Heo của trại nhà bà Nguyễn Thị Liên (Đồng Nai) bị dịch phải đưa đi tiêu hủy – Ảnh: HÀ MI
Để đối phó, các nhà máy sản xuất đã phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, chuyển từ sản xuất thức ăn chăn nuôi heo sang làm thức ăn cho gà và thủy sản để thay thế nguồn sụt giảm.
Hơn một tháng qua, ông Nguyễn Quang Hóa – giám đốc một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương – gần như phải cho máy móc hoạt động nửa công suất vì một số trại nuôi heo là khách hàng của công ty bị dính bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF).
“Chúng tôi là đơn vị sản xuất quy mô nhỏ với khách hàng chỉ 20 trang trại. Chỉ cần vài khách hàng ngưng nuôi là sản lượng kinh doanh giảm mạnh”, ông Hóa cho hay.
Trong khi đó, dù vẫn đạt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao hơn so với nửa đầu năm 2018 nhưng Công ty TNHH De Heus, một trong số những đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam, cũng đang gặp những khó khăn cho nửa cuối năm.
Ông Gabor nhận định: “Theo kinh nghiệm từ Trung Quốc thì phải sau 9 tháng xảy ra dịch bệnh, nhu cầu thức ăn cho heo mới sụt giảm mạnh. Trong khi dịch ASF xảy ra tại VN từ tháng 2-2019, do đó khó khăn với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ rơi vào cuối năm nay và đầu năm tới”, ông Gabor cho hay.
Duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa nhiễm dịch tả heo châu Phi
Theo Bộ NN&PTNT, dịch bệnh ASF đã lây lan ra 62 tỉnh, thành phố trên cả nước (chỉ còn Ninh Thuận chưa phát hiện dịch) với tổng số heo tiêu hủy hơn 3,3 triệu con (chiếm khoảng 10% tổng đàn heo). Trong thời gian tới, nguy cơ ASF tiếp tục phát sinh và lây lan theo ba hướng: phát tán, lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn chưa có dịch; tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày; dịch bệnh xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
TRẦN MẠNH
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