• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

CÙNG GIẢI CƠN “KHÁT” SỮA

(Người Chăn Nuôi) – Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển chăn nuôi bò sữa rất ngoạn mục với việc sở hữu hệ thống trang trại bò sữa chuẩn Global G.A.P. lớn nhất châu Á. Ngành sữa đang “ăn nên làm ra” và việc hạ giá thành sữa sẽ giúp sản phẩm đến được vùng sâu vùng xa và người nghèo.

Tăng trưởng

Theo PGS.TS. Hoàng Kim Giao phát biểu trong Hội thảo “Phát triển chăn nuôi bò sữa quy mô vừa và nhỏ Hiệu quả và bền vững” do Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam kết hợp với Ban Tổ chức Triển lãm ngành Sữa – VIETNAM DAIRY, 2019, tổ chức.: “Từ chỗ không có bò sữa, đến nay, đàn bò sữa Việt Nam đã có 294.382 con (Số liệu thống kê 01/10/2018). Trong đó, bò cái vắt sữa là 196.671 con”. 

Cũng theo ông Hoàng Kim Giao, đặc điểm của ngành bò sữa Việt Nam là thu hút được nhiều lao động, tạo ra một ngành nông nghiệp có nhân công đông đảo, giúp nâng cao đời sống của người chăn nuôi: “Đàn bò sữa được nuôi ở 28.695 hộ nông dân với quy mô bình quân 9,86 con/hộ; 1.717 trại, quy mô trung bình 37,4 con/trại và một số trang trại quy mô lớn từ 2.000, 3.000, 4.000 đến vài chục nghìn con”. 

Do đặc thù diện tích chăn thả của Việt Nam không tập trung và hiếm những vùng chăn thả rộng lớn nên các doanh nghiệp thường kết hợp với các HTX để tạo ra các vùng nuôi liên kết. Các hộ nông dân nuôi bò và cung cấp sữa cho trạm thu mua đưa về cho các công ty. Mô hình này giúp tạo ra khá nhiều công việc cho người dân vùng ngoại thành và vùng trung du. Theo nghiên cứu được công bố, các địa phương có chăn nuôi bò sữa phát triển đã tổ chức sản xuất sữa theo chuỗi liên kết.

Tại Hà Nội, đã xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm sữa IDP thực hiện bởi Công ty CP Sữa Quốc tế. Hiện nay có 2.800 hộ chăn nuôi bò sữa được Công ty CP Sữa Quốc tế ký bao tiêu sản phẩm. Việc hình thành chuỗi liên kết đã giúp các công ty sản xuất sữa trên địa bàn Hà Nội có vùng nguyên liệu ổn định và người nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố đảm bảo hiệu quả chăn nuôi cũng như yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất. 

 

Vẫn “khát” sữa

Dù ngành công nghiệp sữa Việt Nam phát triển nhanh nhưng: “Sản lượng sữa tươi từ đàn bò sản xuất được gần 1 triệu tấn (936.003 nghìn tấn), đáp ứng 39 – 40% nhu cầu tiêu thụ sữa của người Việt Nam”.

Nhìn chung, Việt Nam vẫn là đất nước khát sữa. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn, sữa quy đổi bình quân đầu người (2018) là 26 kg, trong đó sữa tươi gần 10 kg, (bình quân thế giới sữa tươi là 103 – 104 kg). 

Hơn 60% lượng sữa tiêu dùng Việt Nam phải nhập từ bên ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2013, 2014, Việt Nam phải chi hơn 1 tỷ USD để nhập sữa, từ năm 2015 đến nay con số này là dưới 1 tỷ (800 – 900 triệu USD). Năm 2018, số tiền nhập khẩu sữa của nước ta gần 963 triệu USD, riêng 3 tháng đầu năm 2019, gần 260 triệu USD để nhập sữa.

Mặc dù các doanh nghiệp và trang trại Việt Nam đã nuôi bò sữa với tốc độ tăng trưởng thần tốc, nhưng hàng năm vẫn phải nhập gần 1 tỷ USD cho thấy tiềm năng cũng như trách nhiệm của ngành sữa đối với cộng đồng người tiêu dùng trong nước.

Tích cực xuất khẩu

Nhà nghiên cứu Hồ Mộng Hải (Cục Chăn nuôi) cho biết: “Xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa theo báo cáo của Hiệp hội Sữa Việt Nam, trong năm 2018, doanh thu ngành sữa ước đạt 109.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017. Trong đó, riêng Vinamilk, doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa đạt 55.000 tỷ đồng, chiếm 50,5% tổng doanh thu toàn ngành”. 

