Dịch tả heo châu Phi đang làm tiêu hao đàn heo ở Trung Quốc, khiến các nhà nhập khẩu ở nước này tăng nhập khẩu thịt heo từ Mỹ lần đầu tiên trong một năm qua.
Trong bối cảnh đó, quan chức Mỹ đang tập hợp các chó nghiệp vụ, hay còn gọi là kiểm khuyển (detector dog), cũng như siết chặt các biện pháp giám sát khác để ngăn chặn dịch ASF lan sang Mỹ, giúp bảo vệ thị trường thịt heo đang tăng giá trong nước, theo tờ Wall Street Journal.
Bộ Nông nghiệp Mỹ và Cục Hải quan và biên phòng Mỹ đã tăng số đội kiểm khuyển ở các cảng biển và sân bay quan trọng lên con số 180, cao hơn 50% so với trước đây. Các chú chó nghiệp vụ này sẽ dùng những chiếc mũi cực thính của chúng để kiểm tra hàng hóa của hành khách, truy tìm những sản phẩm thịt heo không khai báo.
Bộ Nông nghiệp Mỹ thành lập chương trình kiểm khuyển, hay còn gọi là “Lữ đoàn Beagle” vào năm 1984.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Greg Ibach cho biết các kiểm khuyển có thể phát hiện những mặt hàng bị cấm nhập khẩu vào Mỹ khi chúng dùng mũi để đánh hơi trong các cuộc tuần tra ở sân bay.
“Dù là các sản phẩm thịt, trái cây hay bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nào khác, những chú chó này sẽ nhanh chóng tìm ra chúng”, Paul Sundberg, Giám đốc Trung tâm thông tin sức khỏe heo, có trụ sở ở Ames, bang Iowa, nói.
Các quan chức Mỹ cho biết họ cũng sẽ tăng cường kiểm tra du khách đến từ những nước đang bị dịch ASF như Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Âu. Virus ASF có thể lan truyền thông qua tiếp xúc với dịch từ cơ thể của heo nhiễm bệnh và có thể sống trên da, áo quần và giày dép của con người trong nhiều ngày. Do vậy, virus ASF có thể theo các du khách đi đến nhiều nơi trên thế giới nằm cách xa với các khu vực bị dịch.
Virus ASF cũng có thể sống nhiều năm trong thịt heo đông lạnh, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Hồi giữa tháng 3, lực lượng tuần tra biên giới Mỹ (CBP) ở một cảng biển tại Newark, bang New Jersey đã thu giữ 50 container nhập lậu, chứa khoảng 450 thịt heo sấy khô và xông khói có nguồn gốc từ Trung Quốc. Số thịt heo này bị nghi ngờ có thể đã nhiễm ASF.
Một quan chức của CBP cho biết nếu để ASF xảy ra ở Mỹ, ngành công nghiệp thịt heo Mỹ có thể bị thiệt hại đến 10 tỉ đô la trong một năm.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho biết bất kỳ đợt bùng phát ASF được phát hiện ở nước này cũng sẽ tác động nặng nề đến ngành công nghiệp thịt heo trong nước đang mang lại tổng thu nhập hơn 20 tỉ mỗi năm và cung cấp 500.000 việc làm.
“Chúng tôi biết những nguy cơ mất mát và chúng tôi quyết tâm ngăn chặn không để ASF lan đến Mỹ”, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, Sonny Perdue, nói.
Canada, nước láng giềng Mỹ, cũng đang tăng cường sử dụng các đội kiểm khuyển ở các sân bay để ngăn chặn ASF.
Hồi giữa tháng 3, Bộ trưởng Nông nghiệp Canada, Marie-Claude Bibeau, cho biết chính phủ Canada sẽ đầu tư 31 triệu đô la Canada trong 5 năm tới để phát triển thêm 24 đội kiểm khuyển chuyên kiểm tra thực vật, thực phẩm và động vật. Cơ quan Thanh tra thực phẩm Canada (CFIA) cho biết các đội kiểm khuyển này sẽ có nhiệm vụ ngăn chặn các sản phẩm thịt nhập lậu vào Canada.
Theo CFIA, trong các nguy cơ ASF lây lan đến Canada, thịt và các sản phẩm thịt từ các nước đang bị ASF ảnh hưởng là “một trong những rủi ro lớn nhất” và các đội kiểm khuyển là công cụ tốt nhất để ngăn chặn ASF xâm nhập vào đàn heo của nước Úc.
Hiện đang có 15 đội kiểm khuyển từ Cơ quan dịch vụ biên giới Canada làm nhiệm vụ ở các sân bay quốc tế quan trọng ở nước này.
Theo ước tính gần đây của công ty dữ liệu thị trường INTL FCStone, các nông dân nuôi heo Trung Quốc đã tiêu hủy ít nhất 10 triệu con heo để ngăn chặn ASF lây lan. Tổng lượng đàn heo ở Trung Quốc đang ở mức thấp hơn 30% so với năm ngoái. Điều này có nghĩa là đàn heo Trung Quốc đã giảm 200 triệu con xuống còn 510 triệu con với mức 710 triệu con vào năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Lê Linh