[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Giải pháp sản xuất thức ăn thô xanh, chế biến, dự trữ nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đại gia súc thích ứng với tình hình hạn hán, ngập mặn là rất cần thiết.
Tình hình biến đổi khí hậu, trong đó có hạn hán và xâm nhập mặn trong thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế – xã hội nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Ví dụ, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Bến Tre, trong tháng 2/2016 độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu vào đất liền cách cửa sông từ 40 – 50 km, ranh mặn 1‰ đã xâm nhập sâu cách cửa sông khoảng 75 km, hầu như đã bao trùm phạm vi toàn tỉnh (chiếm khoảng 155/164 xã, phường, thị trấn). Sự xâm nhập mặn là hệ quả của hiện tượng nước biển dâng và hạn hán. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc. Do vậy, giải pháp sản xuất thức ăn thô xanh, chế biến, dự trữ nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đại gia súc thích ứng với tình hình hạn hán, ngập mặn là rất cần thiết.
Mặt khác, theo truyền thống sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân thường hay cày vùi rơm cho tự phân hủy hoặc đốt đồng. Đây là việc làm mang đến nhiều tác hại, nhất là việc để rơm tự phân hủy làm mất nhiều thời gian, trong khi nhu cầu sản xuất vụ mùa mới là cấp bách. Chính vì thế khi sản xuất lúa vụ sau dễ bị ngộ độc hữu cơ. Còn việc đốt đồng thì đã vô tình làm mất đi chất hữu cơ cung cấp lại cho đất, gây hiện tượng phát thải khí nhà kính. Nhằm góp phần giải quyết các hạn chế nêu trên và tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Máy cuốn rơm được hệ thống khuyến nông triển khai làm mô hình. Rơm được cuộn lại thành từng cuộn hình trụ, đường kính 45 cm, dài 75 cm. Kích thước này giúp nông dân thuận tiện hơn trong khâu vận chuyển. Qua thực tế cho thấy việc ứng dụng máy cuốn rơm không chỉ mang lại lợi ích qua việc giảm chi phí thu gom rơm, giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo điều kiện cho việc tăng thu nhập từ sử dụng rơm.
Sử dụng rơm cuộn chế biến làm thức ăn cho trâu bò là kỹ thuật mới áp dụng trong chăn nuôi tại các tỉnh thành phía nam
Hình 1: Trước ủ
Hình 2: Kết quả sau ủ
Quy trình ủ rơm urea được áp trong các bao nilon có kích cỡ vừa đúng cuộn rơm đang được nông dân sử dụng hiện nay (rơm được cuộn bằng máy sau khi thu hoạch lúa bằng máy liên hợp). Sử dụng 4% urea và ủ trong thời gian 2 tuần để tăng giá trị dinh dưỡng của rơm (tăng hàm lượng đạm, giảm hàm lượng xơ và tăng tỷ lệ tiêu hóa).Quy trình ủ rơm urea làm thức ăn cho bò được Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi xây dựng từ kết quả nhiệm vụ KHCN đã được nghiệm thu. Qui trình như sau:
- Vật dụng để ủ: Túi nilon (kích thước vừa đúng cuộn rơm)
- Các chất bổ sung: (1) Nước để hòa tan các chất bổ sung và ngấm vào rơm (2) Urea bổ sung chất đạm, tạo ammoniac cho vi sinh vật (3) Rỉ mật bổ sung chất đường cho vi sinh vật (4) Muối tạo chất đệm, tính ngon miệng
- Công thức ủ: Cho 100 kg rơm vào 100 lít nước (4 kg urea + 2 kg rỉ mật+ 1 kg muối)
- Các bước tiến hành: Bước 1: Hòa urea, rỉ mật, muối vào nước (theo tỷ lệ với rơm như trên); Bước 2: Cho cuộn rơm vào túi nilon; Bước 3: Tưới nước đã hòa các chất bổ sung vào rơm (tưới từ từ cho ngấm); Bước 4: cột chặt miệng bao, túi nilon, để vào nơi râm mát
- Tính lượng rơm để ủ: Một con trâu bò ăn khoảng 3-7 kg rơm mỗi ngày tùy vào lượng cỏ. Một con dê cừu ăn bằng 1/10 lượng trâu bò; Ủ đủ cho ăn trong 1 tuần => Tính ra số rơm cần ủ cho cả đàn ; Sau 1 tuần lấy cho ăn thì ủ tiếp đợt khác
- Kiểm tra chất lượng rơm ủ: Rơm ẩm, có màu vàng tươi; Có độ nóng cao, mùi khai nước tiểu rất nồng ; Không bị mốc xanh, đen; Có thể có một ít mốc trắng
- Tập cho gia súc ăn: Tập cho ăn từ từ, cần thiết cho nhịn đói; Không rửa lại nước, không phơi khô khi cho ăn
- Lượng cho ăn: Cho ăn tối đa, có thể thay thế đến 80% lượng cỏ xanh
Đối với rơm ủ urea so với rơm không ủ (rơm khô, rơm tươi), hàm lượng đạm đã tăng lên khoảng 50%, tỷ lệ tiêu hóa tăng khoảng 30%, khả năng sản xuất của gia súc tăng khoảng 15% so với trước đây.
Nguyễn Văn Bắc
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia