Ba Vì là huyện có thế mạnh chăn nuôi quy mô lớn của thành phố Hà Nội. Nhờ diện tích tự nhiên rộng lớn, lại dồi dào các nguồn phụ phẩm phục vụ chăn nuôi, trong đó mô hình chăn nuôi bò thịt Wagyu đã nhanh chóng trở thành ngành sản xuất chính của toàn huyện. Tuy nhiên, để người dân yên tâm phát triển chăn nuôi, nâng cao giá trị kinh tế, bảo đảm vệ sinh môi trường theo chuẩn nông thôn mới, rất cần sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp trong mọi quy trình.
Phát huy thế mạnh của địa phương
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Ba Vì, địa phương có 15 trong số 31 xã chăn nuôi bò thịt với tổng đàn hơn 20 nghìn con. Các xã có tổng đàn bò thịt hơn 1.000 con là Minh Châu, Thụy An, Vật Lại, Ðồng Thái, Sơn Ðà, Tòng Bạt, Minh Quang, Khánh Thượng… Với hơn 35 mô hình trang trại có quy mô từ 20 con trở lên. Ðiểm nổi bật trong phong trào phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện chính là công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò cái sinh sản và bê lai.
Chăn nuôi bò sữa ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì). Ảnh: SƠN TÙNG
Chỉ tính riêng tại xã đảo Minh Châu, với khoảng 30 km2 trồng cỏ, trong đó diện tích trồng cỏ voi là hơn 60 ha, đã giúp cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho hơn 3.000 con bò. Trong đó có 2.200 bò cái sinh sản, và hơn 300 con bò sữa cho sản lượng hơn 2 tấn sữa/ ngày. Nhờ đó, mức thu nhập trung bình của các hộ dân xã đảo đã đạt hơn 20 triệu đồng/hộ/năm. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ chăn nuôi đạt hơn 55%. Trao đổi với chúng tôi về nguồn lợi kinh tế gia đình có được từ khi chuyển sang nuôi bê lai, chị Nguyễn Thị Thắm, khu 5 – xã Minh Châu vui vẻ cho biết: Gia đình vừa bán bê con Wagyu nuôi được 4,5 tháng, nặng 166 kg, thu được hơn 18 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với giá bán cho thương lái. Tôi vui lắm! Với số tiền này, gia đình tôi có thể mua sắm nhiều vật dụng cần thiết cho cuộc sống.
Trên thực tế, để phát triển mạnh chăn nuôi bò thịt và thịt bò có chất lượng cao thì vấn đề giống có vai trò quyết định thông qua giải pháp nâng cao tỷ lệ bò lai. Kết quả lai tạo sẽ giúp nâng cao thể trạng và chất lượng đàn bò hiện có, nhất là với các giống bò lai theo hướng chuyên thịt. Tại huyện Ba Vì đã có nhiều dự án phát triển đàn bò thịt với các giống bò lai tạo được đưa vào cải tạo đàn bò thịt như Wagyu, Sind, Rahman, Angus, Droughmaster. Ghi nhận chung, bước đầu cho nguồn lợi kinh tế cao cho nên người nông dân rất phấn khởi và yên tâm sản xuất.
Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm
Nhờ dự án phát triển đàn bò thịt với các giống bò lai tạo, huyện Ba Vì đã sớm hình thành chuỗi sản xuất khép kín để tránh tình trạng “được mùa rớt giá” thường xảy ra với các mặt hàng nông sản hiện nay. Nhận vai trò là đầu mối cho chuỗi sản xuất khép kín trong chăn nuôi bò thịt, Trung tâm Phát triển chăn nuôi (PTCN) Hà Nội đã nghiên cứu và triển khai các mô hình chăn nuôi bò thịt trên địa bàn thành phố nói chung và huyện Ba Vì nói riêng. Theo ông Hà Tiến Nghi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm PTCN Hà Nội, trong thời gian qua trung tâm đã triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển chăn nuôi của Hà Nội nhằm hướng đến sự ổn định và bền vững. Tất cả các đơn vị chăn nuôi hầu hết đều theo chuỗi, riêng đối với chăn nuôi bò của thành phố hướng đến chăn nuôi công nghệ, chất lượng cao phù hợp nhu cầu hiện nay. Từ năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã giao trung tâm triển khai giống bò mới trên 19 xã trọng điểm. Theo đó, từng con bò đều có phiếu ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi người tiêu dùng có yêu cầu. Và Công ty cổ phần T&T 159 là đầu mối thu mua chính trên địa bàn hiện nay. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ bảo đảm nguồn gốc xuất xứ của bê con cho người nông dân. Khi bê đạt cân nặng nhất định sẽ được phía Công ty cổ phần T&T 159 thu mua công khai theo cân nặng với giá con bê đực là 110 nghìn đồng/kg (đối với con bê đạt dưới 160 kg) và con bê cái là 95 nghìn đồng/ kg.
Nhờ có quy trình chăn nuôi bài bản, giống bò lai phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, cho nên nguồn lợi từ việc chăn nuôi bò thịt đã và đang góp phần phát triển kinh tế địa phương là điều không thể phủ nhận tại nhiều xã trong huyện Ba Vì hiện nay. Ông Hoàng Văn Truyền, khu 1, xã Minh Châu, cho biết, trước kia gia đình ông nuôi giống bò đỏ có giá trị không cao, thu nhập thấp và bị thương lái ép giá mua theo hình thức áng chừng. Từ khi được Trung tâm PTCN Hà Nội khuyến khích chuyển sang nuôi bò Wagyu dễ chăm sóc, chất lượng thịt cao còn được phía công ty mua, bán công khai cho nên gia đình đã có lãi.
Hiện chăn nuôi bò thịt đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều hộ dân trong huyện Ba Vì. Sau 5 năm triển khai mô hình chăn nuôi khép kín, đã chứng minh đây là hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đối với một huyện miền núi. Nuôi bò lấy thịt đã và đang góp phần gia tăng giá trị cuộc sống của người nông dân, trở thành động lực để địa phương sớm cán đích trong xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng cho biết, địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích bà con nuôi tiếp giống bò Wagyu bởi mang lại thu nhập cao hơn các giống bò khác từ 15 đến 20%.
Sự vào cuộc của chính quyền đã thêm động lực giúp ngành chăn nuôi của huyện Ba Vì trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của TP Hà Nội. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội Nguyễn Huy Ðăng, trước mắt để ổn định chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện Ba Vì, Sở sẽ tiếp tục tìm thêm các doanh nghiệp để tạo đầu ra cho bà con. Sở giao Trung tâm PTCN Hà Nội tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, xây dựng mô hình điểm, đồng thời nhân rộng những mô hình có hiệu quả. Về lâu dài, Sở sẽ yêu cầu công ty thu mua T&T 159 phối hợp Trung tâm PTCN Hà Nội sớm có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhằm nâng cao giá trị cho ngành chăn nuôi. Cùng với đó, tiến hành hướng dẫn cụ thể trong quy hoạch khu chăn nuôi tập trung không chỉ có chuồng trại sạch sẽ mà đặc biệt phải có khu xử lý chất thải tập trung, công nghệ hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Hy vọng, với những giải pháp đồng bộ và bài bản nêu trên, chăn nuôi bò thịt tại huyện Ba Vì sẽ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, từng bước hướng đến chuỗi giá trị bền vững.