2. VAI TRÒ CỦA NĂNG SUẤT SINH SẢN
2.1. Tăng năng suất tại trang trại
Nếu như có thể tăng khả năng sinh sản của đàn, chúng ta sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn. Để thực hiện được điều này, chúng ta cần giảm khoảng cách lứa đẻ, tăng tỷ lệ thụ tinh có chửa trên số lần thụ tinh nhân tạo và giảm số lượng bò bị loại thoải do khả năng sinh sản kém. Phát hiện động dục (PHĐD) là lĩnh vực quan trọng; trong đó cảm biến phát hiện động dục có thể giúp nâng cao sức sinh sản của đàn bò. Thiếu sự đóng góp của công nghệ cảm biến, việc phát hiện động dục trở nên vô cùng khó khăn, tốn nhiều thời gian và yêu cầu lực lượng lao động có trình độ cũng như kinh nghiệm. Nếu như PHĐD kém, những bò có chất lượng tốt sẽ bị loại thải ngoài ý muốn và năng suất sữa tổng đàn sẽ giảm. Việc PHĐD ngày càng trở nên khó khăn hơn do xu hướng chọn lọc di truyền để có năng suất sữa cao – nguyên nhân chính dẫn tới giảm khả năng sinh sản của bò sữa, do gắn liên với việc mất cân bằng hormone sinh sản (Boichard và Brochard, 2012). Đây là lý do tại sao, cảm biến phát hiện động dục trở thành một phần quan trọng trong quản lý trang trại bò sữa hiện đại.
2.2. Vấn đề phối giống
Việc xác định chính xác những bò không mang thai dựa trên việc phát hiện động dục chính xác, đặc biệt trên những bò phối giống nhiều lần là một trong những tính năng quan trọng của các hệ thống cảm biến hiện nay. Để đạt được số lượng bò có chửa trên tổng đàn lớn hơn, người quản lý cần biết chính xác dạng động dục của từng cá thể (động dục lại, động dục ẩn…) và những bò nào có nguy cơ không động dục. Những thông tin này giúp tối ưu hoá tỷ lệ có chửa qua mỗi lần biểu hiện động dục và tỷ lệ có chửa trên quy mô trang trại. Các bò đều cần được kiểm tra thú y, ví dụ như những bò không động dục trước khi kết thúc thời gian đợi tự nguyện hoặc bò có vấn đề sức khoẻ khi vào giai đoạn chuyển tiếp, có thể được liệt kê và đưa vào nhóm cần được giám sát đặc biệt. Việc này cho phép cán bộ trang trại sớm xây dựng phương án xử lý đối với từng cá thể.
3. MỐI LIÊN HỆ GIỮA SINH SẢN VÀ SỨC KHOẺ
3.1. Vấn đề sức khoẻ trong giai đoạn chuyển tiếp
Phần lớn các bệnh trên bò sữa xảy ra ở thời gian đẻ, khiến cho việc quản lý phù hợp đàn bò cạn sữa và đàn bò sau sinh có vai trò rất quan trọng. Bò sữa cao sản có xu hướng nhạy cảm với các vấn đề liên quan tới năng suất như ketosis (cận cấp tính), acid dạ cỏ, sót nhau, lệch dạ múi khế, viêm nội mạc tử cung và sốt sữa cận lâm sàng (Mulligan và Doherty, 2008). Bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng tới sức khoẻ của bò sữa sẽ kéo theo tác động xấu tới khả năng sinh sản.
