• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

ĐIỀU TRỊ BỆNH CHƯỚNG HƠI DẠ CỎ CẤP TÍNH TRÊN TRÂU, BÒ

(Người Chăn Nuôi) – Bệnh thường xảy ra ở trâu, bò. Bệnh ở thể cấp tính rất nguy hiểm, khi gia súc phát bệnh nếu không kịp thời can thiệp sẽ bị ngạt thở, trúng độc axit cacbonic làm trở ngại tuần hoàn và xuất huyết não, gây chết nhanh.

Nguyên nhân

Do gia súc ăn nhiều thức ăn dễ lên men, sinh hơi, thức ăn xanh chứa nhiều nước, những cây họ đậu, thân cây ngô non… Dạ cỏ chướng hơi phình to, ép vào cơ hoành làm trở ngại tới hô hấp và tuần hoàn. Hoặc gia súc ăn phải những thức ăn đang lên men dở như cây, cỏ, rơm mục. Gia súc ăn phải thức ăn có chứa chất độc như hợp chất Phốt pho hữu cơ. Gia súc làm việc quá sức hoặc do thời tiết thay đổi quá đột ngột làm ảnh hưởng tới bộ máy tiêu hóa. Bệnh phát sinh còn do kế phát từ bệnh liệt dạ cỏ, viêm dạ tổ ong, viêm phúc mạc, liệt thực quản, tắc thực quản hay do gia súc nằm liệt lâu ngày. Do kế phát từ một số bệnh truyền nhiễm như cúm, tụ huyết trùng… Do gia súc bị trúng độc Carbamid. Bê, nghé mắc bệnh thường do bú sữa không tiêu.

Bò bị chướng hơi dạ cỏ sẽ bị chết nhanh  Ảnh: PTC

Bệnh gây ra chủ yếu vẫn do thức ăn lên men chứa nhiều nước làm hơi sản sinh nhiều, làm rối loạn tuần hoàn ở vách dạ cỏ và ức chế thần kinh ảnh hưởng đến sự nhai lại và ợ hơi, vách dạ cỏ bị thiếu máu, nhu động dạ cỏ giảm. Hơi tích lại làm thể tích dạ cỏ tăng lên đột ngột, ép lên cơ hoành làm gia súc ngạt thở, máu về tim bị trở ngại gây ứ huyết ở não và tĩnh mạch cổ, gan cũng bị dạ cỏ chèn ép gây thiếu máu làm cơ năng giải độc của gan giảm đồng thời những chất phân giải trong dạ cỏ kích thích vào vách dạ cỏ gây cho con vật những cơn co thắt. Đến cuối kì bệnh, dạ cỏ bị tê liệt, quá trình tống hơi ra ngoài hoàn toàn bị ngừng trệ nên gia súc lâm vào trạng thái trầm trọng, gia súc có thể chết do ngạt thở và do tuần hoàn trở ngại.

Triệu chứng

Bệnh xuất hiện rất nhanh sau khi ăn 30 phút đến 1 giờ. Bệnh mới phát con vật tỏ ra không yên, bồn chồn, bụng trái ngày càng phình to và con vật có triệu chứng đau bụng luôn ngoảnh lại nhìn bụng, vẫy đuôi, cong lưng, hai chân thu vào bụng. Quan sát vùng bụng thấy vùng bụng trái sưng to, hõm hông trái căng phồng, có khi phồng cao hơn cột sống. Gõ vào bụng trái thấy âm trống chiếm ưu thế, âm đục và âm bùng hơi mất.  Nghe vùng dạ cỏ thấy nhu động dạ cỏ lúc đầu tăng sau đó giảm dần rồi mất hẳn, chỉ nghe thấy tiếng nổ lép bép do thức ăn lên men. Bệnh càng nặng, gia súc đau bụng càng rõ rệt, mồ hôi, uể oải, hay sợ hãi, con vật ngừng ăn, ngừng nhai lại. Gia súc khó thở, tần số hô hấp tăng, dạng hai chân trước để thở, hoặc thè lưỡi để thở và con vật chết do ngạt thở. Hệ thống tuần hoàn bị rối loạn, máu ở cổ và đầu không dồn về tim được nên tĩnh mạch cổ phồng to, tim đập nhanh (140 lần/phút), mạch yếu, huyết áp giảm, gia súc đi tiểu liên tục.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị là tìm mọi biện pháp làm thoát hơi trong dạ cỏ, ức chế sự lên men, tăng cường nhu động dạ cỏ đồng thời chú ý trợ tim, trợ sức. Trường hợp chướng hơi quá cấp phải dùng Troca để chọc thoát hơi trong dạ cỏ, chú ý khi chọc phải để thoát hơi từ từ. Để gia súc đứng yên trên nền dốc đầu cao mông thấp, cho dễ thở, dùng tay xoa bóp dạ cỏ nhiều lần khoảng 10 – 15 phút. Dội nước lạnh vào nửa thân sau, hoặc dùng que ngáng ngang mồm để kích thích gia súc ợ hơi. Đưa tay vào trực tràng móc phân và kích thích bàng quang để gia súc đi tiểu.

Dùng thuốc:

– Dùng thuốc thải trừ chất chứa ở dạ cỏ: MgSO4 hoặc Na2SO4 (trâu, bò 200 – 300 g/con bê, nghé 100 – 200 g/con). Hòa nước cho uống một lần trong cả quá trình điều trị.

– Dùng thuốc ức chế sự lên men sinh hơi ở dạ cỏ.

– Dùng thuốc trợ sức, trợ lực: Cafein natribenzoat 20%; Vitamin B1 2,5%.

(Trâu, bò 10 – 15 ml; Bê, nghé 5 – 10 ml). Tiêm dưới da ngày 1 lần.

Phòng bệnh

 Loại trừ những nguyên nhân gây chướng hơi dạ cỏ, hạn chế cho gia súc ăn quá nhiều thức ăn xanh, non (nhất là về vụ đông – xuân), trước khi chăn thả nên cho trâu bò ăn một ít rơm, cỏ khô.

 Nguyễn Hà
Tạp chí Người chăn nuôi
 
 

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586