• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

GỠ VƯỚNG CHO CHĂN NUÔI TRÂU, BÒ

  Tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ và những vướng mắc khác khiến Đề án “Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo” tại tỉnh Thái Bình còn nhiều khó khăn. Sau gần 1 năm được thông qua nhưng Đề án vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Vẫn còn khó khăn

Là một trong những địa phương trọng điểm của Đề án, huyện Đông Hưng được ưu tiên tập trung phát triển đàn trâu, bò thương phẩm. Theo kế hoạch phát triển đàn trâu, bò của huyện đến năm 2025 là gần 13.500 con. Số lượng này tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2019. Nhưng đến nay việc rà soát, bố trí quỹ đất cho thực hiện Đề án, thu hút đầu tư Dự án chăn nuôi trâu, bò gặp nhiều vướng mắc, nhất là thu hút trang trại trọng tâm.

Còn tại xã Đồng Phú, theo kế hoạch phát triển đàn trâu, bò đến năm 2025, xã đạt số lượng 450 con. Nhưng hiện, tổng đàn của địa phương mới đạt trên 116 con. Một trong những khó khăn của địa phương hiện nay chính là tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ. Như chia sẻ của ông Phạm Đồng Phóng, Trưởng ban Chăn nuôi Thú y xã Đồng Phú cho biết: Ở xã phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ, địa lý hành chính không rộng, nhưng khó khăn của hộ chăn nuôi chủ yếu là thiếu vốn để mua giống và xây dựng chuồng trại. Thiếu vốn để nhân rộng mô hình đang là một trong những rào cản lớn nhất tại Đồng Phú.

Tại huyện Tiền Hải, hiện tổng đàn trâu, bò của huyện có 3.988 con, trong đó đàn bò 3.021 con, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiền Hải, thực tế chăn nuôi nông hộ cho thấy sự cần thiết phải liên kết sản xuất, qua đó thực hiện đồng bộ các giải pháp về xác định đối tượng nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường; Áp dụng chung một quy trình kỹ thuật chăn nuôi nhằm giảm chi phí thức ăn và nâng chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm của chuỗi, tổ chức xây dựng và phát triển các cửa hàng bán sản phẩm, các liên kết bao tiêu đầu ra với các thành viên khác theo hợp đồng; Đẩy mạnh xúc tiến đầu ra ngay ở thị trường nội địa như bếp ăn các công ty, trường học, các chợ…

Mặc dù thời gian qua đã có một số công ty về Thái Bình đặt vấn đề nghiên cứu để triển khai dự án chăn nuôi trâu, bò, triển khai dự án trồng cỏ, ngô biến đổi gen. Về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đã xây dựng trên 10 mô hình thí điểm sử dụng đệm lót sinh học xử lý môi trường trong chăn nuôi trâu, bò, điển hình là các mô hình tại xã An Tràng, xã An Khê huyện Quỳnh Phụ, xã Vũ Hội huyện Vũ Thư… Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai thực hiện Đề án và Kế hoạch của UBND tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Tại cuộc họp báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Đặng Trọng Thăng thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến việc triển khai Đề án còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra như: Việc tuyên truyền chưa có trọng tâm trọng điểm, quyết tâm thực hiện chưa cao, giải pháp chưa sát…

 

Đầu tư hiệu quả

Trước tình hình đầu tư không hiệu quả của Đề án trong thời gian qua, ông Đặng Trọng Thăng chỉ đạo nhấn mạnh tại cuộc họp mới đây: “Đề nghị các đồng chí họp lại, xác định quyết tâm, cũ là cái gì mới là cái gì, chúng ta không nhất thiết phải đặt quy mô 50 ha, bây giờ cứ khoảng 20, 30 ha là được rồi, nếu làm tốt người nông dân có lợi, doanh nghiệp có lợi, Nhà nước có lợi thì chắc chắn phát triển được. Không quay lại mô hình chăn nuôi trâu, bò truyền thống, không chấp nhận trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường”. Ông cũng yêu cầu cần tăng cường tuyên truyền về Đề án và các cơ chế chính sách liên quan. Giao Sở NN&PTNT tham mưu Thường trực Ban chỉ đạo của tỉnh thông qua Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Bình làm việc với các ngân hàng thương mại về mức cho vay thực hiện Đề án. Làm việc với các hộ chăn nuôi quy mô lớn và làm việc với các doanh nghiệp đề xuất đầu tư. Về xu hướng phát triển của đàn bò trong tỉnh Thái Bình, trên cơ sở khoa học, thực tiễn, khảo sát nhu cầu cần đưa ra khuyến cáo về các giai đoạn chăn nuôi, các loại giống trâu, bò sao cho có hiệu quả cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu trong tháng 5 sẽ phải lựa chọn được mô hình có thể phát triển theo hướng chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết, đáp ứng yêu cầu, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Đồng thời, khuyến khích thành lập Hội Chăn nuôi trâu, bò tại tỉnh Thái Bình. Ông cũng yêu cầu cần có giải pháp để đẩy nhanh việc triển khai Đề án, trong đó bước đi đầu tiên là phải hình thành mô hình. Yêu cầu Ban chỉ đạo thực hiện Đề án các huyện phải họp rà soát đánh giá lại mô hình hiện có, rà soát quỹ đất để có thể đăng ký ở mức tối đa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào. Bổ sung vào quy hoạch về diện tích dành cho phát triển trang trại và diện tích trồng cỏ tương ứng, phát triển theo 2 hướng đó là mở rộng mô hình hiện có và phát triển mô hình mới, tập trung vào các doanh nghiệp đề xuất đầu tư.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, để nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực phát triển chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết, cần xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, tay nghề cho lực lượng cán bộ chăn nuôi, thú y, khuyến nông từ tỉnh tới cơ sở, dẫn tinh viên đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về chăn nuôi trâu, bò và phòng, chống dịch bệnh, các dịch vụ chăn nuôi. Tổ chức các khóa tập huấn, dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò cao sản; Quy trình chăn nuôi VietGAP, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ứng dụng đệm lót sinh học và các giải pháp để bảo vệ môi trường cho các hộ chăn nuôi trâu, bò; Huy động các nguồn lực (Nhà nước, doanh nghiệp) để đào tạo cho 28.000 hộ, chủ trang trại chăn nuôi có kỹ năng, trình độ chăn nuôi trâu, bò.

 Tuấn Khang
Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi 
 

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586