Chăn nuôi Việt Nam tuy còn nhiều hạn chế, nhưng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ lượng sang chất, từ nông hộ quy mô nhỏ sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn…
Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần đắc lực vào phát triển của ngành chăn nuôi là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới từ thức ăn, con giống tới quá trình nuôi và xử lý môi trường.
Một trại heo áp dụng công nghệ chuồng kín của C.P Việt Nam
Ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực
Theo Cục Chăn nuôi, trong những năm qua, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã được áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực ngành chăn nuôi, từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi tới quy trình nuôi, xử lý môi trường.
Ở khâu giống, khoảng 52.000 con bò sữa giống HF năng suất cao được nhập về nuôi ở nước ta (chiếm 31% tổng đàn) cho năng suất sữa từ 6.500-7.600 kg/chu kỳ, đã góp phần quan trọng làm tăng đáng kể năng suất đàn bò sữa. Công nghệ phối giống tinh bò phân biệt giới tính đã được ứng dụng tại Cty CP Bò sữa Mộc Châu, TH True Milk, Cty CP Sữa Đà Lạt…, đã đem lại thành công bước đầu, cho hiệu quả kinh tế cao với tỷ lệ bê cái sinh ra đạt 87-92%.
Hệ thống chăn nuôi lợn 4 cấp (cụ kỵ – ông bà – bố mẹ – thương phẩm) đang hình thành và phát triển nhanh. Hiện Việt Nam đã có khoảng 5 chuỗi sản xuất heo theo mô hình 4 cấp với quy mô từ 0,5-2 triệu lợn thịt hàng hóa/chuỗi, với hiệu quả tốt. Heo thịt từ những chuỗi này có chất lượng đồng nhất, tích hợp tối ưu công thức lai 4-5 máu từ giống cụ kỵ ban đầu. Công nghệ quản lý giống vật nuôi qua phần mềm quản lý, đánh giá giá trị giống ước tính và cho phép chọn lọc, ghép đôi giao phối các cá thể trong đàn để có giá trị giống cao nhất (áp dụng với đại gia súc, heo)… Về giống gia cầm, hiện các giống gà thịt tốt của thế giới như AA, ISA, Ross, Avian, Lohmann, Cobb… đều đã có ở Việt Nam. Các DN nhập giống chủ yếu từ công đoạn ông bà hoặc bố mẹ về để sản xuất ra con thương phẩm. Các giống vịt chuyên thịt cũng được NK nhiều, giúp cho Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về số lượng đàn thủy cầm…
Ở lĩnh vực sản xuất TĂCN, các công nghệ chế biến thức ăn công nghiệp hiện đại trên thế giới đã được nhập về và ứng dụng sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là công nghệ sản xuất thức ăn dạng lỏng dùng trong các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, khép kín từ phối trộn nguyên liệu, cấp phát thức ăn đến từng ô chuồng, giúp làm tăng khả năng tiêu hóa, giảm chi phí thức ăn và tăng hiệu quả chăn nuôi. Một số công nghệ mới đã được ứng dụng như chế phẩm vi sinh vật cấy dạng bột và dạng lỏng trong chế biến thức ăn xanh theo phương pháp ủ chua cho kết quả tốt hơn đáng kể so với ủ chua truyền thống. Hay công nghệ TMR trong sản xuất thức ăn phối trộn cho bò sữa đã nâng cao năng suất sữa của đàn bò cả nước.
Ở khâu nuôi và xử lý môi trường, đã có nhiều công nghệ mới về kỹ thuật và quy trình chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, nhất là ở khu vực chăn nuôi trang trại. Điển hình như công nghệ chuồng kín điều khiển được tiểu khí hậu chuồng nuôi, nhờ đó đảm bảo chủ động được nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng nuôi phù hợp với sinh lý, sinh trưởng của vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập.
Trong chăn nuôi gà, nhiều trang trại đã sử dụng hệ thống máng ăn, máng uống tự động, giúp tiết kiệm thức ăn, nước uống và chi phí dọn chuồng, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn cũng như hiệu quả kinh tế. Hệ thống chuồng gà tự động có hệ thống cào phân tự động đưa ra nơi thu gom, máng thu trứng tự động và được dẫn truyền ra khu xếp khay. Máy ấp trứng tự động với công suất lớn có kho và hệ thống bảo quản đáp ứng yêu cầu trong quy trình ấp.
