• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

CHĂN NUÔI BÒ SỮA: ĐÁP ỨNG KHOẢNG 40% NHU CẦU

(Người Chăn Nuôi) – Đó là chia sẻ của ông Tống Xuân Chinh (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi với Tạp chí Người Chăn nuôi khi nói về tình hình sản xuất, chăn nuôi bò sữa hiện nay và kế hoạch phát triển thời gian tới tại Việt Nam.

Thưa ông, hiện nay, các hiệp định thương mại được ký kết, ngành sữa là một trong những lĩnh vực bị tác động nhiều, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Hiện nay, nền kinh tế nước ta đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khi Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định FTA, trong đó có 2 FTA mới là CPTTP và EVFTA. Nền kinh tế mở này cũng mang lại những thời cơ quan trọng cho ngành sữa: Tiếp cận các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của các nước có nền chăn nuôi bò sữa phát triển trên thế giới với hàng rào thuế quan có lộ trình về 0%; Động lực to lớn để các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, mở rộng sản xuất, khép kín chuỗi giá trị, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm sữa; Mở ra một hướng đầu tư mới ngoài Việt Nam của các doanh nghiệp sữa lớn để trực tiếp bù đắp cho những gì không phải là lợi thế của chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam như đồng cỏ tự nhiên lớn ở các nước như: Australia, Mỹ, New Zealand… để có thể áp dụng công nghệ cao và quy mô chăn nuôi công nghiệp gắn với chế biến sâu để có giá trị gia tăng cao.

Nền kinh tế hội nhập của Việt Nam không chỉ mang lại thời cơ cho ngành sữa mà cũng phải đương đầu với nhiều thách thức: Cạnh tranh về giá thành sản phẩm với các nước có nền chăn nuôi bò sữa phát triển lớn, có lợi thế cạnh tranh cao như: Australia, Mỹ, New Zealand với sản phẩm cùng loại ngay trên sân nhà cũng như trên sân khách; Phải đầu tư lớn vào công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng bù đắp cho sự cạnh tranh thấp với các các nước có lợi thế; Thiếu nền công nghệ hỗ trợ cho ngành sữa.

Vậy theo ông, để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển tốt hơn trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần làm gì?

Về thị trường, cần đầu tư có tính hệ thống cho thị trường trong nước với 96,2 triệu dân năm 2019 và khoảng 104 triệu dân vào năm 2030. Để minh bạch thị trường, nước ta cần có các tiêu chuẩn sữa, đặc biệt là sữa lỏng, truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm, phản ánh nguyên liệu sữa ban đầu để sản xuất ra sữa thành phẩm chứ không phải là phương pháp chế biến. Đồng thời, phải tiêu chuẩn hóa tiêu chuẩn sữa học đường để tất cả học sinh được tiếp cận với sữa tươi sản xuất trong nước theo quy định của Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chí về sữa tươi nguyên liệu tiêu chuẩn (Fat & Protein Corrected Milk: FPCM) của cơ quan chức năng sẽ là động lực cải tiến chất lượng của người chăn nuôi, thước đo cho việc đánh giá chất lượng sữa và cơ sở khoa học để công ty chế biến sữa chi trả đúng giá trị thật của sữa tươi nguyên liệu cho người chăn nuôi.

Về đất đai, thức ăn thô xanh cho bò sữa là yếu tố then chốt đảm bảo chăn nuôi bò sữa thành công. Trong lúc, Việt Nam không có đồng cỏ tự nhiên lớn như các nước khác thì trồng cây thức ăn thô xanh, chế biến phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn cho bò là giải pháp hàng đầu, trong đó ưu tiên cho việc ứng dụng công nghệ vi sinh và cơ khí hóa để chuyển khoảng trên 45 triệu tấn rơm lúa thành thức ăn thô cho bò để tạo ra cuộc cách mạng về thức ăn công nghiệp TMF trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Trong lúc chờ sửa Luật đất đai theo hướng thị trường hóa quyền sở hữu đất đai và tăng hạn điền cho tích tụ ruộng đất, việc hiện thực hóa việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây TĂCN, với mục tiêu đạt 200 nghìn ha cây TĂCN vào năm 2020.

Về chính sách, Nhà nước cần ban hành chính sách áp dụng hạn ngạch đối với nhập khẩu sữa bột trên cơ sở doanh nghiệp chế biến sữa nhập bao nhiêu sữa bột thì phải hỗ trợ cho người chăn nuôi bò sữa hoặc tự sản xuất lượng sữa tươi nguyên liệu tương đương nhập khẩu tính theo vật chất khô như mô hình của Thái Lan. Đồng thời, Chính phủ cần thành lập một Ủy ban sữa Quốc gia do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và các thành viên đại diện cho ngành sản xuất sữa, hiệp hội sữa, người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước, người chăn nuôi để quyết định các chính sách quan trọng cho ngành sữa cũng như giám sát việc nhập khẩu sữa bột nêu trên.

