Mới “manh nha” phát triển
Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi hữu cơ đã và đang được áp dụng tại Việt Nam do một số tổ chức quốc tế hỗ trợ và doanh nghiệp thực hiện. Chăn nuôi bò sữa hữu cơ thực sự phát triển từ năm 2015, đến nay đã có một số trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn được Tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận là: Trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty Vinamilk với trang trại ban đầu tại tỉnh Lâm Đồng và Trang trại bò sữa hữu cơ của công ty TH True Milk tại tỉnh Nghệ An.
Ngoài ra, đã có một số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ của doanh nghiệp và nông hộ theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong nước như Trang Trại Bảo Châu, Trang trại Anh Đào. Sữa hữu cơ từ trang trại bò sữa hữu cơ được tổ chức quốc tế công nhận, là hướng đi đột phá của một số công ty chăn nuôi, chế biến sữa.
Chăn nuôi hữu cơ phát triển khá nhanh nhưng mới manh nha phát triển
Điển hình như tại Hà Nội, chăn nuôi hữu cơ cũng mới phát triển chủ yếu theo mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi hữu cơ. Điển hình như HTX Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) đã tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ năm 2008. Tới năm 2017 đã dành 40 ha đất với 15 tổ hợp tác sản xuất rau, 9 tổ hợp chăn nuôi bò, gia cầm, cây ăn quả theo hướng hữu cơ.
Hay như trang trại Hoa Viên thuộc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc (xã Yên Bình, Thạch Thất). Ngoài sản xuất rau thường và rau rừng, cây thanh long ruột đỏ, xoài, bưởi, ổi… theo hướng hữu cơ, trang trại còn nuôi 1 nghìn con lợn rừng sinh sản, cung ứng trên 10 nghìn lợn giống, 2 nghìn con lợn thịt hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho lao động với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.
Cũng theo TS Bùi Tuấn Khải – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội, tuy phát triển nhanh nhưng mới ở dạng sơ khai, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, năng suất thấp, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn và ổn định. Mô hình nông nghiệp lấy trồng trọt làm chủ đạo kết hợp với chăn nuôi hữu cơ (chủ yếu là chăn nuôi giống bản địa) là phương thức canh tác có hiệu quả, dễ áp dụng, phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp của nước ta trong giai đoạn tới.
Xu hướng tất yếu
Cũng theo TS Bùi Tuấn Khải sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có chăn nuôi hữu cơ là yêu cầu và xu thế tất yếu của nông nghiệp Việt Nam trong vài thập kỷ tới, đó là định hướng cần khuyến khích, đầu tư và mở rộng. Mặc dù có nhiều thách thức và rủi ro nhưng phát triển chăn nuôi hữu cơ cũng có nhiều thuận lợi để phát triển do nhu cầu sử dụng thực phẩm ngon, sạch, chất lượng cao được xác định đạt tiêu chuẩn qui định của người tiêu dùng Thủ đô ngày càng cao và được chấp nhận bán giá cao. Bên cạnh đó, do là nước nhiệt đới, thời tiết thuận lợi cho phát triển nông nghiệp quanh năm, nhân công sản xuất thủ công nhiều và rẻ. Vì vậy, nếu được đầu tư tốt, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi hữu cơ cho nông dân thì sản phẩm hữu cơ có thể sản xuất với giá thành hợp lý, người sản xuất có thể thu nhập cao so với các phương thức khác.
Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN đã có định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, ban hành Nghị định và tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, bước đầu có chính sách ưu đãi về vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Theo đó, việc phát triển nông nghiệp và chăn nuôi hữu cơ có điều kiện để tăng trưởng nhanh trong thời gian tới, tạo ra sản phẩm và thu nhập mới cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Phải giải quyết các khâu yếu
TS Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cở Việt Nam cho rằng: thách thức lớn nhất của nông nghiệp hữu cơ chính là nhận thức của cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ, mà chủ chốt là nhận thức chuyên sâu của cán bộ Nông nghiệp. Ít cán bộ nông nghiệp được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực này. Người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều và Nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ, do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thường sang nông nghiệp hữu cơ.
Hạ tầng phụ trợ cho (chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ, cung cấp vật tư cho Nông nghiệp hữu cơ như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc trừ sâu….) cho nông nghiệp hữu cơ hầu như chưa có.
Về tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ: Phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ của tổ chức quốc tế, trong khi TCVN mới ban hành các tổ chức chứng nhận trong nước theo TCVN đang nhận được sự quan tâm.
Vì vậy các địa phương, doanh nghiệp khi phát triển nông nghiệp hữu cơ cần có phương án, đối sách và chiến lược phù hợp, cụ thể để xử lý các khó khăn trên.
