(Người Chăn Nuôi) – Một trong những điểm mới của Luật Chăn nuôi vừa được ban hành chính là đưa vào các quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Các khái niệm cơ bản
Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2020. Đây là Bộ luật hàm chứa nhiều nội dung đổi mới có tính đột phá cho chiến lược phát triển và hội nhập của ngành chăn nuôi Việt Nam, trong đó, có nội dung về đối xử nhân đạo với vật nuôi (Animal welfare). Hiện nay trên thế giới (chủ yếu là châu Âu và Bắc Mỹ) có 3 cách tiếp cận như sau:
Đồ họa: Nguyễn Hùng
– Về đạo đức: Động vật được coi là sinh linh sống, chúng có linh hồn và cảm nhận, vì vậy con người cần đối xử nhân đạo với động vật. Có một mối liên hệ giữa việc ngược đãi động vật với việc hình thành tính cách thô bạo, hung hãn của con người trong gia đình và ngoài xã hội. Vì vậy, khi đối xử nhân đạo với động vật sẽ giúp hình thành các tính cách tốt, tính nhân đạo cho con người, đặc biệt tốt đối với trẻ em.
– Về khoa học: Động vật, đặc biệt là loài động vật có vú và loài chim là sinh vật sống có tri giác, có hệ thần kinh trung ương, vì vậy nhóm động vật này có cảm nhận sinh học về sự đau đớn, đói khát, vui buồn. Con người cần đối xử để giảm sự đau đớn không cần thiết và tạo sự thoải mái để con vật thể hiện tập tính tự nhiên của chúng.
– Về luật pháp: Động vật là vật sở hữu bởi con người, trong đó, con người có thể đưa ra các quyền quyết định về sản xuất, khai thác, nghiên cứu… nhằm phục vụ mục đích khác nhau. Ở góc độ này, những con vật được con người nuôi dưỡng, chăm sóc thì có thể khai thác một cách phù hợp; Với động vật hoang dã thì con người hạn chế hoặc không được phép bắt giữ, đối xử tàn bạo, khai thác quá mức dẫn đến tổn hại hệ sinh thái.
Hiện nay, mặc dù vẫn còn nhiều tranh luận và mức độ áp dụng trong thực tiễn khác nhau, tuy nhiên cả châu Âu và Bắc Mỹ đã khá thống nhất về 3 khái niệm phúc lợi động vật, bảo vệ động vật và quyền động vật. Các khái niệm được mô tả như sau:
– Phúc lợi động vật (animal welfare): Là những điều kiện về nuôi, giữ và khai thác phù hợp mà con người áp dụng nhằm đảm bảo vật nuôi không bị đói, không bị khát, không bị suy dinh dưỡng và có thể biểu hiện được tập tính của chúng; Giảm hoặc không gây đau đớn không cần thiết đối với động vật khi khai thác và thí nghiệm. Có thể thấy, khái niệm này tập trung vào vật nuôi được con người nuôi giữ, chăm sóc hoặc khai thác.
– Bảo vệ động vật (animal protection): Động vật cần được bảo vệ, tránh các hành động đối xử tàn nhẫn, ngược đãi như bỏ đói, bỏ khát, gây đau đớn, giết hại vô cớ; Cấm săn bắt và giết thịt động vật. Khái niệm này dường như tập trung hơn vào bảo vệ các thú cưng và động vật hoang dã. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng khái niệm này nhưng dường như vẫn còn khó khăn trong triển khai thực tế.
– Quyền động vật (animal right): Động vật cũng cần có quyền cơ bản như con người (sống, di chuyển, có nơi ở, có đủ thức ăn, được đối xử bình đẳng…) và động vật cần phải được tôn trọng, bảo vệ, hỗ trợ để có đời sống tốt nhất. Quyền động vật được xem là cách đối xử cao nhất của con người với động vật so với khái niệm phúc lợi động vật và bảo vệ động vật. Khái niệm này đang gây ra nhiều tranh cãi vì có xung đột lớn với phúc lợi con người và ngành chăn nuôi của thế giới.
Mức độ triển khai trên thế giới
Các nước thuộc EU (28 quốc gia) có mức độ pháp lý khác nhau về phúc lợi động vật. Ủy ban châu Âu đã thúc đẩy phúc lợi động vật trong hơn 40 năm qua, đặc biệt là điều kiện sống của động vật nông nghiệp. Một bước quan trọng trong năm 1998 là Chỉ thị của Hội đồng châu Âu 98/58/EC về bảo vệ động vật, đưa ra các quy tắc chung về bảo vệ động vật với các loài nuôi giữ để sản xuất thực phẩm, len, da hoặc lông thú hoặc để nuôi mục đích khác, bao gồm cá, bò sát hoặc lưỡng cư. Các quy tắc này dựa trên Công ước châu Âu về Bảo vệ động vật.
