• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

MỘT SỐ GIỐNG BÒ THỊT Ở VIỆT NAM

 
 

  Chăn nuôi bò thịt là một nghề truyền thống lâu đời của nông dân Việt Nam.  Đàn bò trong nước cung cấp từ 4,5-5% tổng sản phẩm thịt do ngành chăn nuôi sản xuất, đáp ứng được 45-50% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tác giả xin giới thiệu một số giống bò thịt ở nước ta.

   Bò Vàng Việt Nam: Đây là giống bò nội, được phân bổ rộng, gọi tên theo địa danh địa phương như bò Thanh Hóa, Bò Nghệ An, Bò Lạng Sơn, bò Phú Yên…Đa số bò có màu vàng, vàng nhạt, màu cánh gián một số con thậm chí có màu đen nhạt, trắng nhạt. Bò không thể hiện thiên hướng sản xuất. Bò Vàng tầm vóc bé, khối lượng trưởng thành ở con cái 160-180 kg; ở con đực 230-250 kg. Bò có ưu điểm chịu đựng được kham khổ, khả năng chống bệnh tốt và thích nghi với nhiều vùng khí hậu khác nhau.

   Bò Red Sindhi:

Một số giống bò thịt ở Việt Nam

   Bò có có nguồn gốc từ vùng Sindhi, Pakistan. Bò có màu cánh gián hay nâu thẩm. Bò có khối lượng trưởng thành ở con cái 350-380 kg, con đực 450-500 kg. Bò được nhập đầu tiên vào Việt Nam năm 1923 với số lượng 80 con. Năm 1985-1987, 179 bò trong đó có 30 con đực tiếp tục được nhập với mục tiêu cải tạo đàn bò vàng Việt Nam theo chương trình Sind hóa đàn bò, tạo con lai làm nền cho chương trình bò sữa, bò thịt.

   Bò Sahiwal: Bò có nguồn gốc từ Pakistan. Bò có màu nâu đỏ, vàng hoặc vàng sẫm. Khi trưởng thành bò cái có khối lượng 360-390 kg, bò đực  470-500 kg. Bò Sahiwal có kết cấu và ngoại hình tương đối giống với Red Sinhi nhưng bầu vú phát triển hơn một chút. Năm 1987, 21 bò Sahiwal (trong đó có 5 bò đực) đầu tiên được nhập vào với mục tiêu tham gia vào chương trình cải tạo đàn bò nội.                                               

Một số giống bò thịt ở Việt Nam

   Bò Lai Sind: Giống bò này là kết quả tạp giao giữa bò Red Sindhi hoặc bò Sahiwal với bò Vàng Việt Nam. Tỷ lệ máu lai rất khó xác định vì có sự thay đổi rất lớn giữa các cá thể, giữa các vùng, miền. Vì vậy, ngoại hình chúng cũng thay đổi theo tỷ lệ máu các bên tham gia. Khối lượng trưởng thành của Lai Sind ở con cái 250-350 kg, con đực 400 – 450 kg. Lai Sind chịu đựng được kham khổ, khả năng chống bệnh cao, thích nghi tốt với khí hậu nóng ẩm.

   Bò Brahman: Brahman là giống bò thịt nhiệt đới. Bò Brahman có màu trắng tro hoặc màu nâu, màu vàng đỏ. Khi trưởng thành con cái có khối lượng 450- 630 kg, con đực 680- 900 kg. Tăng trọng lúc 6-12 tháng tuổi khoảng 900-1.000 g/ngày. Tỷ lệ thịt xẻ 52-58%. Brahman nhập về nước ta từ Australia trong những năm 2003-2005. Sau này, nhiều đực giống Brahman được nhập từ Mỹ. Mục tiêu nhập Baraman để nhân thuần và cho lai với bò cái Lai sind để tạo con lai hướng thịt hoặc làm nền lai với các giống bò chuyên dụng thịt khác.

