• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

LUẬT CHĂN NUÔI: CẦN THỰC SỰ ĐI VÀO CUỘC SỐNG

 
 

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Gần đây, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Dự thảo Luật Chăn nuôi đã được trình lên Quốc hội. Không chỉ các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại nghị trường, mà người chăn nuôi, đặc biệt là các doanh nghiệp quan tâm, góp ý. Tất cả, đều mong muốn Luật Chăn nuôi thực sự đi vào cuộc sống và có nhiều cơ chế cho ngành phát triển thực sự bền vững và hiệu quả.

Nhiều vấn đề liên quan tới doanh nghiệp

Dự thảo Luật Chăn nuôi gồm 8 chương, 65 điều, có nhiều nội dung mới so với Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004. Một trong các nội dung mới là quy định cụ thể các điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Luật Chăn nuôi: Cần thực sự đi vào cuộc sống

Cộng đồng doanh nghiệp và người chăn nuôi thực sự mong muốn Luật Chăn nuôi đi vào cuộc sống

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự thảo đã cụ thể hoá các yêu cầu, điều kiện của một cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi để đảm bảo có thể quản lý trên 4 lĩnh vực: quản lý đăng ký chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và điều kiện cơ bản để đảm bảo chất lượng giống vật nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi; giám sát đảm bảo về môi trường; thực hiện an toàn sinh học và phát triển theo quy hoạch.

Các điều kiện này, tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng giống vật nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi, xây dựng, phát triển có quy hoạch, có kiểm soát và phát triển bền vững ngành chăn nuôi, Bộ trưởng trình bày.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định tổ chức, cá nhân phải thực hiện đăng ký, kê khai với cơ quan quản lý khi kinh doanh giống vật nuôi, sản xuất chăn nuôi giúp các cơ quan quản lý thống kê, giám sát, quản lý và là cơ sở để từng bước quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi.

Trong nội dung mới này có khá nhiều điều kiện đặt ra với cơ sở chăn nuôi và người chăn nuôi. Như, vị trí xây dựng trang trại phải được ủy ban nhân dân cấp huyện đồng ý bằng văn bản, hay, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp quy định chi tiết các khu vực thuộc nội thành, nội thị của địa phương không được phép chăn nuôi; quy định các khu đông dân cư không được chăn nuôi trang trại. Rồi cá nhân hành nghề chăn nuôi phải có chứng chỉ hành nghề, điều kiện được cấp chứng chỉ với người hành nghề lấy mẫu thức ăn chăn nuôi và hành nghề thụ tinh nhân tạo là phải có trình độ trung cấp trở lên chuyên ngành chăn nuôi, thú y, công nghệ sinh học…

Doanh nghiệp mong muốn cơ chế

ThS Mai Xuân Thức, Phụ trách đăng ký và pháp lý, Công ty TNHH Cargill Việt Nam, cho rằng: Công ty hoàn toàn ủng hộ chủ trương ra đời của Luật Chăn nuôi 2018. Đây sẽ là Luật lớn, có ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người, chủ yếu là nông dân – nhóm người yếu thế trong xã hội. Nó cần thiết và bức thiết, bởi để phù hợp với xu thế phát triển, đặc biệt để tương thích và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới, cũng như sẽ từng bước giải quyết được các vấn đề nóng đang được xã hội đặc biệt quan tâm như an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, sự phát triển của giống nòi và GDP chung của cả nước.

Công ty mong muốn Ban soạn thảo, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội kiên định với quan điểm mới của Chính phủ là xây dựng nhà nước Liêm chính, kiến tạo, đơn giản hóa thủ tục hành chính như việc cần bỏ hết các loại giấy phép con, cho phép người dân và doanh nghiệp được làm những việc mà pháp luật không cấm theo đúng tinh thần Luật Doanh nghiệp 2014 và trên hết là Hiến pháp năm 2013.

Công ty kiến nghị sửa đổi trong Dự thảo này về việc kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng liên quan đến dinh dưỡng mà chỉ tập trung kiểm tra, kiểm soát các chỉ tiêu có khả năng gây mất an toàn cho mỗi loại hàng hóa – được quy định trong các Quy chuẩn kỹ thuật. Việc này sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, tránh phiền hà, tùy tiện, sách nhiễu cũng như ách tắc trong lưu thông hàng hóa, cơ sở hạ tầng cảng biển, vận tải..

Chúng tôi cũng đặc biệt lưu ý đến việc cần thiết phải kiểm soát điều kiện của các cơ sở sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, các cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi, cơ sở xử lý chất thải…. Bởi chỉ có điều kiện hạ tầng, kỹ thuật, con người, quy trình tốt mới đảm bảo tạo ra các sản phẩm có chất lượng và an toàn với người tiêu dùng Việt Nam cũng như sự phát triển của nòi giống Việt. Hãy coi việc kiểm soát điều kiện sản xuất là điều kiện tiên quyết. Thậm chí, cần thiết sớm yêu cầu các cơ sở bắt buộc phải áp dụng các chương trình quản lý hiệu quả và an toàn như HACCP, ISO 2000…

Ông Phạm Trung Lâm, Tổng Giám đốc Anco và Proconco khẳng định: Công ty hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ việc ban hành Luật Chăn nuôi. Để phù hợp với tính chất và nhiệm vụ của một Đạo luật lớn, mang tầm định hướng của ngành, công ty để xuất nên xem xét, điều chỉnh Dự thảo Luật chăn nuôi bằng cách rà soát để lược bỏ các nội dung chi tiết, các biện pháp thực hiện và bổ sung những quy định mang tính chất định hướng, chiến lược, chính sách cơ bản vào Dự thảo.

