Năm 2020 là một năm đầy thách thức với ngành chăn nuôi nhưng đồng thời đây cũng chính là cơ hội để thực hiện tái cơ cấu triệt để ngành này. Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, song dịch nCoV bùng phát hết sức báo động và phức tạp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã có nhận xét như vậy.
Tận dụng thời cơ
Phát biểu tại buổi họp giao ban khối chăn nuôi sáng 5/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tại cuộc họp điều hành về giá của Chính phủ gần đây cho biết, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1/2020 tăng cao nhất trong nhiều năm qua và Bộ NN-PTNT là đơn vị được Chính phủ giao chịu trách nhiệm quản lý, điều hành về giá lợn, một trong những tác nhân ảnh hưởng tới CPI. Vì vậy, đây là một trong những nhiệm vụ ngành chăn nuôi phải bám sát và triển khai quyết liệt ngay từ những ngày đầu Xuân Canh Tý.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2020 ngành chăn nuôi có rất nhiều thuận lợi, đó là dịch tả lợn Châu Phi đang từng bước được khống chế khi số lợn tiêu hủy do dịch hàng tháng giảm mạnh, tháng 1/2020 chỉ còn khoảng 12.000 con và tháng 2 dự kiến giảm xuống dưới 10.000 con. Nhưng qua đó cho thấy chăn nuôi nhỏ lẻ tuy đã giảm, song vẫn còn nên các đơn vị, địa phương không được lơ là, chủ quan tránh dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát trở lại.
Năm 2020 ngành chăn nuôi được dự báo sẽ đối diện nhiều thách thức và cơ hội.
Thuận lợi thứ hai theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến là trong vòng 70 năm qua đến nay chúng ta mới có Luật Chăn nuôi với các điều kiện, quy định tương đối toàn diện giúp ngành chăn nuôi thời gian tới có hành lang pháp lý ổn định để thúc đẩy phát triển theo chuỗi, theo chiều sâu, bền vững, thu hút và khuyến khích được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học.
Thuận lợi thứ ba được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh là Quốc hội đã ban hành những nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, trong đó có những nội dung, Nghị quyết về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất rõ ràng, là căn cứ quan trọng để ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng bám sát trong công tác chỉ đạo, điều hành, định hướng, xây dựng đề án trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng lưu ý, những công việc liên quan tới ngành chăn nuôi giờ không chỉ là công việc của Cục Chăn nuôi hay Cục Thú y mà cần phải có sự tham gia đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng của nhiều đơn vị khác trong Bộ, ngoài Bộ cũng như địa phương và doanh nghiệp. Việc phối hợp trong những năm qua bước đầu đã có sự khớp nối hiệu quả nên trong năm 2020 và những năm tiếp theo cần có sự đoàn kết, trao đổi, gắn bó nhiều hơn nữa.
2020, một năm thử thách
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2020 ngành chăn nuôi phải đối diện với hàng loạt thách thức vô cùng to lớn, nhất là trong bối cảnh dịch cúm Corona chủng mới đang diễn biến vô cùng phức tạo và nguy hiểm ảnh hưởng lớn tới nông sản của Việt Nam, bởi Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ nông sản, trái cây lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu hàng năm lên tới 13 tỷ USD.
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, Thứ trưởng yêu cầu khối ngành chăn nuôi đoàn kết hơn nữa, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhưng không lơ là, chủ quan triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trong tâm trong năm 2020, đó là tuyên truyền, phổ biến Luật Chăn nuôi.
Tranh thủ thời cơ giảm chăn nuôi nhỏ lẻ do dịch tả lợn Châu Phi để tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo chuỗi liên kết, xây dựng các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến.
Đặc biệt, trong năm 2020 cần phối hợp với ngành thống kê, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát nắm bắt lại tổng đàn gia súc, gia cầm để đưa ra số liệu, đánh giá, chỉ đạo điều hành và định hướng sát với thực tiễn nhất.
Đơn cử như chăn nuôi gia cầm đã đạt xấp xỉ 500 triệu con, nếu vẫn tiếp tục tăng trưởng 15% liệu có nguy cơ dư thừa trong những tháng cuối năm hay không, cần phải có đánh giá kịp thời, đầy đủ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị trong thời gian sớm nhất ngành chăn nuôi tổ chức ngay hội nghị tư vấn về khoa học công nghệ với sự tham dự đầy đủ của tất cả các thành phần để chuẩn bị cho 5 năm tới cần làm gì, từng năm một phải làm gì, không thể làm kiểu hàng xén năm một như hiện nay nữa. Nguồn lực dành cho khoa học trong chăn nuôi không thiếu, quan trọng là phải có sự đột phá và mang tính chiến lược dài hơi.
“Tôi lấy ví dụ tại sao chúng ta vẫn phải đi nhập giống ông bà, bố mẹ, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, đơn giản bởi tỷ lệ đẻ của giống nhập ngoại, nhất là giống gia cầm, thủy cầm tốt hơn giống trong nước sản xuất hàng chục phần trăm nên dù giá đắt hơn doanh nghiệp họ vẫn mua gà, vịt, ngan ngoại. Do đó, thời gian tới chúng ta phải tập trung nghiên cứu tiểu vùng khí hậu, áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại để tiến tới đủ sức cạnh tranh với gà ông bà, bố mẹ nhập khẩu về năng suất, chất lượng và giá thành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
NGUYÊN HUÂN
Nguồn: nongnghiep.vn
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhiều đơn vị, địa phương đang hiểu nhầm Bộ NN-PTNT đang hạn chế nhập khẩu thịt, trong khi thực tế cơ quan thú y của Bộ NN-PTNT chỉ thực hiện các công đoạn thuộc hàng rào kỹ thuật là kiểm dịch động vật và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thịt nhập khẩu.Mọi chính sách về thuế, hạn ngạch liên quan tới nhập khẩu thịt đều không thuộc thẩm quyền của Bộ NN-PTNT, mà thực tế hiện nay mặt hàng thịt cũng không quản lý theo hạn ngạch mà doanh nghiệp hoàn toàn nhập khẩu tự do với số lượng không hạn chế từ các nước đã có ký kết hiệp định về thú y với Việt Nam.Ông Dương cho biết, trong Quý 1/2020, Chính phủ giao ngành chăn nuôi nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn với hy vọng sẽ giúp bình ổn giá lợn hơi trong nước.Theo ông Dương, để đưa được giá lợn hơi về mức giá trước khi xảy ra dịch rất khó bởi giá thành chăn nuôi hiện tại đã lên tới 42.000 – 45.000 đồng/kg bởi chi phí an toàn sinh học và phòng dịch rất lớn.Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, qua số liệu thống kê 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn vừa qua cho thấy hiện lượng lợn hạt nhận cụ kỵ, ông bà các doanh nghiệp này nắm giữ gần 100.000 con, lợn bố mẹ trên 500.000 con cộng với số liệu của ngành thống kê Việt Nam hiện còn khoảng 2,7 triệu lợn nái, ngành chăn nuôi phấn đấu mỗi tháng tăng 2%, một năm tăng 25% sẽ dần dần giúp ổn định cung cầu thịt lợn trong nước trong năm 2020.