   Bò Lymous:  Lymousin là giống bò chuyên thịt của Pháp có màu lông đỏ sẫm. Bò khi trưởng thành có khối lượng 1.000-1.300 kg ở con đực và 650- 800kg ở con cái. Nếu nuôi dưỡng tốt, tăng trọng khoảng 1.300 – 1.400 g/ngày, khi 12 tháng tuổi, con đực đạt 500- 550 kg, con cái 350-380 kg. Tỷ lệ thịt xẻ lúc 14-16 tháng tuổi đạt 68 -71%. Bò đực thuần Lymousin đã nhập vào Việt Nam từ Cu Ba ở những năm 1990 theo chương trình hợp tác phát triển bò thịt giữa hai chính phủ. Tinh đông lạnh giống bò này cũng đã được nhập vào nước ta theo chương trình bò thịt năm 1987-1992. Sử dụng tinh bò Lymousin lai tạo với bò cái nền lai Zebu tạo con lai hướng thịt.

   Bò Red Angus và Black Angus: Đây là hai giống bò chuyên thịt có nguồn gốc từ Scotland. Bò không có sừng, sắc lông màu đỏ sẫm hoặc đen tuyền không lẫn lộn. Khi trưởng thành, bò đực có khối lượng 900 -1.200 kg, bò cái 700 – 800 kg. Khi nuôi dưỡng tốt bò tăng trọng 1.200 -1.400g/ngày, sau một năm tuổi bò đực đạt 520- 550kg, bò cái 350 – 380 kg. Tỷ lệ thịt xẻ xẻ đạt 62-66% ở 16-18 tháng tuổi. Tinh đông lạnh của giống bò này được nhập vào nước ta trong chương trình cải tạo đàn bò theo hướng thịt từ những năm 2001 -2005. Bò đực giống Red Angus thuần được nhập vào nước ta theo chương trình cải tạo giống bò thịt theo hướng  chất lượng cao năm 2010 -2015.

Một số giống bò thịt ở Việt Nam

   Bò Drought Master: Giống bò thịt nhiệt đới được tạo ra ở Australia bằng cách lai giữa bò Shorthorn với bò Brahman. Bò có màu lông đỏ hoặc đỏ vàng. Lúc trưởng thành bò đực có khối lượng 900 -1.000 kg, bò cái từ 600- 700 kg. Lúc 1 năm tuổi con đực có thể đạt 450 – 480 kg, con cái đạt 320-350 kg. Bò Drought Master nếu nuôi dưỡng tốt tăng trong khoảng 1.000- 1.300g/ngày. Tỷ lệ thịt xẻ 58-60% khi giết thịt 14-16 tháng tuổi. Việt Nam nhập giống này từ Australia vào năm 2002-2003 với mục tiêu nhân thuần và lai tạo với nền lai ZEBU (gồm bò Lai sind và lai Brahman) tạo con lai hướng thịt.

   Bò Hereford: Hereford là giống bò chuyên thịt của Anh, được tạo ra từ thế kỷ XVIII ở đảo Hereford bằng chọn lọc và nhân giống thuần chủng giống bò địa phương. Khi trưởng thành con cái có khối lượng 750 – 800 kg, con đực 1.000 -1,200 kg. Nuôi dưỡng tốt Hereford tăng trong 1.300 -1.500 g/ngày. Khi 1 năm tuổi khối lượng con cái 350-400 kg, con đực 500-550 kg. Tỷ lệ thịt xẻ đạt 67-68% khi giết thịt 14-16 tháng tuổi. Hereford có màu lông đỏ, riêng đầu , ngực, dọc bụng và bốn chân có đốm trắng. Nước ta chưa nhập Hereford thuần nhưng đã nhập tinh bò này trong chương trình bò thịt từ những năm 1987-1992. Sử dụng tinh bò Hereford lai tạo với bò cái nền lai ZEBU (gồm bò Lai sind và lai Brahman) tạo con lai hướng thịt.

