Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp là mô hình kinh doanh hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới đã phát triển và đang áp dụng.
Thành công trên thế giới
Từng người nông dân sản xuất nhỏ sẽ chỉ bán sản phẩm nông nghiệp của họ tại chợ địa phương, nhưng nếu thông qua chuỗi liên kết, họ có thể hợp đồng với doanh nghiệp để sản xuất, sau đó sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến để đưa vào các siêu thị tại thành phố, thậm chí là xuất khẩu. Nhiều nước trên thế giới đã có chuỗi liên kết nông sản phát triển và thu được nhiều thành công, như:
Mô hình hiệp hội của các nước châu Âu (Hà Lan, Đức, Pháp): Đại diện cho châu Âu là Hà Lan với bước nhảy vọt trong quản lý và phát triển chuỗi liên kết. Hà Lan là nước hàng đầu thế giới trong xuất khẩu thịt heo, hoa, hạt giống, rau. Chẳng hạn xét về mô hình liên kết trong chuỗi thịt heo SecureFeed. Trong chuỗi này, hợp tác chuỗi được phát triển thông qua Hiệp hội SecureFeed quy tụ các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi, các nhà máy giết mổ gia súc. SecureFeed sẽ quyết định sản lượng, giám sát chất lượng, cân đối lợi nhuận, chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia trong chuỗi. Sản phẩm thịt được truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc 100%. Tác nhân nào vi phạm sẽ bị phạt nặng và thậm chí bị loại ra ngoài Hiệp hội và có thể dẫn tới phá sản. Điểm làm nên thành công của mô hình này chính là quy mô sản xuất lớn, thể chế chặt chẽ và thực thi luật pháp rất nghiêm minh, đặc biệt là đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Một góc chợ đấu giá hoa ở Hà Lan Ảnh: Royalfloraholland
Mô hình hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản: Đây là các hợp tác xã nông nghiệp quy mô nhỏ, thường mang tính địa phương nhưng lại là kênh tiêu thụ nông sản chính: Trên 80% lúa gạo; Trên 50% rau, hoa quả, sữa tươi… Trong đó, hợp tác từ sản xuất đến chế biến và phân phối sản phẩm. Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện hai nhiệm vụ chính: Một là cung cấp cho nông dân các yếu tố “đầu vào” phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, hóa chất nông nghiệp, trang thiết bị, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi gia súc; Hai là giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng cách thu gom, bảo quản, dự trữ, bán các nông sản, vật tư dựa vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm quốc gia và quốc tế. Điểm khác biệt của hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản với mô hình hợp tác xã của nước ta là liên kết của họ thông qua hợp đồng chính thức với cam kết thực hiện với chế tài xử lý nghiêm minh, nông dân Nhật Bản luôn tuân thủ và tôn trọng nguyên tác chung, các thành viên trong hợp tác xã giám sát lẫn nhau chặt chẽ.
Mô hình hợp tác xã nông nghiệp Hàn Quốc (NACF): NACF đã thiết lập mạng lưới hợp tác xã từ trung ương đến cơ sở. NACF nắm giữ gần 40% thị phần nông sản trong nước. NACF cũng quản lý một mạng lưới dịch vụ vận chuyển nông sản từ cửa nông trại đến người tiêu dùng. Hệ thống này giúp người nông dân sản xuất theo đúng yêu cầu của thị trường, giảm tối thiểu chi phí lưu thông, hao hụt, thất thoát. NACF cũng điều hành một hệ thống doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn nhất và cạnh tranh mạnh nhất tại quốc gia này. Điểm làm nên sự ổn định và phát triển của hợp tác xã nông nghiệp Hàn Quốc chính là sản xuất công nghệ cao, marketing sản phẩm tốt, quản trị chuỗi liên kết trong hợp tác xã như điều hành tập đoàn, doanh nghiệp. Nông sản có thương hiệu tốt, giá cạnh tranh trên thị trường và đa số được truy xuất nguồn gốc.