Các quy trình Năm phương thức chăn nuôi vịt an toàn sinh học; quy trình ấp trứng đa kỳ – đa giống và nuôi gia cầm bố mẹ đã được áp dụng trên toàn quốc trong nhiều năm qua, đem lại hiệu quả cho chăn nuôi và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm.
Trong chăn nuôi bò sữa, quy trình công nghệ cao trong vắt sữa tự động đã được áp dụng tại các trang trại bò sữa lớn như Mộc Châu, TH True Milk trong quy trình khép kín, sữa được lọc để loại bỏ tạp chất, được làm lạnh xuống dưới 4oC, sau đó chuyển về bồn chứa tổng của trang trại và được đưa về nhà máy chế biến. Công nghệ chế biến sữa hiện đại đã được áp dụng trong chế biến sữa, tạo nên các sản phẩm sữa được nguyên vẹn giá trị dinh dưỡng của sữa tươi, an toàn cho người sử dụng.
ề xử lý môi trường, công nghệ xử lý thông qua hệ thống biogas quy mô lớn, đệm lót sinh học, công nghệ ấu trùng ruồi đen và công nghệ giun đất đã được ứng rộng trong sản xuất.
Tác động mạnh vào nâng cao năng suất, nuôi quy mô lớn
Theo Cục Chăn nuôi, trong 10 năm qua (2008-2018), ngành chăn nuôi đã có những bước phát triển rất rõ nét theo chiều sâu. Một minh chứng điển hình là mức tăng của sản lượng giết thịt ở nhiều nhóm vật nuôi chủ lực cao hơn nhiều so với mức tăng của tổng đàn.
Một mô hình chăn nuôi gà quy mô lớn (Ảnh minh họa)
Cụ thể, nếu như tổng đàn lợn chỉ tăng 2,4%, thì sản lượng giết thịt tăng tới 33,5%; sản lượng gia cầm giết thịt tăng tới 134,3%, gấp 2,4 lần mức tăng của tổng đàn (tăng 55,5%); tổng đàn bò giảm 14,7% nhưng sản lượng giết thịt lại tăng 43,4%…
Mức tăng của sản lượng cao hơn rất nhiều so với mức tăng của tổng đàn, trước hết là nhờ năng suất tăng từ 15-20% ở từng đối tượng vật nuôi. Bên cạnh đó, là việc chuyển đổi 30% cơ sở chăn nuôi sang phương thức công nghiệp và chuyên nghiệp (tạo ra tương ứng trên 55% sản lượng thịt, trứng, sữa). Riêng ở Đồng Nai, theo ông Lê Văn Gọi, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh này, đến nay, Đồng Nai đang có trên 2,5 triệu con heo và hơn 21 triệu con gà, thì trong đó, hơn 90% tổng đàn hiện thuộc về các mô hình chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn.TS Kiều Minh Lực, Phó TGĐ C.P Việt Nam, cho rằng, việc năng suất vật nuôi tăng mạnh và hàng loạt cơ sở chăn nuôi chuyển sang mô hình công nghiệp và chuyên nghiệp quy mô lớn, có sự đóng góp rất lớn của các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã được áp dụng vào chăn nuôi trong những năm qua. Có thể thấy rõ điều này trong hệ thống chăn nuôi heo của C.P Việt Nam. Về sản xuất giống, nhờ áp dụng phương pháp tiên tiến về đánh giá di truyền trong chọn giống mà năng suất sinh sản trong hệ thống của C.P Việt Nam hồi năm 2000 là 21 con/nái/năm, nay đã tăng lên 26 con/nái/năm. Bên cạnh đó, những ứng dụng công nghệ mới về thiết kế chuồng trại, xử lý môi trường (biogas, hồ lắng, máy ép tách phân)… đã góp phần không nhỏ trong việc mở rộng quy mô của từng trang trại. Nếu như năm 2000, bình quân mỗi trang trại của C.P Việt Nam co 240 con nái, đến 2018 là 2.400 con nái; năm 2000 mỗi trang trại có bình quân 250 heo thịt, nay lên tới 12.000 heo thịt.
|
Thanh Sơn – Nguyễn Thủy
Nguồn: Tạp chí người chăn nuôi