Chăn nuôi bò sữa tiếp cận theo hướng 4F – Ảnh: ST

 Theo ông, cần điều chỉnh chăn nuôi bò sữa ở mức như nào là hợp lý khi chăn nuôi bò sữa nói chung còn khiêm tốn, thiên về chăn nuôi heo như hiện nay? 

 Trong bối cảnh ASF bùng phát ở nước ta  như hiện nay thì việc tăng cường phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ để bù đắp lượng thịt heo bị giảm do dịch bệnh, bảo đảm sinh kế của người nông dân là chỉ đạo quan trọng của của Bộ NN&PTNT. Chăn nuôi bò sữa là đối tượng vật nuôi được ưu tiên hàng đầu cho tái cơ cấu ngành chăn nuôi vì nhu cầu của thị trường trong, ngoài nước ngày càng cao trong khi chăn nuôi bò sữa trong nước mới đáp ứng được khoảng 40%. Tuy nhiên, với những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội ở nước ta thì chăn nuôi bò sữa trong nước không thể đáp ứng được 100% nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhưng phải đảm bảo được tối đa 60% nhu cầu tiêu dùng trong nước để đảm bảo an ninh về sữa, sản phẩm sữa. 

 Khâu thị trường liên kết theo chuỗi trong chăn nuôi bò sữa còn hạn chế, để giải quyết gốc rễ vấn đề này, theo ông, chúng ta cần làm và đặc biệt là khai thác thế mạnh từ thị trường Trung Quốc?

Người chăn nuôi bò sữa khác với chăn nuôi các vật nuôi khác đó là họ không thể mang sữa ra thị trường để tự bán. Vì vậy, liên kết sản xuất giữa người chăn nuôi bò sữa và doanh nghiệp chế biến sữa là nhu cầu tất yếu của cả hai bên. Ở góc độ doanh nghiệp, nếu không liên kết sản xuất với người chăn nuôi doanh nghiệp không thể tự nuôi bò với số lượng lớn như ở Australia, New Zealand hay Mỹ… vì đất trồng cây thức ăn có hạn trong điều kiện Việt Nam. Việc hình thành các tổ, đội, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã chăn nuôi bò sữa với doanh nghiệp chế biến sữa để chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích giữa hai bên một cách hài hòa sẽ là động lực cho sự thành công của cơ chế cùng thắng của mô hình liên kết này như ở Công ty Giống bò sữa ở huyện Mộc Châu, Sơn La hay HTX Chăn nuôi bò sữa Evergrowth ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng.

Ông có thể cho biết định hướng phát triển chăn nuôi bò sữa của Việt Nam trong thời gian tới?

Chăn nuôi bò sữa trong thời gian tới vẫn phải dựa trên hai hình thức chính là chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại. Tuy nhiên ở cả hai hình thức đều có sự thay đổi về lượng và chất. Đối với nông hộ thì yếu tố công nghiệp và tính chuyên môn hóa ngày càng cao để đáp ứng tiêu chuẩn liên kết ngày càng cao mà các doanh nghiệp chế biến sữa yêu cầu.

Việc đầu tư tăng quy mô đàn, áp dụng công nghệ cao ở tất cả các khâu chăn nuôi để giảm giá thành là động lực cho sự phát triển cho chăn nuôi trang trại. Đối với doanh nghiệp chế biến sữa thì xu hướng chiến lược sẽ là tiếp cận theo hướng 4F (feed, farm, food, fertilizer) để phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và vượt qua cuộc chiến khốc liệt của cạnh tranh thương mại về sữa, sản phẩm sữa ở thị trường trong nước và ngoài nước.

Trân trọng cảm ơn ông! 

>> Chiến lược phát triển chăn nuôi mới đến 2025 và tầm nhìn 2030 mà Cục Chăn nuôi đang xây dựng đặt mục tiêu: đạt 500 ngàn con bò sữa cho tổng sản lượng 1,5 – 1,7 triệu tấn sữa vào năm 2025 và đạt 700 nghìn con bò sữa cho tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt 2,2 – 2,5 triệu tấn sữa.

 
Nguồn: Dương Thảo (Thực hiện)
Tạp chí Người chăn nuôi

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586