3.1.1. Cân bằng năng lượng âm (NEB – Negative energy balance)
Ketosis là một trong những bệnh phổ biến nhất ở bò sữa hiện nay. Bệnh là kết quả của quá trình huy động mô mỡ trong 2 tuần trước sinh tới 4 tuần sau sinh – giai đoạn cần nhiều năng lượng cho sinh lý tiết sữa, nhằm bù đắp cho việc giảm thu nhận năng lượng từ thức ăn; trong giai đoạn này bò sữa thường rơi vào trạng thái cân bằng năng lượng âm. Nguy hiểm hơn, khi bò sữa bị ketosis sẽ dẫn tới chán ăn, điều này khiến cho sự mất cân bằng năng lượng xảy ra mạnh hơn và bệnh ketosis sẽ trầm trọng hơn hay nói cách khác bò rơi vào vòng xoáy bệnh lý ketosis. NEB trước và sau khi sinh có tác động nghiêm trọng tới khả năng sinh sản của đàn bò sữa theo cả cơ chế trực tiếp do năng lượng đầu vào không đủ hay cơ chế gián tiếp thông qua các bệnh kế phát. Các nghiên cứu đều cho thấy, trạng thái NEB kéo dài thường xảy ra trên bò sữa, làm giảm khả năng sinh sản và nhạy cảm hơn với các bệnh rối loạn chuyển hoá và bệnh viêm nhiễm (như viêm vú) (Roche và ctv, 2000, Leroy và ctv, 2005; EFSA, 2009). Ngoài ra, NEB còn liên quan tới việc giảm điểm thể trạng (BCS) và ức chế hoạt động của hệ miễn dịch dẫn tới các bệnh như sót nhau hay viêm nội mạc tử cung sau đẻ (Walsh và ctv, 2011).
3.1.2. Bò khoẻ mạnh nhai lại nhiều hơn
Đường tiêu hoá của bò được thiết kế để tiêu hoá các thành phần thức ăn xơ với quá trình tiêu hoá dạ cỏ. Nếu như bạn quan sát từ bên ngoài, có thể thấy rằng kích thước của dạ cỏ chiếm phần lớn của hệ tiêu hoá và phần lớn thời gian của bò dùng để thực hiện quá trình phân giải thức ăn (Brown và ctv, 2013). Chức năng của dạ cỏ là dự trữ – trộn – lên men và phân giải thức ăn; nếu như cơ thể của bò khỏe mạnh, các chức năng này đều hoạt động ổn định thì bò sẽ nhai lại. Thông thường, khi bò có vấn đề về sức khoẻ, chúng sẽ dừng hoặc giảm thời gian cho hoạt động nhai lại; do đó, nhai lại là yếu tố chỉ thị chính xác cho trạng thái sức khoẻ của bò. Yếu tố này đặc biệt hữu dụng trên bò sau đẻ, một bò ốm có thể vẫn ăn uống bình thường, nhưng hoạt động dạ cỏ sẽ thay đổi ở một mức độ nào đó. Ngoài ra, không phải tất cả các bò ốm đều có triệu chứng tăng thân nhiệt, ví dụ như khi bò bị ketosis không kết hợp với viêm nhiễm thì thân nhiệt sẽ không thay đổi, nhưng hoạt động dạ cỏ và lượng thức ăn thu nhận sẽ thay đổi rõ ràng. Hay nói cách khác hoạt động của dạ cỏ và thu nhận thức ăn tốt là yếu tố cho thấy hoạt động tiêu hoá thức ăn và chuyển hoá thành sữa của bò ổn định.
Việc giúp bò ốm khoẻ mạnh trở lại đòi hỏi phát hiện sớm bệnh cùng với phương pháp chẩn đoán thích hợp, phác đồ điều trị hợp lý và chế độ chăm sóc hiệu quả. Việc phát hiện sớm bệnh sẽ làm giảm tác động tới sản lượng sữa; vì vậy, điều quan trọng là giám sát được thời gian nhai lại của bò để giúp nhận biết sớm những sự thay đổi gắn liền với bệnh lý.
3.2. Cảm biến năng suất cao cho cá thể và cho toàn đàn
Cần nhớ rằng đàn được hình thành từ nhiều cá thể, và như đã đề cập trước đây, việc theo dõi liên tục hành vi của bò có vai trò quan trọng trong quá trình quản lý đàn. Nếu như hành vi sinh lý của bò đã được nắm vững, dữ liệu về các biểu hiện bất thường có thể được xác định và các phương án xử lý được đưa ra càng sớm càng tốt (Lindgren, 2009; Fregonesi and Leaver, 2001). Thực tiễn cho thấy công nghệ cảm biến đã và đang làm rất tốt công việc này, nếu so sánh với việc chỉ quan sát đơn thuần như trước đây (Stevenson và ctv, 2014). Sử dụng các thiết bị như phát hiện động dục, các chu kỳ động dục (Aungier và ctv, 2015) sẽ được báo hiệu chính xác và cơ hội thụ tinh nhân tạo sẽ cao hơn, điều này giúp tăng tỷ lệ có chửa trên bò và chúng sẽ sản xuất được sản lượng sữa cao hơn trong suốt vòng đời sản xuất của mình. Theo dõi những thông số như số lần nhai lại, thời gian nằm nghỉ, chất lượng, sản lượng sữa, số bước đi của bò, thời gian ăn, giúp tăng sự hiểu biết về đặc điểm sinh lý của bò (Kulatunga và ctv, 2017). Bên cạnh đó, việc này cũng giúp xác định khi nào bò bị ốm hoặc hồi phục khi xảy ra một vấn đề nào đó.