Số liệu của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2016 – 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa liên tục tăng: Từ 84,47 triệu USD năm 2016 tăng lên 82,65 triệu USD năm 2017 và 129,68 triệu USD năm 2018. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trung bình cả giai đoạn tăng trưởng là 27,37%. 

Vinamilk, trong năm 2017 đã xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa đến 46 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc xuất khẩu sữa vừa khẳng định thương hiệu sữa Việt Nam vừa tăng nguồn thu cho các doanh nghiệp để tái sản xuất, hiện đại hóa các trang trại và nhà máy. 

 

Thiếu quy hoạch tổng thể

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2010 mới đạt 15 kg/người/năm, không ngừng tăng lên qua các năm: Năm 2012 đạt 18 kg, 2015 đạt 23 kg, 2017 đạt 26 kg và 2018 đạt 27 kg/người/năm. Tuy vậy, việc tiêu thụ sữa vẫn tập trung nhiều ở khu vực đô thị, các thành phố, thị xã. 

TS. Tăng Xuân Lưu, Viện Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì cho rằng: Sữa ngoại vẫn chiếm đến gần 70% thị trường sữa bột và sữa bột hoàn nguyên. Thực trạng này cho thấy Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển ngành sữa, nhất là trong hoàn cảnh quỹ đất dành cho nông nghiệp đang bị thu hẹp do đô thị hóa tại các vùng ngoại ô, các vùng có khí hậu, thổ nhưỡng tốt. 

Khác với các ngành khác, chăn nuôi bò sữa hầu như còn thiếu một quy hoạch tổng thế, trong khi đó, ngành lại cần một diện tích đáng kể để phát triển. TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: “Công tác quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi đại gia súc ở các địa phương chưa được hoàn thiện; việc chuyển đổi diện tích đất canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn phục vụ chăn nuôi còn hạn chế. Hiện nay chúng ta chỉ đáp ứng được 30% thức ăn thô xanh”.

Tạo việc làm

Tại TP Hồ Chí Minh, liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi bò sữa được hình thành thông qua các hợp tác xã chăn nuôi bò sữa như: HTX Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội – huyện Củ Chi; HTX Chăn nuôi bò sữa Thành Công – huyện Củ Chi; HTX Nông nghiệp Hòa Lộc; HTX Chăn nuôi bò sữa Tiến Thành… Các HTX này đều được thành lập dựa trên nhu cầu hợp tác tiêu thụ sữa của các hộ chăn nuôi bò sữa. Các HTX vừa chăn nuôi bò sữa, vừa thực hiện các dịch vụ chăn nuôi và thu mua trung chuyển sữa bò tươi cho các hộ chăn nuôi bò sữa.

Có mặt tại Củ Chi, phóng viên được người nuôi cho biết hiện nay việc chăn nuôi bò sữa đều có lãi, tuy vậy lãi chưa nhiều. Do quy mô nuôi thả của người dân còn khiêm tốn do thiếu vốn và mặt bằng. Thông thường một hộ chỉ nuôi 10 – 20 con bò, mà theo ước tính quy mô trang trại từ 50 – 100 con mới cho thu nhập ổn định và đáng kể. 

Tại Hội thảo “Phát triển chăn nuôi bò sữa quy mô vừa và nhỏ hiệu quả và bền vững”, TS. Hạ Thúy Hạnh đã thẳng thắn nhận xét rằng: “Sản xuất sữa trong nước là quá nhỏ, quá thiếu so với nhu cầu tiêu dùng. Chính sự thiếu hụt này đã thúc đẩy các công ty chăn nuôi và thương mại nhập khẩu một lượng rất lớn sữa về cung cấp cho thị trường trong nước”.

Ngành bò sữa Việt Nam đang đi theo hướng hiện đại, tự động hóa, phát triển trí tuệ nhân tạo, nhất là các thương hiệu lớn. Song, các nhà khoa học, các chuyên gia đều cho rằng, cần xây dựng đề án quy hoạch tổng thể để phát triển bò sữa theo hướng tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người nông dân. Muốn vậy, cần phát triển thêm sản phẩm chăn nuôi hữu cơ, sử dụng các đồng cỏ và nhiều nhân công, tăng thêm sự liên kết với các trang trại chăn nuôi nhỏ.

>> Năng suất sữa ở bò lai từ 4 tấn/chu kỳ năm 2010 tăng lên 4,28 tấn/chu kỳ năm 2013; ở bò thuần HF từ 5,57 tấn/chu kỳ năm 2010 tăng lên 5,6 tấn/chu kỳ năm 2013. Năng suất sữa bò trung bình cả nước là 5,186 tấn/chu kỳ năm 2013, hiện nay năng suất trung bình đạt trên 5,5 tấn/chu kỳ.

 
 Nguyễn Anh 
Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586