Theo Cục chăn nuôi, Chăn nuôi hữu cơ ở Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển. Vì thế, nhà nước cần có chính sách để phát triển, tổ chức sản xuất theo chuỗi và tập trung vào một số sản phẩm chủ lực để xuất khẩu tăng giá trị thặng dư như: sữa, thịt gà, trứng và mật ong.
Vì vậy, cần tăng cường xây dựng và quảng bá các thương hiệu sản phẩm chăn nuôi hữu cơ. Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm – gắn thương hiệu sản phẩm quốc gia: xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, từng sản phẩm để điều chỉnh, tập trung nguồn lực cho sản xuất, từng bước xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi hữu cơ.
Củng cố hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gắn với thị trường trong nước theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất – chế biến – lưu thông – tiêu thụ sản phẩm hữu cơ thông qua hoạt động của các doanh nghiệp và Hiệp hội.
Còn PGS TS Nguyễn Văn Đức, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, trong xu hướng phát triển chăn nuôi hiện nay, trước những thách thức hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành chăn nuôi nước ta cần tích cực ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm vật nuôi để đủ sức cạnh tranh, đặc biệt tạo ra những sản phẩm chăn nuôi mới chất lượng cao thì chăn nuôi hữu cơ là con đường tất yếu của sự thành công. Để bắt kịp hướng sản xuất chăn nuôi hữu cơ, cần sớm nghiên cứu áp dụng các mô hình sản xuất chăn nuôi hữu cơ đã thành công ở các nước chăn nuôi tiên tiến, đặc biệt chú trọng đến công tác chọn tạo giống phù hợp với phương thức chăn nuôi hữu cơ.
Còn TS Hà Phúc Mịch thì cho rằng, để sản xuất hữu cơ thực sự phát triển, người sản xuất cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trang trại (chợ địa phương, khu vực dân cư, siêu thị hay xuất khẩu…) mỗi một thị trường đều có các yêu cầu riêng về tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn và các quy định về an toàn thực phẩm theo luật.
Các tổ chức chứng nhận nâng cao trình độ, hiểu biết trong chứng nhận hữu cơ vững chữ “tâm” với nghề, đảm bảo chứng nhận đúng, đủ các nguyên tắc của tiêu chuẩn hữu cơ, minh bạch các hoạt động của tổ chức chứng nhận, khuyến khích người sản xuất đúng tiêu chuẩn hữu cơ đã lựa chọn và góp phần làm minh bạch thị trường. Không cho các đơn vị chưa đạt chuẩn mà vẫn được chứng nhận, điều này gây méo mó cho thị trường và mất niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hữu cơ có chứng nhận.
Nhà phân phối là đại diện nói lên nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng, nhà phân phối là đơn vị tìm hiểu chất lượng sản phẩm trước tiên, chính vì vậy mọi nhà phân phối sản phẩm nên tìm hiểu rõ sản phẩm đang phân phối? Đơn vị nào chứng nhận, phẩm chất, chất lượng có ổn định hay không và giá cả cần phải đảm bảo đi liền với giá trị sản phẩm
Người tiêu dùng tìm hiểu rõ các thông tin khi mua sản phẩm hữu cơ, thông tin chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, thường xuyên đóng vai là giám sát viên thị trường đối với sản phẩm gia đình đang sử dụng, điều này đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy tính minh bạch của thị trường lên.
UYÊN TRANG
TẠP CHÍ CHĂN NUÔI VIỆT NAM
TS Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển chăn nuôi hữu cơ (ảnh)
Hướng dẫn, quảng bá, phổ cập về tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật để để chăn nuôi hữu cơ cho nông dân hiểu, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chăn nuôi hữu cơ có hiệu quả.
Tuyên truyền, quảng bá lợi ích của việc sử dụng thực phẩm hữu cơ có thương hiệu, xuất xứ sản sản xuất, phương thức sản xuất, đạt tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ an toàn, nơi bán sản phẩm được Nhà nước cho phép và kiểm định chất lượng để người tiêu dùng yên tâm mua và sử dụng. Nhà nước ngoài việc công bố tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ cần có quy định cơ quan thẩm định xác nhận thực phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và cho phép lưu hành giúp đỡ người sản xuất thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Ban hành các chính sách khuyến khích về ưu đãi vốn đầu tư khoa học cho sản xuất, chế biến thực phẩm hữu cơ như chính sách ưu đãi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nhà nước có chính sách tích tụ, tập trung đất, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi hữu cơ để người sản xuất có đủ đất tổ chức sản xuất, chế biến thực phẩm hữu cơ.