• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

CHĂN NUÔI 4.0: TINH VI VÀ TINH TẾ

   Ngày nay, có thể vào đọc một cuốn sách thư viện điện tử, đặt một tô phở bằng điện thoại… bởi vậy, việc chuyển đổi từ một nền chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi 4.0 là xu thế không thể đảo ngược.

   Xu thế tất yếu

   Tự động hóa của thời đại 3.0 được xem như một bước phát triển cực kỳ cao của văn minh nhân loại, song công nghệ thông tin và mạng lưới hạ tầng internet của công nghệ 4.0 đã làm thay đổi tư duy của con người và giờ đây, tự động hóa vốn được hiểu như là máy móc hoạt động một cách cứng nhắc, đã được thay thế bằng công nghệ thông minh với nhiều hệ lập trình khác nhau, nhiều phương án xử lý khác nhau, khiến cho quá trình tự động hóa trở nên tinh vi và tinh tế, kết hợp sự điều khiển của con người qua internet, điện thoại di động đã tạo ra một bộ mặt mới của văn minh nhân loại.


Thức ăn chăn nuôi được máy quét thông minh kiểm soát thành phần thực phẩm     Ảnh: CP
    Công nghệ 4.0 ban đầu được xây dựng dựa trên các thiết bị cảm biến có kết nối Internet (IoT); Các thiết bị bay không người lái; Công nghệ đèn LED; Robot quản trị… để sản xuất, nuôi trồng nhưng giờ đây nó còn có thể vươn đến việc tiêu thụ, bán hàng, phản hồi sản phẩm, tạo ra một quy trình sản xuất tiêu thụ truy xuất nguồn gốc, thông minh và minh bạch rất cao.

    Nhìn lại nền chăn nuôi Việt Nam hiện nay, điều dễ nhìn thấy là giá thành sản xuất quá cao dẫn đến sức cạnh tranh kém. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nay, giá thành để sản xuất 1 kg sản phẩm chăn nuôi của nước ta cao hơn nhiều so với thế giới. Cụ thể, chi phí sản xuất 1 kg thịt gà ở Ấn Độ là 1,0 USD, Malaysia 1,15 USD, trong khi ở Việt Nam là 1,6 USD… Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là việc chậm đổi mới công nghệ.

Sức mạnh công nghệ cao

    Mô hình liên kết xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao thành công nhất của Việt Nam đã được chứng minh qua việc xuất khẩu gà sang Nhật Bản. Mô hình 4.0 kết nối các công ty, các khâu với nhau, cùng sản xuất nuôi trồng chung một tiêu chuẩn. Liên kết bao gồm: Công ty Bel Gà (cung cấp con giống), Tập đoàn De Heus (cung cấp thức ăn chăn nuôi), Tập đoàn Hùng Nhơn (tổ chức sản xuất chăn nuôi đạt chuẩn), Công ty San Hà và Công ty Koyu & Unitek (chế biến và giết mổ) cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

    Thành công của việc xuất khẩu gà bằng công nghệ chăn nuôi 4.0 cũng cho thấy để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, rất cần những người nông dân của một nền nông nghiệp tri thức, biết sử dụng, quản lý và làm việc theo các lập trình và có khả năng tương tác với các đối tác trong chuỗi hệ thống mà mình tham gia. Chính các công ty sẽ từng bước hướng dẫn các trang trại tham gia vào chuỗi sản xuất của mình tiếp cận và ứng dụng công nghệ tin học.

    Còn đối với ngành chăn nuôi heo, Công ty Thái Dương đã ứng dụng thành công công nghệ 4.0 để trở thành đơn vị đầu tiên với 18 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lên men hoàn toàn tự động hóa, nơi cung cấp heo giống lớn nhất cho ngành chăn nuôi trong nước với tổng quy mô đàn nái lên đến 120.000 con. Rõ ràng, công nghệ 4.0 đã giúp cho Thái Dương cùng lúc điều hành 18 nhà máy với cùng một tiêu chuẩn thống nhất.  Thậm chí toàn bộ nước thải trong hệ thống trại giống của Thái Dương đều được hoàn nguyên, quay lại sử dụng, không thải ra môi trường.

Lợi thế của Việt Nam

   Tại Đức, quê hương của công nghệ 4.0, việc áp dụng công nghệ này khá chậm, lý do là để có thể chuyển từ công nghệ tự động hóa sang công nghệ số là một vấn đề rất lớn, đòi hỏi đầu tư khổng lồ. Ngược lại, nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và chăn nuôi Việt Nam nói riêng, đang bắt đầu tái cơ cấu vào đầu tư hiện đại hóa nông nghiệp, nên không phải gánh một “di sản” tự động hóa khổng lồ kiểu cũ, mà hoàn toàn có thể tiếp cận thẳng vào công nghệ 4.0 với việc nghiên cứu, đầu tư vào hệ thống hạ tầng tự động hóa trên cơ sở số hóa và internet.

   Ưu thế không nhỏ là Việt Nam có hệ thống cơ sở hạ tầng internet, điện thoại thông minh rộng rãi dễ dàng ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp. Đơn cử như việc có thể sử dụng điện thoại thông minh để cho gà ăn, cho heo tắm… theo lập trình có sẵn, kiểm tra, quan sát trại nuôi từ xa.

   Một lợi thế khác của Việt Nam đó là công nghệ phần mềm và tin học rất phát triển. Xuất khẩu phần mềm của Việt Nam liên tục tăng trưởng và đóng góp lớn vào kim ngạch. Trên nền tảng này, nên nông nghiệp Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng các phần mềm 4.0 cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng mà không phải phụ thuộc vào nước ngoài.

   Một câu hỏi được đặt ra đó là tính hiệu quả trong đầu tư vào công nghệ 4.0, vì hiện tại chỉ một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam mạnh dạn tiến thẳng vào công nghệ 4.0 như Vinamilk, T.H True Milk hay Thái Dương… Nhiều nhà nghiên cứu cũng báo động nguy cơ “mua phần mềm về để không” do chạy theo phong trào 4.0. Song về cơ bản, các nhà khoa học, người dân và các doanh nghiệp đều nhận thấy những ưu điểm của công nghệ 4.0, nhất là trong bối cảnh giá nhân công ngày càng cao, lao động sẽ ngày càng già hóa, biến đổi khí hậu phức tạp, thì việc sử dụng máy móc, phần mềm phân tích, liên kết để giảm rủi ro cho thấy hiệu quả rõ rệt và mở ra một sự phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp.

>> Các nhà nghiên cứu nông nghiệp trên thế giới đều nhận định, nếu dùng sức người để quản lý vận hành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, chỉ có thể hiệu quả ở quy mô nhỏ và tự cung tự cấp. Khi sản xuất hàng hóa, sản lượng lớn, năng suất cao, thì rất cần sự hỗ trợ của máy móc.

 

Nguyễn Anh
Nguồn: Tạp chí Người Chăn nuôi

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586