Rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới đang kêu gọi mọi người hạn chế ăn thịt bò để góp phần cứu lấy rừng Amazon, lá phổi của hành tinh.
Tưởng chừng như vô lý vì cháy rừng Amazon, nơi cung cấp 20% khí ô xy cho trái đất, thì liên quan gì đến việc con người ta ăn thịt bò?
Ngôi sao truyền hình thực tế Khloe Kardashian đã chia sẻ trên Instagram Story những bức ảnh về thực trạng cũng như phương án giải quyết cho tình hình nguy cấp của vụ cháy rừng lần này. Trong đó, điều khiến dân tình chú ý nhất chính là việc hạn chế ăn thịt bò. Lý do bắt nguồn từ một nghiên cứu đã chỉ ra người dân đã đốt rừng để lấy đất trồng hạt, nuôi gia súc. Chính vì vậy, hạn chế ăn thịt gia súc cũng là được xem là một ý kiến hay để cứu lấy những rừng ở Amazon.
Brazil là nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới.
Được biết, Brazil là nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới, cung cấp gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, con số này còn có thể tăng trong những năm tới.
Năm ngoái, nước này đã xuất 1,64 triệu tấn thịt bò, sản lượng cao nhất trong lịch sử. Số liệu thống kê đó xuất phát từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu thịt bò Brazil gồm hơn 30 công ty đóng gói thịt Brazil.
Ngành công nghiệp thịt bò của Brazil phát triển như vậy nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên là những đồng cỏ sẵn có và nhu cầu gia tăng trên toàn cầu. Đi kèm với sự tăng trưởng đó là những cái giả phải trả cho môi trường cũng gia tăng.
Trung tâm nghiên cứu vũ trụ của Brazil (INPE) tuần này cho biết, số vụ hỏa hoạn ở Brazil tăng hơn 80% so với năm ngoái. Hơn một nửa số đó trong khu vực Amazon, tạo nên thảm họa cho môi trường và sinh thái địa phương. Các đám cháy liên quan đến hoạt động nông nghiệp quy mô nhỏ, cho đến phá rừng để phục vụ các dự án kinh doanh nông nghiệp cơ giới và hiện đại.
Việc đốt các khu chăn thả gia súc vào mùa khô là nguyên nhân dẫn đến cháy rừng Amazon.
Nông dân Brazil cứ đến mùa khô là bắt đầu đốt và dọn sạch các khu vực để chăn thả gia súc, nhưng việc này trong năm nay được thực hiện ở quy mô chưa từng có. Các nhà vận động môi trường đổ lỗi cho Tổng thống Bolsonaro, người đã khuyến khích các chủ trang trại, nông dân và người khai thác gỗ đốt rừng vô ý thức.
Sản xuất thịt bò chiếm 41% lượng khí thải nhà kính trong chăn nuôi, và chăn nuôi chiếm 14,5% tổng lượng khí thải toàn cầu. Một báo cáo đáng báo động được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc công bố năm ngoái cũng cho thấy, việc thay đổi chế độ ăn uống của chúng ta có thể đóng góp 20% nỗ lực cần thiết để nhiệt độ Trái đất không tăng lên 2 độ C so với mức trước thời đại công nghiệp. Vì thế, cách thiết thực để bảo vệ rừng và chống biến đổi khí hậu là hãy ăn ít thịt đi.
Minh Khôi (T/h)
Nguồn: Báo Đời sống và Pháp luật