• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

(Người Chăn Nuôi) – Phát triển chăn nuôi luôn được các địa phương chú trọng. Hiện nay, nhiều tỉnh có kế hoạch phát triển toàn diện ngành hàng này, trong đó, đặc biệt ưu ái đến việc đưa công nghệ cao vào sản xuất.

Tăng tốc trong năm 2020

Tháng 3 năm nay, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi cho cả năm. Phấn đấu đến cuối năm tổng sản lượng theo hơi xuất chuồng đạt từ 263.800 tấn trở lên, giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) đạt từ 9.369,4 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tăng 4,5% so với năm 2019. Trong đó, sẽ khôi phục sản xuất chăn nuôi heo; phấn đấu tổng đàn cuối năm 2020 đạt từ 1.045.000 con trở lên, trong đó, cơ cấu đàn heo nái chiếm khoảng 18% tổng đàn heo, tăng tỷ lệ đàn nái lai và đàn heo nái ngoại lên 75% tổng đàn heo nái. Tăng số lượng các trang trại chăn nuôi, nhất là trang trại quy mô vừa, quy mô lớn, chăn nuôi trong vùng, khu quy hoạch. Tổng sản lượng thịt hơi heo xuất chuồng năm 2020 đạt khoảng 200.000 tấn.

Đối với chăn nuôi trâu, bò, tổng đàn đạt 70.000 con trở lên; sản lượng thịt hơi trâu, bò xuất chuồng đạt khoảng 10.820 tấn. Tỷ trọng chiếm 5% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Xây dựng được 2 trang trại “lõi” trở lên đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết; Còn đối với chăn nuôi gia cầm sẽ phát triển và duy trì ở mức ổn định tổng đàn năm 2020 đạt trên 13 triệu con, tổng sản lượng thịt đạt khoảng 53.000 tấn; cơ cấu đàn gà chiếm khoảng 80%, đàn thủy cầm đạt 18%, gia cầm khác đạt khoảng 2%.

Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu lại chăn nuôi, cơ cấu lại giống vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất và giá trị; Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất dành cho chăn nuôi, giết mổ; quy hoạch chăn nuôi; kêu gọi đầu tư…; Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết; Chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Chăn nuôi ứng dụng CNC là xu hướng phát triển toàn cầu – Nguồn: Medium

Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học về chăn nuôi; chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong bình tuyển, chọn lọc, lai tạo, du nhập về công tác giống để có bộ con giống sinh sản đạt tiêu chuẩn phù hợp nhu cầu thị trường, tạo sự chủ động trong nguồn cung cấp con giống đạt chất lượng cao an toàn dịch bệnh cho nhu cầu chăn nuôi trong tỉnh; ứng dụng các công nghệ về xử lý chất thải chăn nuôi, công nghệ chế biến thức ăn, quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP)… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Chú trọng công nghệ cao

Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 3 cơ sở chăn nuôi lớn (Trang trại chăn nuôi heo siêu nạc công nghệ cao (CNC) của Công ty TNHH Chăn nuôi Buntaphan Quảng Bình; Trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH TABICO; Trang trại vỗ béo bò thịt của Công ty TNHH Lê Dũng Linh) có ứng dụng CNC trong một số khâu sản xuất như áp dụng công nghệ trong lai tạo giống, thụ tinh nhân tạo, sử dụng heo giống đầu dòng nhập về từ Pháp, Đan Mạch; xây dựng chuồng trại khép kín có hệ thống điều hòa nhiệt độ, theo dõi ẩm độ; tự động hóa trong cung cấp thức ăn, nước uống… và các trang trại liên doanh với Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam.

Tuy nhiên, chăn nuôi ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế là một số cơ sở hoạt động chưa thực sự tốt quy trình công nghệ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Đây là một trong những lý do UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trong giai đoạn 2020 – 2025.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, mục tiêu xây dựng 8 cơ sở chăn nuôi ứng dụng CNC. Cụ thể, ứng dụng các CNC trong lai tạo giống, thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi, hợp tử, phân biệt giới tính, cho sinh sản đồng loạt; công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, chăn nuôi tuần hoàn; công nghệ tự động hóa trong chế biến và cung cấp thức ăn, nước uống; công nghệ sinh học xử lý phế phụ phẩm chăn nuôi; công nghệ tự động hóa trong giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi…

Cùng đó, tỉnh chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ về kinh phí, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới, liên kết tiêu thụ nông sản… nhằm tạo thêm nguồn lực phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

>> Công nghệ cao đang được coi là “chìa khóa” để ngành chăn nuôi phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, cũng là để giúp các sản phẩm chăn nuôi tăng sức cạnh tranh trên thị trường, trước mắt là thị trường nội địa, xa hơn là hướng tới xuất khẩu. Chỉ có vậy ngành chăn nuôi Việt Nam mới sớm gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô” trong xuất khẩu ngành nông nghiệp.

 
Phạm Thu
Tạp chí: Người chăn nuôi

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586