• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

PHÚC LỢI ĐỘNG VẬT (P3): NHỮNG PHẠM VI TRONG CHĂN NUÔI HIỆN ĐẠI

 

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Với sự phát triển mạnh mẽ gần đây của khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi đã được hiện đại hóa và cho ra đời nhiều hệ thống chăn nuôi thâm canh cho năng suất cao. Tuy nhiên, chính quá trình hiện đại hóa về kỹ thuật và thương mại hóa vì lợi nhuận đã làm cho ngành chăn nuôi ngày càng trở nên vô nhân đạo hơn, trong đó có vô nhân đạo với chính đối tượng chăn nuôi, tước bỏ đi những phúc lợi cơ bản của con vật (Broom & Fraser, 2007).

Không kể hết được những vi phạm về phúc lợi động vật trong chăn nuôi hiện đại, sau đây chỉ là vài ví dụ về hậu quả của quá trình chọn lọc nhân tạo, nuôi dưỡng thâm canh, hiện đại hóa chuồng trại và quy trình chăn nuôi.

Quá trình chọn giống vật nuôi của con người đã tạo ra những giống vật nuôi hiện đại cho năng suất cao nhưng không còn được “tự nhiên” như tổ tiên của chúng. Chẳng hạn, bò sữa đã được chọn lọc để sản xuất nhiều sữa, vượt xa nhu cầu bình thường của một con bê. Một con bò sữa hiện đại có thể chứa dăm bảy chục lít sữa trong một bầu vú to quá cỡ. Điều này có thể bắt buộc chân sau của bò ở vị trí không tự nhiên, làm cho đi lại khó khăn, nằm xuống khó khăn, không thoải mái và có thể bị què.

Phúc lợi động vật (P3): Những vi phạm trong chăn nuôi hiện đại

Vật nuôi nuôi thâm canh bị stress rất nặng về trao đổi chất do phải ăn và chuyển hóa nhiều dinh dưỡng để đảm bảo cho nhu cầu sản xuất cao với nhiều tác động tiêu cực tới phúc lợi

Về mặt dinh dưỡng, vật nuôi nuôi thâm canh bị stress rất nặng về trao đổi chất do phải ăn và chuyển hóa nhiều dinh dưỡng để đảm bảo cho nhu cầu sản xuất cao với nhiều tác động tiêu cực tới phúc lợi (Webster, 1994). Chẳng hạn, bò sữa cao sản do phải ăn nhiều thức ăn tinh nên thường toan hóa dạ cỏ (rumen acidosis), cấp tính có thể dẫn đến chết ngay hoặc mạn tính sẽ dẫn đến nhiều bệnh tật về chân móng, các bệnh về sinh sản… Trong điều kiện sống tự nhiên, bò có thể sống đến hai mươi năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, những con bò sữa cao sản hiện nay chỉ có thể sống bằng một phần tư thời gian đó. Chúng thường bị loại thải để giết thịt sau vài ba chu kì tiết sữa vì lý do sức khỏe, chủ yếu là do hậu quả của rối loạn về dinh dưỡng.

Về chuồng trại, chăn nuôi công nghiệp đã biến chuồng nuôi thành xưởng máy (factory farming), ở đó vật nuôi chỉ là cỗ máy để biến nguyên liệu là thức ăn thành các sản phẩm chăn nuôi mà không được hưởng các phúc lợi cần thiết. Gà đẻ trứng công nghiệp là một ví dụ. Theo ước tính hiện có khoảng 60% sản lượng trứng gà trên toàn thế giới được sản xuất trong các hệ thống chăn nuôi công nghiệp, hầu hết sử dụng chuồng lồng. Ở châu Âu (trước 2012), một lồng nuôi 5 con gà đẻ có không gian cho phép trên một cá thể nhỏ hơn một tờ giấy A4. Chiều cao của lồng chỉ đủ để gà đứng. Tại Mỹ, không gian đó thậm chí còn hẹp hơn. Lồng thường có sàn dốc bằng lưới kim loại và được kết thành dãy với vài ba tầng xếp chồng lên nhau. Mỗi một dãy nhốt hàng nghìn con gà đẻ. Gà nuôi trên lồng như thế chỉ biết ăn và đẻ cho đến chết mà có thể không bao giờ được hưởng ánh sáng tự nhiên hoặc không khí trong lành và không thực hiện được các tập tính tự nhiên như vỗ cánh, bới đất, tắm bụi…

