(Người Chăn Nuôi) – Việt Nam có tiềm năng về chăn nuôi bò và đây là nghề truyền thống đầy tiềm năng này chưa được khai thác đúng, nên sản xuất chưa đáp ứng đủ tiêu dùng trong nước. Triển vọng nào cho ngành chăn nuôi bò tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa ngày càng cao?
Bấp bênh
Chăn nuôi bò thịt ở Việt Nam có cách đây 10 năm, chủ yếu là các giống bò nội: bò vàng, bò U đầu rìu, bò Mông. Hiện, nuôi bò thịt trên 90% vẫn là chăn nuôi nhỏ, phân tán và đang chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi thâm canh và bán thâm canh. Chăn nuôi trang trại mới bước đầu hình thành với quy mô trên 100 con trở lên được tập trung ở các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận và các tỉnh miền Ðông Nam bộ và Tây Nguyên.
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi bò thịt có nhiều thay đổi đáng kể. Từ năm 2008 đến nay, số lượng đàn bò thịt liên tục giảm, nhiều nhất là năm 2011, giảm 8,11%, tốc độ giảm trung bình 5,33%. Năm 2011, tổng đàn bò thịt có 5,4 triệu con, giảm 8,11% so với năm 2010. Năm 2013, tổng đàn bò là 5,1 triệu con, giảm 0,7% so với năm 2012. Số lượng đàn bò giảm là do mức sống của người dân được cải thiện nên nhu cầu tiêu dùng thịt bò gia tăng, tuy nhiên do chu kỳ sản xuất bò thịt dài nên số lượng đàn bò giết thịt cao hơn số lượng bò tái đàn.
Chăn nuôi bò được xác định là ngành chủ chốt trong thời gian tới – Ảnh: ST
Tuy nhiên, sản lượng thịt bò lại có tốc độ tăng trưởng ngược lại so với số lượng đàn bò thịt. Năm 2014, sản lượng bò thịt đạt xấp xỉ 293 nghìn tấn, tăng 2,6% so với năm 2013. Giai đoạn 2014 – 2017, sản lượng thịt bò cả nước tăng từ 285,4 nghìn tấn lên 321,6 nghìn tấn, đạt tốc độ tăng trưởng 4,17%/năm. Nhìn chung, chăn nuôi bò còn ở quy mô nhỏ, phân tán, thả rông nên kém bền vững. Trong khi đó chăn nuôi trang trại mặc dù đã hình thành nhưng khó phát triển nhanh vì thiếu quỹ đất, giá thành cao, khó cạnh tranh.
Nhiều khó khăn
10 năm qua, Việt Nam đã nhập nhiều giống bò ngoại về để thúc đẩy chăn nuôi bò thịt, như: Red Sindhi, Sahiwal, Brahman, Limousine, Charolaise, Droughmaster, Red Angus, BBB, Senepol. Các giống bò ngoại chủ yếu được nhập về sản xuất tinh đông lạnh để thụ tinh nhân tạo, cải tạo đàn bò Việt Nam do hiện nay Việt Nam không đủ điều kiện về kinh tế để nhập khẩu bò giống ngoại về trực tiếp chăn nuôi, nên cải tạo đàn bò giống phải theo hướng sử dụng tinh bò ngoại phối với bò nội để ra bò lai, đưa vào chăn nuôi.
Hơn nữa, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng, ẩm cao, áp lực về phòng chống dịch bệnh từ môi trường bên ngoài đối bò thịt là rất lớn. Nhìn chung, kinh nghiệm chăn nuôi bò thịt chuyên canh chưa nhiều, đặc biệt là khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng đối với việc vỗ béo cho bò thịt. Vì thế, bò thịt vỗ béo, tỷ lệ mỡ trong phủ tạng cao, chất lượng thịt không mềm, không thơm ngon. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao còn hạn chế hoặc không đồng đều, thiếu đồng bộ. Sự liên doanh, liên kết giữa người chăn nuôi với các cơ sở thu mua giết mổ, chế biến thịt chưa bền chặt, đôi khi có sự bất hòa về lợi nhuận.
Nhập khẩu tăng
Theo đánh giá, trong những năm gần đây, mặc dù chăn nuôi bò nói chung và chăn nuôi bò thịt nói riêng đã có những bước đột phá cả về số lượng và chất lượng, nhưng sản lượng thịt bò trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ năm 2014 đến nay, hàng năm nước ta phải chi hàng triệu chục đô la để nhập khẩu bò thịt và bò sống về nhằm bù đắp sự thiếu hụt thịt bò trong nước.
Nhập khẩu bò thịt và thịt bò từ nước ngoài ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước do giá nhập từ nước ngoài thấp. Năm 2014, nước ta nhập khẩu 264 nghìn con trâu, bò (tăng 62% so với năm 2013), khoảng 33 nghìn tấn thịt trâu, bò (tăng 1,5 lần so với năm 2013). Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 35 nghìn tấn thịt trâu, bò, trị giá 98,3 triệu USD.
Hướng đến bền vững
Theo PGS. TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam: “Muốn ngành chăn nuôi bò thịt bền vững và hiệu quả, cần hướng tới sự chuyên nghiệp hay chuyên môn hóa, quản lý theo chuỗi, các mặt hàng từ trang trại tới bàn ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng”.
Mặt khác, cần thực hiện tốt giải pháp về quy trình kỹ thuật hóa trong chăn nuôi, cần tiêu chuẩn hóa khẩu phần ăn; thống nhất quy trình kỹ thuật theo từng giai đoạn của bò. Về thú y, cần khống chế triệt để bằng các loại vaccine (lở mồm long móng đa tuýp: O, A, C, Asia…); nhiễm đường hô hấp, lepto..; Phòng trị kịp thời và hiệu quả bệnh chậm sinh, vô sinh, ký sinh trùng…; Vệ sinh thú y, hạn chế bệnh về chuyển hóa dinh dưỡng.
Thiết lập hệ thống quản lý mạng từ xã, phường đến huyện, tỉnh, doanh nghiệp để tránh cận huyết, nâng cao hiệu quả chọn lọc đàn giống. Chính sách từ nhà quản lý đến nhà khoa học, cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về giống, tinh đông lạnh, quy trình kỹ thuật chăn nuôi chăn nuôi bò thịt theo từng giai đoạn, hướng thâm canh. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước tham gia sản xuất giống; Buộc phải có chính sách tạo rào cản từ bên ngoài để bảo hộ sản xuất trong nước để đảm bảo quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng. Thực hiện các biện pháp về chuồng trại, chống nóng, chống ẩm, thông thoáng…
>> Mục tiêu đến năm 2030 của ngành chăn nuôi, tổng đàn lượng bò đạt 8 triệu con và thịt bò chiếm 10% tổng sản lượng thịt hơi; áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sinh học vào chăn nuôi, công tác giống và sinh sản để tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng suất và chất lượng sản phẩm. |