ việc thay đổi thói quen sử dụng thịt ở người tiêu dùng. Một thống kê cho thấy, do ảnh hưởng của ASF, ước tính nhu cầu tiêu thụ thịt bò đã tăng 5 – 10%, gia cầm tăng 10 – 15%… Ở Hà Nội, nhiều người tiêu dùng cũng đã giảm ăn thịt lợn, chuyển sang ăn thịt bò, gà, cá, tôm…

Do con lợn ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro về dịch bệnh, môi trường, nên người chăn nuôi cũng đang có xu hướng phát triển các vật nuôi khác thay thế lợn. Trên thực tế trong những tháng đầu năm nay, trong khi đàn lợn giảm vì ảnh hưởng của ASF, thì đàn bò, gia cầm… lại đang tăng trưởng tốt. Số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, cho thấy, tổng đàn bò của cả nước trong tháng 5/2019 tăng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2018, tổng đàn gia cầm tăng 7,1%, còn đàn lợn giảm 5,5%.

Với số liệu như trên, có thể thấy gia cầm đang có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Do tình hình dịch bệnh ở lợn nên người dân đang chuyển sang sử dụng thịt gia cầm và các loại trứng nhiều hơn, khiến cho giá bán thịt gia cầm ở mức tốt. Ngày 11/6: giá gà thịt lông màu tại trại ở Đông Nam Bộ là 37.000 đồng/kg, ĐBSCL 38.000 đồng/kg; gà lông trắng ở Đông Nam Bộ 24.000 đồng/kg, ở ĐBSCL 25.000 đồng/kg… Bên cạnh đó, lại không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn gia cầm cả nước. Không bị ảnh hưởng dịch bệnh lớn, giá tốt, người chăn nuôi có lãi ổn định nên yên tâm đầu tư, tăng quy mô, chăm sóc đàn vật nuôi.

Dịch tả lợn Châu Phi không chỉ tác động tới việc thay đổi cơ cấu chăn nuôi Việt Nam, mà cũng ảnh hưởng rõ rệt tới chăn nuôi trên thế giới. Các dự báo của FAO, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA)… đều cho rằng trong năm nay, sản lượng thịt lợn thế giới sẽ giảm, trong khi sản lượng gia cầm, gia súc ăn cỏ tiếp tục tăng trường.

Báo cáo tháng 4/2019 của USDA dự báo, sản lượng thịt bò/bê toàn cầu năm 2019 sẽ tăng khoảng 2,2% so với năm 2018, ước đạt 63,6 triệu tấn, nhờ tăng trưởng ở Brazil, Mỹ và Trung Quốc. Đứng đầu là Mỹ với sản lượng được dự báo trong năm 2019 sẽ đạt 12,44 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2018; tiếp sau đó là Brazil với 10,2 triệu tấn và EU là 7,82 triệu tấn.

Theo dự báo của USDA, Úc sẽ tiếp tục giảm sản xuất thịt bò do hạn hán lan rộng ở 2 khu vực chăn nuôi gia súc lớn cộng với thiệt hại do lũ lụt nghiêm trọng ở miền Bắc nước này. Tương tự, điều kiện thời tiết khô hạn dự kiến cũng sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi của EU.

Theo USDA, xuất khẩu thịt bò/bê toàn cầu năm 2019 được dự báo ở mức 10,84 triệu tấn. Trong đó, Brazil tiếp tục là nước xuất khẩu thịt bò/bê lớn nhất thế giới, với lượng xuất khẩu ước đạt 2,21 triệu tấn, sau đó đến Ấn Độ với 1,7 triệu tấn và đứng thứ ba là Úc với 1,58 triệu tấn.

Về nhập khẩu, USDA dự báo, năm 2019, Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu trong danh sách các quốc gia nhập khẩu thịt bò lớn nhất thế giới với 1,68 triệu tấn, tăng 14,5% so với năm 2018 và Hoa Kỳ ở vị trí thứ 2 với 1,37 triệu tấn.

THANH SƠN – ĐỨC CƯỜNG
NGUỒN : BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586