Hiện nay, huyện Ba Vì đang tập trung phát triển chăn nuôi đàn gia súc gia cầm để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thường có nguy cơ bùng phát, do đó, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được huyện Ba Vì kiểm soát sát sao.
Nhiều thế mạnh phát triển
Theo các chủ hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Ba Vì, hiện nay chăn nuôi địa phương đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là việc trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm đối với đàn gia súc, gia cầm. Hơn nữa, đầu ra của các loại gia súc, gia cầm ổn định, giá cả tăng so với thời điểm trước. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu thức ăn cho vật nuôi tại địa phương rất phong phú, đa dạng, giá thành không cao nên người chăn nuôi có lãi.
Ông Đào Văn Thanh, thôn Đá Chông, xã Minh Quang là chủ một trang trại chăn nuôi lớn với 250 con lợn nái và thường xuyên có từ 400 – 500 con lợn thương phẩm. Ông Thanh cho biết, để đạt chất lượng tốt nhất và bảo đảm VSATTP thì đàn lợn, nhất là lợn nái, phải được chăm sóc theo một quy trình kỹ thuật rất khắt khe. Mỗi con lợn ngay từ khi bắt đầu nuôi phải được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine để phòng bệnh. Đối với hệ thống chuồng trại, phải tiến hành cho phun khử trùng toàn bộ mỗi tuần một lần. “Cùng với đó, định kỳ hàng tháng trang trại được phun thuốc khử mùi hai lần bảo đảm vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh” – ông Thanh nói.
Đối với thức ăn cho lợn, để có nguồn thức ăn sạch và rẻ, ông Thanh dùng máy nghiền, tự tạo thức ăn cho lợn. Theo đó, có thể tận dụng được tối đa các nguồn lương thực, thực phẩm chăn nuôi tại địa phương, không phụ thuộc nhiều vào những loại thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Nhờ vậy, trang trại chăn nuôi của gia đình ông Thanh luôn chủ động kiểm soát, phòng tránh được dịch bệnh, lợn giống và lợn thương phẩm luôn bán được giá bởi thương lái và hộ chăn nuôi tin tưởng vào chất lượng.
Không chỉ các hộ chăn nuôi lợn, hiện nhiều chủ hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện Ba Vì cũng đang tích cực phát triển đàn gia cầm đảm bảo chất lượng cung ứng cho thị trường. Một trong những vật nuôi được người dân phát triển đàn là gà ta thả vườn. Bởi hiện tại, trên thị trường loại gà này đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Nguyễn Thị Yên, thôn Yên Khoái, xã Thụy An cho biết, hiện nay, giá gà ta thả vườn đang được gia đình bán với giá từ 90.000 – 110.000 đồng/kg. Gia đình bà Yên vừa nhập đàn gà 500 con để nuôi bán vào dịp Tết Nguyên đán. “Không chỉ gia đình tôi phát triển đàn gia cầm, nhiều hộ gia đình trong xã cũng đang tái đàn với số lượng lớn để chuẩn bị nguồn thực phẩm cho dịp cuối năm” – bà Yên cho biết thêm.
Kiểm soát chặt dịch bệnh
Cùng với làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, công tác tuyên truyền, tập huấn cũng được các cấp, các ngành huyện Ba Vì đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Đó là việc đưa tin, bài, phóng sự trên các phương tiện truyền thông, đại chúng, hệ thống loa truyền thanh từ huyện tới cơ sở. Nội dung hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, quy trình thực hành chăn nuôi tốt, các quy định, biện pháp phòng, chống dịch, cơ chế chính sách của Nhà nước để người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, từ đó tự giác chung tay thực hiện.
Là người gắn bó với nghề chăn nuôi từ nhiều năm nay, bà Phùng Thị Thơ, thôn Vật Yên, xã Vật Lại cho biết, gia đình bà thường xuyên nuôi 15.000 con gà và trên 600 con lợn. Theo bà Thơ, để giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, gia đình bà luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định về chăn nuôi thú y. Mỗi khi nhập đàn mới về nuôi, gia đình luôn thông báo đến cán bộ thú y của xã để kịp thời tổ chức tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Mặc dù sản xuất chăn nuôi đang có nhiều yếu tố thuận lợi, tuy nhiên, theo khuyến cáo của Trạm Thú y huyện Ba Vì, người chăn nuôi không được lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bởi hiện tại là thời điểm mùa mưa lũ cộng với yếu tố thất thường của thời tiết nên trong chăn nuôi rất dễ phát sinh mầm bệnh nếu không tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh, phòng bệnh. Do đó, người chăn nuôi lưu ý, sau khi xuất đàn cần vệ sinh sạch sẽ chuồng trại.
Theo Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Ba Vì Hoàng Văn Dương, để chăn nuôi hiệu quả, các địa phương, các hộ chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng chống dịch bệnh. Bởi hiện nay đang là thời điểm mùa mưa, có nhiều biến động bất lợi cho đàn gia súc, gia cầm khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm, dễ mắc bệnh. “Để hỗ trợ bà con chăn nuôi an toàn, Trạm Thú y huyện Ba Vì sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban chăn nuôi thú y 31 xã, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Với sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền huyện, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của mạng lưới thú y cơ sở, sự tự giác đồng thuận của người dân, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện Ba Vì đang từng bước phát triển ổn định, đảm bảo chất lượng và VSATTP
Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, 6 tháng đầu năm 2018, tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện Ba Vì có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đàn trâu bò của huyện có 42.000 con, tăng 2,5% so với cùng kỳ; đàn lợn có 320.000 con, tăng 5% so với cùng kỳ; đàn gia cầm có 4,05 triệu con, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, huyện Ba Vì đã tổ chức 4 đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng. Trạm thú y huyện đã cấp 13.300 lít hóa chất cho các xã, thị trấn, đã tiến hành phun khử trùng trên diện tích 17.125.000m2; công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai hiệu quả. Trong đó, đàn trâu bò có trên 36.000 con được tiêm vaccine lở mồm long móng, đạt trên 50% kế hoạch năm 2018. Đàn lợn có trên 51.000 con được tiêm vaccine lở mồm long móng và trên 47.000 con được tiêm vaccine tai xanh, trên 154.000 con được tiêm vaccine dịch tả đều đạt trên 50% kế hoạch năm 2018. Tỷ lệ đàn gia cầm được tiêm phòng cúm gia cầm đạt 50% kế hoạch năm 2018. |
Nguồn: Tạp chí Người Chăn Nuôi