(Người Chăn Nuôi) – Hiện nay, nguồn cung thịt heo trong nước đang hết sức khan hiếm, vì vậy, việc đẩy mạnh nhập khẩu thịt heo được xem là giải pháp tốt để ổn định thị trường, cân bằng cán cân tiêu dùng trong nước.
Xu hướng hiện đại
Theo Bộ Công thương, sản lượng thịt đông lạnh nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm ước đạt khoảng gần 60.000 tấn, giá trị 1,36 tỷ USD, tăng trên 30% về sản lượng và gần 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù thịt heo đông lạnh nhập khẩu có giá thấp hơn thịt tươi, tuy nhiên sức mua còn thấp do thói quen và do nhận thức chưa đầy đủ về thịt đông lạnh nên người dân vẫn có xu hướng mua thịt tươi nhiều hơn. Để nhanh chóng ổn định giá thịt heo trong nước, các cơ quan quản lý liên quan, các nhà khoa học cần cung cấp đủ thông tin giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng thịt “nóng” (thịt tươi) sang sử dụng thịt đông lạnh nhập khẩu.
Nhập khẩu thịt heo để ổn định thị trường. Ảnh: CTV
Sử dụng thịt đông lạnh là phù hợp với xu hướng tiêu dùng của các nước tiên tiến trên thế giới. Người tiêu dùng ở các nước có nền kinh tế phát triển như khối EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… có thói quen mua thực phẩm tại các siêu thị lớn vì chợ dân sinh hầu như không còn tồn tại cách đây vài chục năm. Chợ truyền thống tồn tại ở nông thôn nhưng cũng chỉ bán các loại rau quả tươi, ít khi bán thực phẩm tươi kể cả các loại vật nuôi còn sống như, heo, gà, vịt… Tại Việt Nam, hệ thống siêu thị mới chỉ có ở khu vực thành thị, mật độ còn thưa, chưa đáp ứng nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng nên sự tồn tại của các chợ dân sinh là xu hướng tất yếu, chính vì vậy mặc dù là nước đang phát triển nhưng Việt Nam là số ít quốc gia trên thế giới còn có thói quen sử dụng thịt ngay sau khi giết mổ.
Tại sao nên sử dụng thịt đông lạnh nhập khẩu?
+ Một là: Thịt đông lạnh được các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ, nhiều lần: Để có thể xuất khẩu thịt sang các nước khác, các đơn vị giết mổ, vận chuyển và xuất khẩu cần đáp ứng các tiêu chí khắt khe của cả nước chủ quản và nước nhập khẩu. Trong giai đoạn hiện nay, do nhu cầu nhập khẩu rất lớn nên nhiều nước muốn xuất khẩu thịt heo vào Việt Nam nhưng nước ta mới chỉ cấp phép cho 788 doanh nghiệp của 19 quốc gia, trong đó, nhiều nhất là Mỹ với 141 doanh nghiệp, thứ hai là Tây Ban Nha với 139 doanh nghiệp, thứ ba là Italy với 120 doanh nghiệp… Đây là các nước tiên tiến nên tiêu chuẩn xuất nhập khẩu của họ rất chặt chẽ. Mặt khác, theo Chi cục Thú y vùng 2 tại Hải Phòng, tất cả các lô hàng thịt đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ ở cảng, sau đó được lấy mẫu 100% để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật theo quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, để được thông quan, tất cả các lô hàng phải có nhãn mác, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng và hướng dẫn nhiệt độ bảo quản thịt… Trước khi đến tay người tiêu dùng, các siêu thị, các nhà phân phối tiếp tục rà soát, kiểm tra theo tiêu chuẩn riêng để đảm bảo uy tín lâu dài với người tiêu dùng và cạnh tranh lành mạnh với các đơn vị khác, nên người mua hoàn toàn yên tâm về chất lượng thịt đông lạnh bán tại hệ thống các siêu thị lớn, có uy tín. Trong khi đó, trên 80% số heo bán tại các chợ do các lò cung cấp hàng ngày có nguồn gốc không rõ ràng, được thương lái thu gom từ các hộ dân của nhiều vùng khác nhau, thậm chí để lọt cả những heo đã nhiễm bệnh… Mặc dù, có sự kiểm soát của cán bộ thú y, có đóng dấu kiểm dịch nhưng do số lượng cán bộ thú y quá ít lại không được trang bị các dụng cụ xét nghiệm nhanh nên bản thân cán bộ thú y cũng không dám đảm bảo chất lượng các lô thịt mà họ đã đóng dấu.
+ Hai là: Thịt heo bán tại các chợ dân sinh khả năng nhiễm khuẩn rất cao vì bảo quản ở nhiệt độ thường nên chỉ sau 4 – 5 giờ, thịt đã bị nhiễm nhiều loại vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là thời tiết nóng, ẩm của nước ta thì chỉ sau 2 – 3 giờ thịt đã bị nhiễm khuẩn.
Sử dụng thịt đông lạnh hiệu quả hơn vì giá của thịt đông lạnh rẻ hơn 20 – 40% so với thịt tươi. Nguyên nhân là do đã giảm hầu hết các khâu trung gian. Theo Tổng cục Hải quan, thịt heo nhập khẩu khi về cảng thời điểm tháng 5/2020 có giá trung bình khoảng 66 nghìn đồng/kg, cộng với 20% thuế, 5% phí vận chuyển, 5 – 7% phí bảo quản lạnh, sơ chế, đóng gói thì thịt heo nhập khẩu sẽ có giá thành khoảng 90 nghìn đồng/kg và khi đến tay người tiêu dùng sẽ có giá giao động từ 100 – 120 nghìn đồng/kg tùy loại.
>> Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, Trưởng đại diện Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại Đông Nam Á: “Tỷ lệ thịt heo nhiễm khuẩn Salmonella tại các chợ dân sinh lên tới trên 40%, nhiễm E.coli trên 35% sau 5 giờ bày bán”, đây là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng. |
GS. TS Nguyễn Duy Hoan – Đại học Thái Nguyên