   Bò Charolais: Charolais là giống bò chuyên thịt của pháp, được tạo ra ở vùng Charolais. Bò có lông màu trắng, ánh kem. Khi trưởng thành, bò đực có khối lượng 1.000 – 1.400 kg, bò cái 700 – 900 kg. Nuôi dưỡng tốt, bò có thể tăng trọng 1,400 – 1.500g/ngày. Lúc 1 năm tuổi bò đực có khối lượng 480 – 550 kg, bò cái  380 – 400 kg. Tỷ lệ thịt xẻ lúc giết thịt 14-16 tháng tuổi là 65-69%. Năm 1986, một bò Chorolais thuần lần đầu tiên được sinh ra tại nông trường Phi Vàng, tỉnh Lâm Đồng bằng phôi đông lạnh. Tinh đông lạnh của bò đực giống Sharolais được nhập vào nước ta theo chương trình bò thịt từ những năm 1987-1992. Sử dụng tinh bò Charolais lai tạo với bò cái nền Lai Sind hoặc lai ZEBU tạo con lai hướng thịt.

   Bò B.B.B. (Blanc-Bleu-Belge): Bò B.B.B là giống bò chuyên thịt của Bỉ. Màu lông của bò chủ yếu là Trắng, Trắng đốm xanh hoặc đen. Bò có cơ bắp rất phát triển. Khi trưởng thành, bò đực có khối lượng 1.100 – 1.200 kg, bó cái 700 -750 kg. Khi nuôi dưỡng tốt, bò có thể tăng trọng 1.200 – 1.300 g/ngày, khi 1 năm tuổi, bò đực đạt khoảng 480 -500 kg, bò cái 3650 -380 kg. Tỷ lệ thịt xẻ đạt 66-68% lúc 16-18 tháng tuổi. Lần đầu tiên, tinh bò B.B.B được nhập vào nước ta theo chương trình cải tạo đàn bò năm 1996-2000. Năm 2016, bò thuần B.B.B đã được ra đời từ phôi đông lạnh nhập khẩu, cũng năm này (2016) 5 bò đực B.B.B thuần đã được Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội nhập khẩu. Hiện nay, tinh bò B.B.B đã được sản xuất tại Việt Nam. Chương trình tạo con lai (B.B.B x Cái ZEBU hoặc cái lai ZEBU) sản xuất thịt đã được phát triển hầu khắp các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

   Bò Senepol: Senepol là giống bò có nguồn gốc từ Na Uy, sau này phát triển nhiều tai châu Mỹ. Cuối năm 2017 đầu 2018 giống bò này đã được nhập về Việt Nam. Bò khi trưởng thành có khối lượng ở con đực 650 -700 kg, con cái 450-500kg. Bò có ưu điểm mắn đẻ (một năm  1 lứa), chống chịu các loại ký sinh trùng và khí hậu nhiệt đới. Đây là giống bò có khả năng phù hợp và chịu đựng tốt trong điều kiện chăn nuôi thực tế của Việt Nam.

   Trên cơ sở có các giống nêu trên, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ lai tạo, tạo con lai hướng thịt phục vụ nhu cầu  thịt ngày càng cao của người dân. Mục tiêu của lai tao: Nâng cao khối lượng của cơ thể, tăng khả năng cho thịt của con lai; Tạo đàn cái nền phục vụ cho chương trình sữa hoặc bò chuyên thịt.

Quy mô, phương thức chăn nuôi

   Theo kết quả Tổng điều tra về nông nghiệp 01/7/2016, toàn quốc có 2,35 triệu hộ chăn nuôi bò, 32,3 nghìn hộ chăn nuôi bò sữa. Trên cơ sở theo dõi và tính toán của chúng tôi, trên 5,655 triệu bò hiện đang nuôi trong toàn quốc có: Trên 85% số bò được nuôi phân tán tại các hộ nông dân, quy mô 1-10 con; Chăn nuôi gia trại quy mô 10-100 con chiếm khoảng 10 – 12% đàn bò. Loại hình này có trong phạm vi toàn quốc; Trang trại chăn nuôi quy mô từ 100 con trở lên được tập trung nhiều tại các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, các tỉnh miền Trung, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và trong những năm gần đây phát triển ở các tỉnh phía Bắc. Loại hình này chiếm khoảng 3- 5% tổng đàn bò.

PGS.TS Hoàng Kim Giao

Nguồn: Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586