Mô hình hệ thống đấu giá nông sản tại Thái Lan: Tại Thái Lan, các chợ trung tâm giữ vai trò quan trọng trong việc thiết lập các mặt bằng giá, phân loại, quy cách hóa nông sản và phục vụ đắc lực cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản. Các liên kết chuỗi hình thành thông qua sản xuất giúp nông dân Thái Lan có đủ sản lượng và chất lượng cần thiết để tham gia đấu giá. Ngoài ra còn có các chuỗi liên kết chuyên phục vụ xuất khẩu. Điểm nổi bật của mô hình chuỗi giá trị tại Thái Lan là hệ thống đấu giá hoạt động minh bạch, hiệu quả, mang lại tính cạnh tranh cho sản phẩm tốt, từ đó thúc đẩy nông dân sản xuất ra những sản phẩm chất lượng ngày càng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các sản phẩm không đồng đều, sản lượng quá ít, chất lượng kém thì không thể được đưa vào vào đấu giá mà phải bán giá rẻ hơn hoặc bán lỗ. Do vậy, mô hình này đã thúc đẩy các nông dân liên kết với doanh nghiệp để tổ chức lại sản xuất, mua vật tư tốt, thực hành sản xuất tốt, công khai quy trình sản xuất khi khách hàng yêu cầu.
Mô hình chăn nuôi gia công tại Thái Lan, Trung Quốc và Đài Loan: Mô hình này đã và đang được phát triển mạnh tại các nước với nòng cốt là các doang nghiệp có sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất con giống liên kết với nông dân để chăn nuôi heo và gà. Doanh nghiệp sẽ bao tiêu vật tư đầu vào, thu mua sản phẩm đầu ra; Nông dân sẽ phải đầu tư chuồng trại và nhận các mức khoán để sản xuất sản phẩm theo yêu cầu. Các bên tham gia chuỗi liên kết sẽ phải ký hợp đồng chính thức để chia sẻ rủi ro và trách nhiệm. Ở Việt Nam cũng đang có một số chuỗi như C.P., Dabaco, GreenFeed…
Điều kiện để phát triển tại Việt Nam?
– Nhà nước ngoài việc hoàn thiện thể chế cần có những chính sách để khuyến khích phát triển các thương hiệu thực phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn, đồng thời tham gia làm trọng tài kịp thời khi xảy ra tranh chấp giữa các tác nhân. Khi vai trò của hiệp hội chưa đủ mạnh, Nhà nước chính là trọng tài và hỗ trợ chính sách về đất đai, thuế, tín dụng và truyền thông cho các chuỗi nông sản.
– Hiệp hội cần nâng cao vai trò hỗ trợ, kết nối, vận động và giám sát các thành viên của chuỗi thực hiện cam kết để tăng hiệu quả hoạt động. Hiệp hội cũng nên xây dựng quỹ rủi ro để hỗ trợ các thành viên khi có biến động thị trường hoặc dịch bệnh; Đồng thời nên thu nạp thành viên thuộc các công đoạn khác nhau trong chuỗi bao gồm cả sản xuất, giết mổ, chế biến và phân phối (không nên chỉ có thành viên từ một công đoạn).
– Doanh nghiệp cần giữ vai trò nhạc trưởng, là đầu mối đầu tư, quản trị trong chuỗi giá trị. Doanh nghiệp sẽ thiết lập hệ thống và xây dựng vùng nguyên liệu, khai thông thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, ứng dụng quản trị doanh nghiệp trong quản trị chuỗi, ứng dụng chiến lược marketing trong mở rộng thị trường sản phẩm.
– Nông dân sẽ tham gia vào khâu sản xuất đảm bảo sản lượng, chất lượng cho sản phẩm nguồn của chuỗi. Nông dân sẽ phải chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất hạ tầng, nhân lực sản xuất trực tiếp, nâng cao trình độ sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa.
>> Phát triển các chuỗi giá trị nông sản có thương hiệu, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc là chìa khóa thành công cho ngành nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững. |
TS. Võ Trọng Thành