(Người Chăn Nuôi) – Ngành chăn nuôi nước ta đang phát triển mạnh theo hướng hiện đại, tập trung, công nghiệp, hiệu quả. Tuy nhiên, trước bối cảnh mới, ngành đang phải đối mặt với những thách thức từ nội tại và các yếu tố tác động từ bên ngoài. Cần những giải pháp gì để ngành phát triển bền vững?
Một số thách thức
– Ngành chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ mất cân bằng do một số lĩnh vực phát triển nóng, đạt ngưỡng cao về năng suất, sản lượng, sản phẩm tiêu thụ khó. Trong khi đó, một số loài vật nuôi luôn gặp khó khăn về kiểm soát dịch bệnh, tác động đến giá và năng lực phát triển ngành. Về cơ cấu, chăn nuôi nhỏ lẻ còn lớn; mật độ có nơi còn cao; đa dạng về phương thức, hình thức chăn nuôi; ở nhiều nơi chăn nuôi chưa phù hợp với nguyên lý phòng chống dịch bệnh; tỷ lệ vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn thấp…
– Trước áp lực hội nhập, thể chế ngành có nhiều đổi mới, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế làm ảnh hưởng không nhỏ tới đầu tư, phát triển hạ tầng ở các cơ sở chăn nuôi hiện nay.
– Công tác kiểm soát dịch bệnh, chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường và lưu thông, chế biến chịu áp lực mạnh mẽ từ trong nước và quốc tế, đòi hỏi Nhà nước và xã hội thiết lập hệ thống kiểm soát dịch bệnh, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, cung ứng, thị trường và giám sát môi trường chăn nuôi phù hợp với xu thế, hiện đại, hội nhập quốc tế.
Giải pháp nào?
Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi nước ta sẽ phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững và hội nhập sâu; đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu; bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Để đạt các mục tiêu đó cần một chiến lược và giải pháp tổng thể; trong đó cần tập trung một số nhóm giải pháp cơ bản:
Đổi mới và hoàn thiện chủ trương, thể chế, chính sách
Các cấp ủy đảng các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị, phù hợp với xu hướng, thị hiếu thị trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo chỉ đạo, xây dựng cơ chế, chính sách cơ cấu lại khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ theo chuỗi giá trị, hiện đại, lớn hơn về quy mô, giảm lượng cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ; có chính sách khuyến khích các cơ sở nhỏ lẻ còn tiếp tục chăn nuôi phải sản xuất theo chuỗi giá trị và hỗ trợ đào tạo năng lực, trình độ để bắt kịp với hình thức sản xuất mới. Những cơ sở không có khả năng chăn nuôi, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và sinh kế mới.
Hoàn thiện chính sách, môi trường pháp lý, hệ sinh thái mới để chăn nuôi theo chuỗi giá trị được phát triển thuận lợi. Hoàn thiện chính sách khuyến khích dẫn dắt của doanh nghiệp, nâng cao vai trò hợp tác xã, các hình thức hợp tác và khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi, thực hiện nghĩa vụ, hưởng lợi ích theo cam kết, sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn, quy trình đồng nhất. Khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm, dịch bệnh, sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm, cạnh tranh cho ngành chăn nuôi. Coi ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi, chế biến là yếu tố quyết định để có sản phẩm chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Hoàn thiện chính sách phát triển nguồn lực, tạo ra bước đột phá mới trong phát triển chăn nuôi nước ta; rà soát, điều chỉnh các chính sách về đất đai, đầu tư, phát triển trang trại, chính sách thuế, tín dụng, chính sách giống vật nuôi…
Rà soát và thực hiện quy hoạch chăn nuôi trong phạm vi toàn quốc
Xây dựng, rà soát, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch chăn nuôi ở địa phương trên toàn quốc gắn với thị trường, đảm bảo tính khả thi, tuân thủ quy hoạch, từng bước hạn chế sản xuất tự phát, không điều tiết được cung cầu. Rà soát và quy hoạch đất đai đủ nhu cầu cho phát triển chăn nuôi trong lâu dài, quy định vùng khuyến khích chăn nuôi, vùng hạn chế chăn nuôi và vùng cấm chăn nuôi. Có chính sách thu hút đầu tư cho các khu vực khuyến khích chăn nuôi, xác định quy mô phát triển chăn nuôi cho từng vùng miền và cho từng địa phương trong trung hạn, dài hạn gắn với bảo vệ môi trường. Rà soát, điều chỉnh, hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp; điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống, phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường, điều kiện tự nhiên, xã hội từng địa phương. Đầu tư phát triển các sản phẩm địa phương có lợi thế, xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm. Trong trung hạn và lâu dài, Việt Nam phải tổ chức được chăn nuôi trong vùng, khu vực, cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, hướng tới chủ động kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, bệnh lây giữa người và động vật, đảm bảo nguồn cung dinh dưỡng chất lượng cao, an toàn, ổn định và bảo vệ môi trường.