Ở nước Anh, từ năm 1979, Hội đồng Phúc lợi động vật (UK Farm Animal Welfare Council) đã đề xuất nội dung cơ bản gọi là “5 Tự do” cho vật nuôi bao gồm:
1. Không bị đói khát (Freedom from hunger and thirst)
2. Không bị ức chế (Freedom from discomfort)
3. Không bị đau đớn, thương tích và bệnh tật (Freedom from pain, injury and disease)
4. Được thể hiện tập tính (Freedom to express normal behaviour)
5. Không bị sợ hãi và căng thẳng (Freedom from fear and distress).
Các quy định pháp luật về phúc lợi động vật và bảo vệ động vật của EU đang căn cứ vào Điều 13 của Hiệp ước Lisbon để xây dựng. Chi tiết quy định như sau: “Trong việc xây dựng và thực hiện trong khối EU về nông nghiệp, thủy sản, vận tải, thị trường nội bộ, nghiên cứu và phát triển công nghệ và chính sách không gian, EU và các quốc gia thành viên coi động vật là sinh linh sống, nên phải chú trọng đến các yêu cầu phúc lợi động vật, đồng thời tôn trọng các quy định pháp lý hoặc hành chính và phong tục tập quán của các nước thành viên liên quan đặc biệt đến nghi thức tôn giáo, truyền thống văn hóa và di sản khu vực”.
Trên cơ sở đó nhiều nước thành viên đã xây dựng các quy định về phúc lợi động vật, bảo vệ động vật áp dụng riêng cho quốc gia đó. Nhiều nước thuộc EU (Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Bỉ… tập trung vào phúc lợi động vật. Nước Anh có Luật phúc lợi cho động vật trang trại (The Welfare of Farmed Animals Regulations 2007).
Bắc Mỹ: Tại Canada có Luật Thú y và Bảo vệ động vật. Mỹ đã có Luật về Phúc lợi động vật của Liên bang từ năm 1966 tập trung vào động vật hoang dã và động vật biển. Luật này sau đó được sửa vào năm 1970 với việc bổ sung các động vật máu nóng được sử dụng trong các thí nghiệm, triển lãm, thú cưng hoặc được bán như thú cưng. Luật này lại được sửa tiếp vào năm 1976. Các bang có mức độ áp dụng là khác nhau. Mỹ cấm đối xử thô bạo với động vật và phạt tù lên đến 20 năm cho hành vi đối xử tàn bạo với động vật rồi quay video chia sẻ với người khác vì đây được coi là hành vi kích động bạo lực và vô nhân đạo.
Châu Á: Các nước có ngành chăn nuôi phát triển đã quan tâm đến phúc lợi động vật, bảo vệ động vật. Thái Lan đã ban hành Luật Chống đối xử thô bạo và phúc lợi động vật (Animal Cruelty Prevention and Animal Welfare Provision Act, 2557 BE); Hàn Quốc có Luật bảo vệ động vật (Animal protection act – 2014). Tại Trung Quốc, mới chỉ có Luật Bảo vệ động vật hoang dã. Đài Loan ban hành Luật Bảo vệ động vật (1998) và sửa đổi 2017.
Nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến phúc lợi động vật Ảnh: Cdc.gov
Việt Nam: Đối xử nhân đạo với vật nuôi tại Điều 69, 70, 71 và 72 của Luật Chăn nuôi bao gồm các quy định nhằm đảm bảo vật nuôi không bị đói, khát, căng thẳng, sợ hãi và đặc biệt không bị đối xử thô bạo trong các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, nghiên cứu khoa học và biểu diễn nghệ thuật. Luật cũng quy định hạn chế việc gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết hại nhằm đảm bảo tính nhân đạo và chất lượng thực phẩm. Thực hiện quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi được yêu cầu phải tôn trọng, hài hòa với các hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống và được cộng đồng xã hội chấp thuận.
Luật có sự linh động trong việc cân nhắc tới sự chấp thuận của cộng đồng xã hội như tập quán ăn thịt chó, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, lễ hội đâm trâu Tây Nguyên… Khi đa số người dân trong cộng đồng xã hội vẫn còn chấp nhận thì các tập quán về ẩm thực, các lễ hội mang tính chất văn hóa truyền thống nêu trên sẽ vẫn còn được phép duy trì.
Có thể nói, Luật Chăn nuôi đưa vào các quy định về “đối xử nhân đạo với vật nuôi” với nội hàm “phúc lợi động vật” nhằm hài hòa với ngữ cảnh Việt Nam, nhưng mặt khác vẫn thể hiện về mặt pháp lý mục tiêu phát triển những giá trị đạo đức và nhân văn của người Việt Nam. Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để đảm bảo tính thống nhất, khi Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn dưới Luật được dịch sang tiếng Anh, cụm từ “đối xử nhân đạo với vật nuôi” cần phải được dịch là “animal welfare”.
>> Có thể thấy, nhiều nước và vùng lãnh thổ đã thay đổi nhận thức và triển khai những văn bản pháp luật về phúc lợi động vật vào thực tiễn. Có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi vật nuôi có điều kiện sống “hạnh phúc”, chế độ khai thác hợp lý sẽ cho sản phẩm có chất lượng cao hơn. Một xã hội văn minh, một ngành chăn nuôi chuyên nghiệp cần tạo điều kiện cho vật nuôi có cuộc sống “hạnh phúc”. |
TS. Võ Trọng Thành