Hiện, các địa phương này đủ điều kiện để công bố hết bệnh dịch; người dân có thể vận chuyển lợn đi nơi khác tiêu thụ và tái đàn… Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ quý I-2019, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 5-4. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT khuyến cáo người chăn nuôi nên tái đàn 10% so với tổng đàn; chỉ phát triển, mở rộng quy mô khi không có dấu hiệu bệnh Dịch tả lợn châu Phi phát sinh trên đàn nuôi mới.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, do hiện nay vẫn chưa có vắc xin điều trị và phòng ngừa nên để bảo vệ đàn lợn trước bệnh Dịch tả lợn châu Phi, các hộ chăn nuôi cần áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường các biện pháp khử trùng, tiêu độc bằng hóa chất và vôi bột… nhằm tránh mầm bệnh xâm nhiễm.
* Chiều 5-4, Bộ NN&PTNT họp với các bộ, ngành liên quan về đề xuất nghiên cứu vắc xin tả lợn châu Phi. Tại cuộc họp, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan thông tin: Sau khi phân lập được vi rút tả lợn châu Phi, Học viện đã sản xuất được 3 loại tế bào. Hiện, Học viện đang thí nghiệm và phân tích các dòng tế bào để triển khai các bước tiếp theo trong sản xuất vắc xin.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, hiện Việt Nam có 9 cơ sở đủ điều kiện, cần tập hợp lực lượng này để tập trung nghiên cứu, sản xuất vắc xin tả lợn châu Phi. Theo đề xuất của Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông, về vấn đề này, Bộ NN&PTNT nên chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quốc gia nghiên cứu các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi…
KIM VĂN
Nguồn: Hà Nội Mới