Ông Lâm, cho rằng, quy định về quản lý môi trường chăn nuôi được Dự thảo quy định khá đơn giản và gói gọn tại Điều 4 của Dự thảo. Theo ông, nội dung này có thể không cần quy định trong Dự luật này vì hiện nay, hệ thống các quy định pháp luật về môi trường khá hoàn chỉnh và đầy đủ, hoạt động chăn nuôi nói riêng và các hoạt động kinh doanh khác phải đều tuân thủ các quy định này. Việc lược bỏ quy định này, cũng giảm sự chồng chéo trong việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật.

Công ty ủng hộ việc Nhà nước quy định các cơ sở/trang trại chăn nuôi phải đạt chuẩn, đủ điều kiện để chăn nuôi và nội dung này cũng đã được đề cập tại Điều 42, Điều 43 của Dự thảo. “Tuy nhiên, Dự luật cũng cần có những quy định rõ về lộ trình các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chăn nuôi hoàn thiện trang trại chăn nuôi và lộ trình cấp phép (hoặc giao Chính phủ xây dựng lộ trình cấp phép) cho các trang trại/cơ sở chăn nuôi hiện tại nhằm giúp các chủ cơ sở/trang trại chăn nuôi có đủ thời gian để hoàn thiện cơ sở vật chất để có thể đạt chuẩn và đủ điều kiện hoạt động; việc này cũng tránh tình trạng bị động hoặc xáo trộn của doanh nghiệp” ông Lâm khẳng định.

Cần đột phá chính sách

Khẳng định Luật Chăn nuôi được thông qua sẽ là một bước tiến trong ngành chăn nuôi, nhưng TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho rằng không thể trông chờ vào việc hình thành một Luật này để giải quyết những vấn đề căn bản của ngành chăn nuôi, ví dụ như an toàn thực phẩm, niềm tin của người tiêu dùng, cũng như tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất.

“Muốn thực sự giúp thay đổi mạnh mẽ ngành chăn nuôi, thúc đẩy sự cạnh tranh của ngành, cần có những đột phá trong chính sách, thể chế kèm theo những thay đổi quan trọng trong các Luật khác. Những điểm yếu trong khâu giống cần đổi mới về Luật Ngân sách, khoa học công nghệ; điểm yếu về sản xuất nhỏ lẻ thay đổi về Luật Đất đai, về hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư; điểm yếu về chuỗi giá trị cần cải thiện các Luật hiệp hội, về phát triển thị trường…”, ông Sơn khuyến nghị.

Đức Phúc

Nguồn: Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam

ĐỊNH, CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI:

 

Không nên thêm điều kiện đầu tư, kinh doanh trong ngành chăn nuôi

 

Chính phủ kiến tạo không nên đặt thêm điều kiện đầu tư kinh doanh mới cho ngành chăn nuôi. Để ra nhiều điều, khoản đặt ra các điều kiện mới, thủ tục mới trong đầu tư, kinh doanh tại Dự thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị cần rà soát lại. Muốn có thêm điều kiện thì Chính phủ phải trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư, mà luật này thì cũng mới được sửa. Đặt ra quá nhiều điều kiện có thể thuận lợi cho quản lý nhưng hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp.

TS NGUYỄN TẤT THẮNG, TỔNG THƯ KÍ HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM:

 

Cả nhà nước và doanh nghiệp cùng làm thị trường thì mới thành công

 

Doanh nghiệp phải vươn ra đầu tư, tự tìm hiểu và tham gia với Nhà nước để làm thị trường. Cả Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm thị trường thì mới thành công. Đặc biệt, Luật Chăn nuôi chắc chắn sẽ “đào thải” những cơ sở chăn nuôi thiếu đầu tư bài bản, làm ăn manh mún, chụp giật.

 

ĐẠI BIỂU NGUYỄN NHƯ SO, ĐOÀN ĐẠI BIỂU TỈNH BẮC NINH, CHỦ TỊCH HĐQT TẬP ĐOÀN DABACO:

 

Đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh việc quy định về xả thải cho phù hợp

 

Về việc quy định quản lý nước thải trong chăn nuôi tại khoản 5 Điều 45 Dự thảo luật đặt ra thách thức lớn ngay các trang trại. Hiện nay, chúng ta đang áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi theo quy chuẩn 62, quy chuẩn chất lượng nước mặt theo quy chuẩn 08. Những quy chuẩn này quá cao so với khả năng thực tế ứng dụng công nghệ và xử lý môi trường hiện nay dẫn đến các trang trại rơi vào tình trạng phạm luật, lãng phí nguồn tài nguyên dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng, vì nước thải chăn nuôi khác với nước thải công nghiệp.

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586