Dịch tả lợn Châu Phi không chỉ gây nhiều tác động tới chăn nuôi lợn mà tới cả tăng trưởng của ngành chăn nuôi.
Làm sao để chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng, giữ vững thị phần trong tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp. Báo NNVN đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi về vấn đề này.
Ông Nguyễn Xuân Dương |
Theo ông Dương, với sự lây lan mạnh của dịch tả lợn Châu Phi, năm nay, chắc chắn đàn lợn cả nước sẽ giảm, sản lượng lợn sẽ giảm, giá sẽ tăng vào cuối năm. Trong tình hình đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo ngành chăn nuôi vẫn phải giữ vững được thị phần chăn nuôi (hiện chiếm khoảng 20-25%) trong tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Thưa ông, lợn đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chăn nuôi nước ta. Do đó, việc tổng đàn bị giảm do dịch tả lợn Châu Phi, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng của ngành chăn nuôi?
Nếu tổng đàn lợn, sản lượng thịt lợn bị giảm nhiều do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, thì ngoài việc ảnh hưởng đến cung – cầu thực phẩm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng chung của ngành.
Trước tình hình đó, cần phải đẩy mạnh các giải pháp thay thế nguồn cung thịt lợn bằng cách điều tiết lại cơ cấu chăn nuôi. Việc đẩy mạnh các giải pháp thay thế, không phải bây giờ do có dịch tả lợn Châu Phi thì mới đặt ra, mà ngành chăn nuôi đã đặt vấn đề từ nhiều năm trước. Nhưng vì tập quán chăn nuôi, thói quen tiêu dùng, làm cho việc thực hiện diễn ra chậm. Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đã vào Việt Nam và gây nhiều thiệt hại cho chăn nuôi lợn, thì việc điều tiết lại cơ cấu ngành chăn nuôi cần phải được thúc đẩy nhanh hơn.
Cơ cấu chăn nuôi hiện tại của Việt Nam cần phải được thay đổi như thế nào?
Cơ cấu chăn nuôi của Việt Nam đang rất mất cân đối. Ở các nước phát triển, trong cơ cấu chăn nuôi, lợn chỉ chiếm 20-25%, gia cầm chiếm 40% và gia súc ăn cỏ từ 30-35%. Còn ở ta, lợn chiếm tới 65-70%, gia cầm chiếm 20-25%, gia súc ăn cỏ chỉ chiếm 6-8%.
Rõ ràng, đây không phải là cơ cấu thông minh và hợp lý. Bởi về sinh học, vòng đời của gà là ngắn nhất (42 ngày), chi phí tăng trọng rẻ nhất (1,5-1,6 kg thức ăn cho 1 kg tăng trọng). Trong khi đó, lợn nuôi tới 6 tháng, chi phí cho 1 kg tăng trọng lên tới 2,5 kg thức ăn. Chưa kể áp lực về môi trường trong chăn nuôi lợn là rất lớn.
Từ sự mất cân đối nói trên, cộng với áp lực của dịch tả lợn Châu Phi, chúng ta cần phải thay đổi cơ cấu chăn nuôi ngay trong năm 2019 và trong nhiều năm tới.
Theo đó, sẽ phải điều chỉnh mức tăng trưởng của chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ. Năm ngoái chúng ta tăng trưởng 6%, đạt 1,15 triệu tấn thịt gia cầm, năm nay phải đưa lên trên 10% và đạt trên 1,5 triệu tấn. Trứng năm ngoái tăng 9% đạt trên 11,8 tỷ quả, năm nay đặt mục tiêu đạt 12,7-12,8 tỷ quả. Trâu bò năm 2018 tăng 4% và đạt 420 ngàn tấn. Năm nay đặt mục tiêu tăng 6% và đạt 450 ngàn tấn.
Cơ sở nào để đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm và gia súc ăn cỏ nhằm giảm bớt vai trò của con lợn, thưa ông?
Với gia cầm, dịch bệnh hiện đã kiểm soát được. Chúng ta lại đã có sẵn nguồn giống tốt và các quy trình, công nghệ chăn nuôi hiện đại, năng lực sản xuất gia cầm hiện đã khá mạnh. Chỉ cần phải làm tốt hơn về thị trường cho các sản phẩm gia cầm, trong đó ưu tiên hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.
Điều đáng mừng là ngày càng có thêm những công ty lớn bắt tay tham gia xuất khẩu thịt gia cầm. Nếu xuất khẩu ngày càng gia tăng thì sẽ đẩy mạnh được sản xuất gia cầm trong nước. Với thị trường trong nước thì tăng cường tuyên truyền thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng tăng sử dụng các sản phẩm gia cầm, nhằm làm đa dạng, phong phú hơn nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Hiện nay, ở Hà Nội, đã có nhiều hộ tăng sử dụng thịt gà và giảm bớt thịt lợn so với trước đây.
Với gia súc ăn cỏ, không gian thị trường trong nước về thịt đỏ và sữa đang rất rộng. Sản lượng thịt gia súc ăn cỏ chưa đáp ứng được tiêu dùng trong nước. Mỗi năm, nước ta vẫn đang chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu sữa nguyên liệu để chế biến đáp ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Vừa rồi Việt Nam đã ký Nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sữa sang nước này. Đây là thị trường rất lớn về tiêu thụ sữa. Như vậy, Việt Nam đang có dư địa lớn để phát triển đàn gia súc ăn cỏ.
Vấn đề đặt ra là Việt Nam có phát triển được gia súc ăn cỏ hay không? Trước đây, nhiều chuyên gia chăn nuôi cho rằng Việt Nam khó phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ vì không có cánh đồng, không có khí hậu mát mẻ. Nhưng với những công nghệ mới về giống, chuồng trại, dinh dưỡng…, những hạn chế đó đều đã được khắc phục. Bằng chứng bản đồ về chăn nuôi gia súc ăn cỏ đã được thay đổi một cách rõ rệt trong những năm qua.
Chăn nuôi gia súc ăn cỏ – Việt Nam có nhiều lợi thế và dư địa. |
Chẳng hạn, ở Nghệ An, gió Lào nóng như vậy mà TH True Milk vẫn nuôi được hàng chục ngàn con bò sữa với năng suất hơn 8 tấn/chu kỳ, cao nhất Việt Nam và cao hơn so với tất cả các nước trong khu vực.
Công ty T&T 159 đang nuôi 20 ngàn con bò thịt ở Hòa Bình, bao gồm bò trong trang trại của công ty và bò liên kết với hàng loạt nông hộ. Đây là một mô hình rất tốt vì hoàn toàn sử dụng phụ phẩm. Toàn bộ rơm của Hòa Bình và Hà Nội, trước kia đem đốt gây ô nhiễm môi trường, giờ được tận dụng hết để nuôi bò.
Thậm chí có lúc lúa xấu, lúa giá rẻ, người ta cắt luôn tới tận gốc đưa về trang trại bò. Phần trên cây lúa làm thức ăn cho bò. Phần dưới không ăn được, chuyển thành đệm lót sinh học để xử lý môi trường, sau đó làm phân vi sinh cho cây trồng. Có những lúc doanh thu từ phân ngang với doanh thu từ thịt bò.
Nước ta, riêng về sản xuất lúa, mỗi năm đã có khoảng 45 triệu tấn rơm, ngoài ra còn một khối lượng lớn các phụ phẩm, phế phẩm trồng trọt khác, là nguồn thức ăn khá dồi dào cho trâu bò.
Như vậy, với những công nghệ mới về giống, chuồng trại, dinh dưỡng…, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển tốt đàn gia súc ăn cỏ.
Xin cảm ơn ông!