Trong điều kiện tự nhiên, heo nái sống thành từng nhóm nhỏ cùng với con của chúng. Chúng sử dụng phần lớn thời gian để tìm và giũi thức ăn. Tuy nhiên, trong chăn nuôi công nghiệp heo nái mang thai và nuôi con được nuôi trong lồng (cũi nái) bằng kim loại trong suốt thời gian mang thai và nuôi con bú. Cũi hẹp đến mức heo không thể quay đầu và chỉ có thể đứng lên và nằm xuống một cách rất khó khăn, không thể đi ra ngoài nên không thể có các hoạt động tự nhiên và tiếp xúc với những con khác cùng đàn. Ô chuồng chật hẹp là nguyên nhân làm cho heo phải trải qua những đau đớn về thể chất và tinh thần, bao gồm sự què quặt do xương và cơ yếu, da bị trầy xước, những vấn đề về tim mạch, tiêu hóa và những vấn đề về tiết niệu. Ô chuồng cũng làm gia tăng những tập tính khác thường của heo như nhai giả và gặm thanh chắn, biểu hiện của sự bất lực và căng thẳng.

Trên thực tế, có rất nhiều vấn đề nghiệm trọng về phúc lợi động vật ở Việt Nam đối với cả ba nhóm động vật là vật nuôi trong nhà, động vật nông nghiệp và động vật hoang dã. Một bộ phận trong cả ba nhóm động vật này đều đang bị đối xử tồi tệ, không được đảm bảo các nhu cầu sống tối thiểu để duy trì bản năng tự nhiên. Bên cạnh đó vẫn còn có các lễ hội trong đó có cảnh giết dã man động vật để hiến tế. Việc hành hạ vật nuôi trong quá trình vận chuyển và giết mổ vẫn chưa được kiểm soát. Gần đây Chính phủ Australia đã hạn chế xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam sau khi cảnh giết thịt bò tàn bạo trong các lò mổ bị một nhóm bảo vệ động vật công bố. Đó cũng là vì qua điều tra của tổ chức Animals Australia thì chỉ có 2 trong số 13 lò mổ ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn của Australia về phúc lợi động vật (Báo Mới, 2016).

Phúc lợi động vật (P3): Những vi phạm trong chăn nuôi hiện đại

Bảo vệ động vật ở Việt Nam đang dần có những chuyển biến đáng ghi nhận

Tuy nhiên, gần đây việc bảo vệ động vật ở Việt Nam đang dần có những chuyển biến đáng ghi nhận. Ngày càng có nhiều hội, nhóm hoạt động cứu trợ động vật trong nước và quốc tế hoạt động; những hội thảo chuyên đề về bảo vệ động vật cũng đã được tổ chức thường xuyên hơn và gây được những kết quả đáng khích lệ. Giới trẻ Việt Nam ngày càng năng nổ trong các hoạt động vì động vật. Việc vận động không sử dụng sừng tê giác, không sử dụng mật gấu, không giết hại động vật hoang dã đã có tác động tích cực đối với một bộ phận không nhỏ công chúng. Một số lễ hội, hoạt động liên quan tới sự tàn sát, đối xử ngược đãi động vật đã bị lên án rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Một số tổ chức bảo vệ động vật và vườn thú đang cố gắng soạn thảo các tiêu chuẩn phúc lợi động vật cho động vật hoang dã nuôi nhốt ở Việt Nam.

