• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHĂN NUÔI GIA SÚC LỚN

(Người Chăn Nuôi) – Chăn nuôi đại gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng phát triển, với tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, để ổn định và phát triển xứng với tiềm năng, cần có sự cải tổ mạnh mẽ để “phất” những tiềm năng này.

Những kết quả bất ngờ

Tại diễn đàn “Giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc các tỉnh miền núi phía Bắc” mới đây, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hoạt động khuyến nông đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bao gồm các lĩnh vực như: giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật, thiết bị chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh… Thông qua các các hoạt động khuyến nông như: Xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền, những mô hình tiêu biểu, có hiệu quả đã được lan tỏa, nhân rộng. Chăn nuôi gia trại, trang trại đang dần thay thế quy mô nhỏ lẻ. Trình độ kỹ thuật của người chăn nuôi đã được nâng lên rõ rệt, khai thác nhiều đối tượng vật nuôi trên cơ sở phát huy tiềm năng, điều kiện từng vùng, miền để phát triển chăn nuôi một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, phát huy lợi thế vùng miền và xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, bằng nguồn kinh phí Trung ương và địa phương, hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng được khoảng 450 – 500 điểm trình diễn khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi, để chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong sản xuất cho khoảng 9.188 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi từ các dự án, mô hình này. Trong đó, các tỉnh miền núi phía Bắc chiếm 40 – 45% các mô hình trình diễn khuyến nông.

Nhờ chương trình phát triển, tình hình chăn nuôi của các tỉnh trong nước đã có những bước phát triển nhất định. Cụ thể, năm 2018 tổng đàn bò thịt của toàn vùng đạt hơn 1,02 triệu con tăng 3,29% so với năm 2017; đàn bò sữa đạt 28.685 con tăng trên 9% so với cùng kỳ. Toàn vùng có hơn 50.000 con ngựa, chiếm 94% tổng đàn của cả nước; hơn 945 nghìn con dê, cừu, chiếm 36,98% tổng đàn của cả nước; có gần 2,4 triệu con trâu, chiếm 29,04% tổng số trâu bò trên cả nước…

Khiêm tốn

Những kết quả đã đạt được đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng của ngành chăn nuôi các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, chăn nuôi các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn chưa bền vững; giá trị gia tăng thấp; công tác quản lý còn nhiều thiếu sót, bất cập; việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi còn chậm. Ðầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi còn thấp, chưa thu hút được các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Lực lượng cán bộ làm công tác chăn nuôi còn thiếu và yếu. Trong chăn nuôi còn tiềm ẩn những yếu tố về phát sinh dịch bệnh và môi trường. Theo đó, cần một số giải pháp phát triển như: Chuyển đổi phương thức chăn nuôi; Các giải pháp cải tạo về giống về thức ăn; chuồng trại, vệ sinh thú y và công tác phòng chống bệnh…

Hướng tới phát triển bền vững

Nhằm giúp người chăn nuôi có kiến thức, kinh nghiệm, hàng năm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo Trung ương và hệ thống khuyến nông địa phương đẩy mạnh hoạt động đào tạo tập huấn với các hình thức đa dạng phong phú.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, cơ cấu sản xuất chăn nuôi tại khu vực chuyển đổi nhanh theo hướng trang trại, hộ lớn, hộ chuyên nghiệp, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình liên kết trong sản xuất. Ðể phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bền vững, thời gian tới, các tỉnh miền núi phía Bắc cần quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng lâu dài, an toàn, bền vững, hiệu quả cao và có khả năng cạnh tranh.

Ðịa phương tổ chức tuyển chọn nhân giống, nhập giống để có giống tốt cung ứng cho người chăn nuôi; phổ biến áp dụng các quy trình kỹ thuật gieo trồng, sử dụng những giống tốt, năng suất cao như ngô, đậu tương và đưa các loại cỏ cao sản như cỏ VA06, cỏ vắt chông phục vụ sản xuất TĂCN.

Ðặc biệt, khuyến khích người chăn nuôi thực hiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt nhằm giúp họ chăn nuôi tốt hơn, phòng dịch hiệu quả hơn, năng suất cao hơn, sản phẩm đồng đều và an toàn hơn; đồng thời, tăng cường giám sát thú y, thực hiện tốt các quy trình phòng trừ dịch bệnh và các quy trình của ngành thú y; đảm bảo khống chế dịch bệnh, quản lý được chất thải trong chăn nuôi, xây dựng nhanh các quy định, các tiêu chí nội dung về quản lý môi trường trong chăn nuôi; tăng cường phòng chống đói, rét cho đàn gia súc đặc biệt là cho trâu, bò vào mùa đông.

Còn theo đại diện Cục Chăn nuôi, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, các địa phương cần thực hiện tốt việc bình tuyển giống chất lượng cao, gắn chăn nuôi với xây dựng vùng đồng cỏ đảm bảo ổn định nguồn thức ăn; triển khai chính sách hỗ trợ đối với người chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi nông hộ; thực hiện tốt quy trình phòng chống dịch bệnh của ngành thú ý; động viên kịp thời những điển hình trong chăn nuôi…

>> Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã mở 26 lớp tập huấn ToT cho cán bộ khuyến nông các cấp; 36 lớp tập huấn cho 1.080 nông dân. Các buổi tập huấn, tập trung vào các nội dung như: Bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật vỗ béo gia súc; kỹ thuật chăn nuôi trâu sinh sản; kỹ thuật phòng chống rét cho trâu bò; kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò theo hướng quy mô trang trại, an toàn dịch bệnh; kỹ thuật chế biến thức ăn cho trâu bò…

 Kim Phượng
Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586