Tín hiệu mới từ vacxin
Theo tờ SCMP, loại vacxin AFS này do Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân, chi nhánh của Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS) phát triển. Người đứng đầu Viện CAAS, ông Tang Junhua cho biết, các nhà khoa học đã tiến hành thực hiện các thử nghiệm cận lâm sàng trên 3.000 con lợn, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, tại nhiều trang trại thuộc các tỉnh Hắc Long Giang, Hà Nam và khu tự trị Tân Cương.
Theo đó, vacxin được tiêm cho lợn con và lợn nái lần lượt có liều lượng gấp 10 lần và gấp 100 lần so với liều tiêm chủng đề xuất. Kết quả là theo ông Tang, vacxin thử nghiệm này đã tạo ra ít nhất 80% khả năng bảo vệ miễn dịch, tùy thuộc vào liều lượng.
Nhà khoa học Bu Zhigao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân cho biết, trong quá trình quan sát, theo dõi kéo dài 20 tuần, những con lợn được tiêm phòng đều không có dấu hiệu bất thường về lâm sàng hoặc bệnh tật nào khác.
Ông Zhang Jianhua, chủ trang trại lợn ở Tây Tạng tiêm vacxin cho lợn con. Ảnh: THX
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc nhận xét, việc nghiên cứu phát triển vacxin AFS đang tiến triển một cách thuận lợi và với đà này thì dự kiến loại vacxin này sẽ sớm bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sản xuất mở rộng.
Mặc dù bộ chủ quản không nêu rõ tên chủng loại vacxin đang có tiềm năng ngăn chặn dịch bệnh nhưng trước đó, hồi tháng Ba năm nay Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân tiết lộ họ đã phát triển một loại vacxin sống giảm độc lực và chứng minh được tính an toàn và hiệu quả chống lại dịch tả lợn châu Phi qua các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cho biết, Viện CAAS sẽ tiếp tục chủ trì đẩy nhanh quá trình phát triển vacxin và tiến hành mở rộng các thử nghiệm lâm sàng ở tỉnh Hắc Long Giang, nhằm sớm hoàn thành và báo cáo kết quả.
Chưa vội lạc quan
Trong khi đó, các chuyên gia cho biết, mặc dù đây là một tin tức tích cực và dấu hiệu tốt nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định khi nào thì loại vacxin này có thể được cung cấp cho người chăn nuôi lợn.
“Nếu 3.000 con lợn đã được tiêm vacxin tả lợn châu Phi chứng minh là có hiệu quả, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục thử nghiệm ở các giai đoạn lâm sàng khác nhau và phải đợi cho đến khi các thử nghiệm này hoàn thành mới có thể khẳng định loại thuốc này có tốt để sử dụng hay không. Thậm chí là cho đến khi tất cả các thí nghiệm được thực hiện vẫn rất khó để dự đoán khi nào vacxin này có thể được tung ra thị trường”, ông Nikolaus Osterrieder, giáo sư dịch tễ học chuyên ngành thú y tại Đại học Hongkong cho biết.
Trong một phát ngôn hồi đầu tuần này, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết, hiện dịch bệnh trên đàn lợn ở trong nước đang có dấu hiệu hồi phục. Chỉ nội trong tháng 7/2020, đàn lợn của Trung Quốc đã tăng 13,1%, mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất kể từ tháng 4/2018.
Theo ông Osterrieder, hiện thế giới đang có nhiều tổ chức cũng nghiên cứu về vacxin tả lợn châu Phi nhưng sự phức tạp của chủng virus này chính là lý do khiến cho mục tiêu khó đạt được.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, đây thực sự là một thách thức lớn bởi khi chính thức có một loại vacxin ASF hữu hiệu không những chỉ có lợi cho người chăn nuôi lợn mà nó còn giúp ổn định thị trường thịt lợn.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào năm 2018 ở Trung Quốc, nơi chiếm tới một nửa tổng đàn lợn thế giới và dịch bệnh này sau đó đã gây thiệt hại khoảng gần 25% tổng đàn lợn trên thế giới.
Báo cáo của ngân hàng Rabobank cho hay, đến năm 2019 đàn lợn của Trung Quốc đã bị sụt giảm tới 40% sau các chiến dịch tiêu hủy khổng lồ. Tính đến tháng 9 năm ngoái, ASF đã gây thiệt hại kinh tế tới 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 144 tỷ USD.
Kim Long (theo SCMP)
Báo Nông Nghiệp Việt Nam