Về đào tạo, từ năm 2008 một nhóm các giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, được sự hỗ trợ của Tổ chức bảo về động vật Thế giới đã bắt đầu triển khai dịch và giới thiệu vào các trường đại học của Việt Nam Bộ bài giảng (CAW) gồm 33 modun về phúc lợi động vật do Tổ chức này chủ trì biên soạn (WSPA, 2007). Hàng năm gần đây đều có các cuộc hội thảo về giảng dạy phúc lợi động vật được tổ chức ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số trường đại học khác. Đến nay hầu hết các trường đại học có chương trình đào tạo về chăn nuôi hay thú y đều đã có nội dung giảng dạy về phúc lợi động vật, có thể dưới dạng học phần (toàn bộ hay một phần) bắt buộc hay tự chọn. Cũng đã có nghiên cứu sinh làm đề tài về phúc lợi động vật.

Về luật pháp, lần đầu tiên Luật thú y của Việt Nam

Về luật pháp, lần đầu tiên Luật thú y của Việt Nam đã được thông qua (Quốc hội, 2015) và có hiệu lực từ 1 tháng 7 năm 2016. Trong luật này đã có 1 Điều nói về phúc lợi động vật, tuy chỉ mới ở phạm vi đối xử với động vật. Đó là Điều 21, quy định:

“1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật có trách nhiệm sau đây:

  1. a) Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật;
  2. b) Giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học;
  3. Tổ chức, cá nhân nuôi động vật làm cảnh, nuôi bảo tồn đa dạng sinh học có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật này.”

Ở Việt Nam cho đến nay chưa có các hội đồng về phúc lợi/đạo đức động vật để cấp phép cho việc nghiên cứu trên động vật. Đó là một trở ngại cho việc hội nhập trong nghiên cứu và công bố quốc tế về chăn nuôi và thú y. Nhận thức được điều này tháng 8 năm 2016, đại diện một số trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam đã nhóm họp tại Đà Nẵng để thảo luận và đề xuất việc thành lập Hội đồng phúc lợi/đạo đức động vật ở cấp quốc gia và cấp cơ sở nhằm tạo điều kiện cho việc nghiên cứu khoa học trên các đối tượng động vật theo đúng thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý cho việc này cũng còn gặp khó khăn.

Kết luận

Phúc lợi động vật là một khái niệm phức tạp liên quan đến cả thể chất, tinh thần và tính tự nhiên của con vật. Đó là mối quan tâm toàn cầu vì nó có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với con vật mà cả đối với con người, xã hội và môi trường. Việc đảm bảo phúc lợi động vật vì thế mà liên quan đến cả đạo đức, khoa học, giáo dục và luật pháp.

Ngành chăn nuôi thế giới đã được công nghiệp hóa, đem lại năng suất và lợi nhuận kinh tế cao, nhưng mặt trái của nó là có quá nhiều vấn đề về phúc lợi động vật. Chính vì thế, chăn nuôi công nghiệp “hiện đại” đang được chuyển hướng sang chăn nuôi văn minh, trong đó ngoài lợi ích kinh tế của người chăn nuôi còn nhấn mạnh đến lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và phúc lợi vật nuôi.

Ở Việt Nam, phúc lợi động vật là một khái niệm còn mới mẻ, chưa phải là một bộ phận cấu thành truyền thống trong chương trình giáo dục và đào tạo, chưa được quan tâm nhiều trong nghiên cứu khoa học cũng như thực hành chăn nuôi-thú y. Tuy nhiên, gần đây nhận thức và thái độ của cộng đồng, người chăn nuôi, giới học thuật và giới lập pháp về phúc lợi động vật đang được cải thiện cùng với sự phát triển của xã hội. Để phát triển hơn nữa và hội nhập được với thế giới thì nhất thiết chúng ta phải đưa phúc lợi động vật vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu cũng như áp dụng trong thực tiễn sản xuất và xã hội.

Nguyễn Xuân Trạch

Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: Hội nghị Khoa học toàn quốc Chăn nuôi  – Thú y 2017

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586