Tổ chức hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị
Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến giết mổ, sơ chế, chế biến, lưu thông, tiêu thụ. Khuyến khích hình thức chăn nuôi theo hợp đồng giữa các doanh nghiệp, chủ trang trại lớn có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm; liên kết giữa các gia trại, trang trại nhỏ hơn với cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hoàn thiện pháp luật và chính sách liên kết sản xuất nông sản theo hợp đồng, Nhà nước có vai trò trung gian hỗ trợ, trọng tài, tạo dựng lòng tin cho các bên tham gia chuỗi liên kết.
Đột phá thu hút đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển giống vật nuôi
Thực hiện Chương trình giống vật nuôi quốc gia phù hợp với bối cảnh mới, để đảm bảo cung cấp giống vật nuôi chủ lực chất lượng tốt (heo, gia cầm, bò sữa, bò thịt); hệ thống thụ tinh nhân tạo được chú trọng đặc biệt về đầu tư và quản lý nhà nước. Hoàn thiện chính sách, cơ chế thu hút nguồn lực cho nghiên cứu khoa học, khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng giống vật nuôi, quy trình chăn nuôi có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất; chọn tạo các giống vật nuôi bản địa có ưu thế, tạo ra các sản phẩm chăn nuôi có sức cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng chính sách hỗ trợ các cơ sở nuôi giữ giống gốc theo hướng thị trường, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Hỗ trợ thích ứng, thúc đẩy hội nhập quốc tế ngành chăn nuôi
Xây dựng chiến lược ngành chăn nuôi trong giai đoạn hội nhập quốc tế mới; hoàn thiện hệ thống luật pháp về chăn nuôi, thú y… phù hợp với quy định quốc tế. Xây dựng chính sách hỗ trợ về đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, tư duy quản lý, thương mại… cho các chủ thể quản lý và hoạt động trong ngành chăn nuôi.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao khả năng chống chịu tác động từ bên ngoài đối với ngành chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, triển lãm, hội chợ, tham gia các loại thị trường hiện đại; hướng dẫn thực hiện các quy định về phúc lợi động vật, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa; hài hòa hóa hệ thống kiểm tra, kiểm định, đánh giá, giám sát giữa các quốc gia và luật pháp quốc tế có liên quan.
Đánh giá những mối nguy cơ, thách thức, ban hành những chính sách bảo vệ thị trường trong nước sản xuất, phù hợp với các quy định về bảo hộ, phòng vệ trong thương mại.
Ban hành các chính sách khuyến khích nghiên cứu, phát triển ngành hàng, sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc trưng vùng miền được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, thâm nhập thị trường thế giới; sản xuất những ngành hàng cạnh tranh kém hơn ở mức độ phù hợp, tiêu dùng trong nước.
Đổi mới công tác quản lý nhà nước
Hoàn thiện hệ thống quản lý ngành chăn nuôi và các ngành: Thú y, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; quản lý môi trường; quản lý thị trường… đáp ứng yêu cầu mới phát triển ngành chăn nuôi. Đổi mới căn bản tư duy, cơ chế, phương thức quản lý nhà nước; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý và quản trị sản xuất, thị trường. Trước hết, hoàn thiện quy định về phân cấp quản lý nhà nước về nông lâm ngư nghiệp và chăn nuôi. Ban hành và thực thi có hiệu quả các văn bản dưới Luật Chăn nuôi, Luật Thú y… rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hành chính liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y… không còn phù hợp.
Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp
Phát huy vai trò hội, hiệp hội ngành nghề tham gia: Xây dựng chính sách phát triển ngành, điều tiết sản xuất, thị trường, đổi mới sáng tạo một số dịch vụ công…