4. GIÁM SÁT TÌNH HÌNH PHÚC LỢI CỦA BÒ
Đạo luật Lisbon đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2009, trong đó nêu rằng động vật cũng là sinh vật có cảm giác. Do đó, phúc lợi động vật và đặc biệt trên bò sữa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định xử lý các vấn đề trong quá trình chăn nuôi. Và khi đó, công nghệ cảm biến thông minh sẽ đóng vai trò chính yếu để đánh giá trạng thái phúc lợi bằng cách giám sát sự thay đổi hành vi của con vật tại trang trại. Đánh giá thời gian nằm nghỉ là một ví dụ điển hình, thời gian nằm nghỉ dài hơn khiến cho lưu lượng máu tới bầu vú tăng tới 30%, từ đó giúp cải thiện sản lượng sữa (400-500l máu qua bầu mới để sản xuất 1l sữa). Nằm nghỉ cũng làm giảm áp lực lên chân bò dẫn tới hạn chế tình trạng đau chân và sức khoẻ của móng tốt hơn. Tuy nhiên, thời gian nằm dài quá cũng cho thấy rằng có thể bò đang gặp vấn đề về chân móng. Trong nghiên cứu thử nghiệm của Roessen (2015) phân tích thời gian nằm hàng ngày của 172 bò trong thời gian 4 tháng, cho thấy thời gian nằm của bò đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng tới trạng thái cảm xúc và sức khoẻ của bò, những bò có vấn đề về sức khỏe nằm nhiều hơn 101 phút/ngày so với những bò khoẻ mạnh. Do đó, có thể sử dụng thông số này như một yếu tố chỉ thị quan trọng để giám sát trạng thái phúc lợi của bò tại trang trại.
Các cảm biến cho khả năng cung cấp thông tin đánh giá liệu rằng bò có được đáp ứng các tiêu chuẩn “05 KHÔNG” hay không, nhờ vào việc giám sát hành vi của chúng. Và điều này còn mang lại ích lợi khi làm dịu tác động của dư luận liên quan tới phúc lợi của đàn bò được quản lý trong các hệ thống chăn nuôi tập trung. Ví dụ, việc thời gian nằm của những bò cao sản giảm có thể chỉ ra rằng vị trí nằm là chưa thích hợp (quá cứng, quá ẩm ướt hoặc quá chật); khi đó, việc điều chỉnh lại thiết kế chuồng trại là hoàn toàn cần thiết (Nicole, 2011). Hơn nữa, ở góc độ ngược lại chính những thông tin thu được về biểu hiện sinh lý của đàn bò lại cung cấp những kiến thức hữu dụng trong vấn đề thiết kế chuồng trại và hệ thống quản lý để nâng cao phúc lợi động vật.
5. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Khi thị trường sữa được toàn cầu hoá và người tiêu dùng mong đợi những sản phẩm có chất lượng cao hơn, thì những công ty cung cấp cần phải tạo được sự đột phá trong chất lượng và sự bền vững. Nguồn cung cấp sữa cần có khả năng đảm bảo rằng nhu cầu của người tiêu dùng luôn được đáp ứng. Những hệ thống cảm biến như MooMonitor+cung cấp những thông số theo thời gian thực về sức khoẻ và phúc lợi có thể được sử dụng để củng cố niềm tin của khác hàng, đặc biệt trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm sữa.
Sử Thanh Long*, Nguyễn Hoài Nam1, Nguyễn Đức Trường1 và Nguyễn Thị Mai Thơ1
1 Học viện Nông nghiệp Việt Nam
* Tác giả để liên hệ: PGS.TS. Sử Thanh Long-Nhóm nghiên cứu mạnh về sinh sản, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam