• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

TRIỂN VỌNG NGÀNH SỮA

 
 
 
 

(Người Chăn Nuôi) – Ngành sữa những năm qua tăng trưởng nhanh với trung bình 15 – 17%/năm và đang từng bước phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Để cạnh tranh, các công ty ngành sữa đã chú trọng khâu nghiên cứu, chế biến và đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm thay cho giai đoạn phụ thuộc vào nhập khẩu và phân phối

Phát triển tổng đàn

Sau khi có Quyết định 167/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/10/2001 về một số biện pháp và chính sách phát triển bò sữa Việt Nam thời kỳ 2001 – 2010, các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai, thực hiện chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa của Chính phủ. Do đó đàn bò sữa liên tục tăng. Các năm 2008 – 2009, tốc độ tăng đàn thấp nhất do khủng hoảng về Melanine từ Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sản xuất chế biến và tiêu dùng sữa ở Việt Nam. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng cường kiểm soát chất lượng bò sữa, sữa nguyên liệu trong nước, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu tại Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017.

Giai đoạn 2010 – 2017 là thời kỳ tăng trưởng đàn bò sữa mạnh nhất từ trước đến nay, số lượng bò sữa từ 128,5 nghìn con năm 2010 tăng lên 301,6 nghìn con năm 2017. Theo thống kê hiện nay đàn bò sữa Việt Nam tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam bộ, chiếm 32,9%, sau đó là vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 24,9%, vùng ĐBSCL chiếm 11,3% sau đó đến vùng Tây Nguyên chiếm 11,9%, Đồng bằng sông Hồng là 10,34% và Trung du miền núi phía Bắc chỉ chiếm 8,5% đàn bò cả nước. Các tỉnh/thành phố có đàn bò nhiều nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh có 84.382 con, Nghệ An là 64.420 con, Sơn La có 22.311 con, Lâm Đồng 19.985 con, sau đó là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Long An, Sóc Trăng, Gia Lai và Tiền Giang, những tỉnh này có đàn bò sữa từ 7 nghìn đến trên 14 nghìn con.

Một số cơ sở chăn nuôi nhiều bò sữa như: Công ty TH Milk: 45 nghìn con, Mộc Châu: 20 nghìn con, Vinamilk: 27 nghìn con, Hoàng Anh Gia Lai: 11 nghìn con, Cô gái Hà Lan: 3 nghìn con.

Đàn bò sữa của nước ta không ngừng tăng về số lượng và chất lượng	 Ảnh: Vinamilk
Đàn bò sữa của nước ta không ngừng tăng về số lượng và chất lượng     Ảnh: Vinamilk
 

Năng suất, sản lượng tăng cao

Sản lượng sữa: sản lượng sữa đạt 306,7 nghìn tấn năm 2010 tăng lên trên 881 nghìn tấn trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15 – 17%/năm (thời điểm năm 2013 sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước đạt 456,39 nghìn tấn, đáp ứng khoảng trên 28% tổng lượng sữa tiêu dùng hàng năm; đến năm 2017 đạt 881 nghìn tấn, đáp ứng 35% tổng lượng sữa tiêu dùng hàng năm).

Năng suất sữa trên chu kỳ sữa: chất lượng đàn bò sữa ngày càng được cải thiện do quá trình chọn lọc và cải tiến quy trình nuôi dưỡng. Năng suất sữa ở bò lai từ 4 tấn/chu kỳ năm 2010 tăng lên 4,28 tấn/chu kỳ năm 2013; ở bò thuần HF từ 5,57 tấn/chu kỳ năm 2010 tăng lên 5,6 tấn/chu kỳ năm 2013, năng suất sữa bò trung bình cả nước là 5,186 tấn/chu kỳ năm 2013, hiện nay năng suất trung bình đạt trên 5,5 tấn/chu kỳ.

So sánh với năng suất sữa các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực: Thái Lan 3,2 tấn/chu kỳ; Indonesia 3,1 tấn/chu kỳ; Trung Quốc 3,41 tấn/chu kỳ; Đài Loan 7,16 tấn/chu kỳ. Năng suất bò sữa Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á.
 

Áp dụng công nghệ cao

Một số cơ cở chăn nuôi bò sữa đã áp dụng công nghệ cao như: Chăn nuôi theo công nghệ Âu, Mỹ (Delaval, GEA), hệ thống chuồng mát tự động; áp theo các tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, ISO 9001, trang trại hữu cơ áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu (TH Milk, Vinamilk).

Quản lý giống bò sữa: một số tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý bò sữa (VDM, VDM-AI) và cấp phát sổ theo dõi cá thể bò sữa theo quy trình quản lý chất lượng ISO 9001:2000. Quản lý bằng phần mềm chuyên dụng ở các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa như: AFIMILK, NOA, VDM, hỗ trợ công tác bình tuyển quản lý giống bò sữa.

 

Chế biến, xuất nhập khẩu

Đến nay cả nước có 74 doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa, trong đó có 10 doanh nghiệp sản xuất chế biến sữa quy mô vừa và lớn với tổng cộng 26 nhà máy. Các doanh nghiệp chế biến sữa ở Việt Nam đã đầu tư các dây chuyền thiết bị hiện đại trong chế biến sữa được thiết kế từ các hãng nổi tiếng như Tetra Park, Afimilk, Gea… Dẫn đầu về số lượng nhà máy chế biến sữa, công nghệ hiện đại và chiếm thị phần lớn là Công ty CP sữa Vinamilk. Công ty này hiện có 14 nhà máy chế biến sữa trên cả nước, trong đó có nhà máy sữa Việt Nam ở Bình Dương có công suất 800 triệu lít/năm, trong đó giai đoạn 1 là 400 triệu lít/năm và được đầu tư hệ thống công nghệ tự động hóa hiện đại nhất vùng Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, tỷ lệ sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước mới đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng sữa khoảng 28,3% năm 2014. Phần còn lại, nước ta đã nhập sữa và các sản phẩm sữa về đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước (giá trị nhập khẩu năm 2016 là 1,2 tỷ USD).

 

Tình hình tiêu thụ

Sản lượng sữa tươi 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 470 nghìn tấn (cả năm 2018 dự kiến đạt 960 nghìn tấn, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2017).

Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu 16,5 nghìn tấn (tương đương 17,23 triệu USD) trong khi nhập về hơn 491 triệu USD sữa và sản phẩm sữa.

>> Dự báo nhu cầu tiêu dùng sữa bình quân đầu người của nước ta theo phương án cơ sở năm 2015 là 1.895 triệu lít sữa quy đổi, bình quân đầu người là 20,8 lít; năm 2020 là 2.600 triệu lít, bình quân đầu người là 27,3 lít, sản xuất trong nước đạt 1 triệu lít, đáp ứng 38% nhu cầu tiêu thụ trong nước; năm 2025 là 3.400 triệu lít, bình quân đầu người 34 lít; sản xuất trong nước đạt 1,4 triệu lít, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước. 

Bùi Hải Nguyên

NGUỒN: TẠP CHÍ NGƯỜI CHĂN NUÔI

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586