• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

XU THẾ CHĂN NUÔI VIỆT NAM: CÔNG NGHỆ, TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

(Người Chăn Nuôi) – Chăn nuôi là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn, song việc chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu khiến sản phẩm rất khó xuất khẩu, đồng thời dịch bệnh xảy ra nhiều. Để phát triển, việc ứng dụng những công nghệ hiện đại là xu thế tất yếu của chăn nuôi Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế.

 

“Ứng dụng hay là chết”?

Ngành chăn nuôi đang chiếm vị trí rất quan trọng, tạo ra việc làm và an sinh xã hội. Ngành cũng là sinh kế cho 7 triệu hộ trong 9,58 triệu hộ nông nghiệp (số liệu tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 của Tổng cục Thống kê).

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, chi phí sản xuất 1 kg thịt gà ở Ấn Độ là 1,1 USD, Malaysia 1,15 USD, trong khi ở Việt Nam là 1,6 USD; giá thịt heo tại Mỹ rẻ hơn Việt Nam 40%… Giá thức ăn của Việt Nam cũng cao hơn thế giới 15 – 20%, do phần lớn nguyên liệu là nhập khẩu.

Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, ứng dụng công nghệ cao chính là bước đột phá nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lên 15 – 20%, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước với nhập khẩu. Ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam từng phát biểu: “Hiện tại ở Việt Nam, một người làm nông nghiệp chỉ nuôi được 2 – 2,5 người, trong khi ở các nước phát triển, một lao động nông nghiệp nuôi được 100 – 150 người. Năng suất lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1 – 1,5% so với các nước phát triển”. Có thể nói với 7 triệu hộ chăn nuôi, nếu được tổ chức tốt, sẽ có thể tạo ra lượng của cải nuôi sống 700 triệu hộ gia đình khác. 

Khi ASF lan rộng, người chăn nuôi càng thấm thía giá trị của chăn nuôi 4.0. Chăn nuôi an toàn sinh học có thể nói không thể thiếu công nghệ 4.0. Công nghệ này giúp tự động hóa, kiểm soát vệ sinh, định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, lối đi trong khu chăn nuôi… Ngoài ra, công nghệ 4.0 giúp truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong khi dịch bệnh vẫn khó kiểm soát. 

Minh họa: Nguyễn Hùng

 

Mở cơ hội cho nông dân

Có ý kiến cho rằng, công nghệ chăn nuôi sử dụng tin học và internet 4.0 chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn, cần đầu tư lớn, song ngược lại, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng chính công nghệ 4.0 là một cơ hội phát triển cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.  

Cụ thể, công nghệ 4.0 có thể giúp các nhà máy kiểm soát được các trang trại, các vùng chăn nuôi nhỏ lẻ theo một quy trình chăn nuôi thống nhất, đồng thời dễ dàng kiểm soát quy trình nuôi, điều chỉnh việc chăm sóc gia súc, gia cầm qua mạng internet. Người nông dân cũng dễ dàng tương tác với các kỹ sư, các chuyên gia của nhà máy, từ đó việc chăn nuôi sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. 

Tại Việt Nam, một số công ty chế biến, chăn nuôi cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ các nông hộ, trang trại bằng việc triển khai công nghệ 4.0.  Bởi nhờ công nghệ này, nhà máy sẽ tạo ra được một vùng chăn nuôi rộng lớn, huy động được nguồn lực toàn xã hội để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. 

Theo nhiều nông dân, việc chăn nuôi nhỏ lẻ ngày càng khó tồn tại. Một trang trại nuôi heo cần phải nuôi hàng trăm con, những hộ chăn nuôi bò cũng cần 30 – 50 con trở lên mới hy vọng lấy thu bù chi. Trong hoàn cảnh giá nhân lực ngày càng tăng, nông thôn thiếu lao động do lớp trẻ đi vào thành phố và các nhà máy, ngành chăn nuôi rất cần ứng dụng máy móc vào sản xuất để phát triển đàn gia súc, gia cầm trong hoàn cảnh khan hiếm nhân lực. 

Theo thông tin từ phía hải quan, giá một kg thịt heo hơi tại Tây Ban Nha khoảng 27.000 đồng, Hà Lan là 29.000 đồng, Hungary là 31.000 đồng, trong khi thịt heo xuất khẩu của Việt Nam khoảng 45.000 đồng. Việc giảm giá thành nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật là xu thế bắt buộc nếu muốn sản phẩm chăn nuôi Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường.  

 

Gắn với chăn nuôi

Nếu như công nghệ 4.0 được xem như ưu việt trong việc quản lý, kết nối liên ngành, liên vùng, liên quốc gia, tạo ra môi trường quản lý, điều hành và sản xuất tiêu thụ thống nhất thì công nghệ trí tuệ nhân tạo được xem là đột phá trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học đến tận các nông hộ, các trang trại. 

Việc chăn nuôi bò sữa ở Tây Ninh, với những con bò được đeo chip điện tử ở cổ để giúp nhà máy thu thập thông tin về các chỉ số hoạt động, tình trạng sức khỏe và năng suất cho sữa của từng con là một điển hình về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăn nuôi.  

Công ty Vinamilk cho rằng, trí tuệ nhân tạo như các phần mềm quản lý về dinh dưỡng, quản lý sức khỏe bò, bê cùng việc lưu trữ, phân tích và truy cập thông tin luôn dễ dàng, thuận tiện giúp cho chất lượng chăm sóc đàn bò nâng cao nhanh chóng, chất lượng sữa được cải thiện nhiều. 

Trung Quốc những năm gần đây đã sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chăn nuôi, trước đó các công ty Mỹ cũng đầu tư mạnh việc đưa trí tuệ nhân tạo vào ngành chăn nuôi. Năm 2017, Ấn Độ cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp do Microsoft tài trợ. Với một chiếc điện thoại, người nuôi có thể nhận được lịch làm việc hàng ngày của họ, những thông tin về nuôi và cả thị trường.  

 

Nỗ lực của Việt Nam 

Vừa qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát, điều khiển quá trình sản xuất nông nghiệp”. Nghiên cứu được trình bày tại hội thảo cho thấy các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng đang tiếp cận với các thành tựu quốc tế về trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp. 

Việt Nam, Malaysia, Singapore được xem là các nước Đông Nam Á quan tâm đến trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp và Thái Lan cũng có tham vọng trong lĩnh vực này. Điển hình nhất của sử dụng trí tuệ nhân tạo đó là sử dụng robot trong việc chăm sóc, cho ăn, vệ sinh chuồng trại, giúp cho việc chăn nuôi trên quy mô lớn nhưng hạn chế được dịch bệnh và tăng năng suất, giảm giá thành. Trước tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi nói chung như hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo càng có vai trò quan trọng, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hạn chế dịch bệnh của vật nuôi. Hay như tình hình ASF vẫn tràn lan tại các tỉnh, thành thì việc ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học đúng quy trình, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh vẫn đang đem lại hy vọng tích cực cho ngành.

Việt Nam là đất nước có ngành tin học, ngành sản xuất robot khá thành công, lớp trẻ rất yêu thích lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo. Song để trí tuệ nhân tạo và công nghệ 4.0 đi vào đời sống, cần phải có một chủ trương và chính sách để biến các phát minh từ trong các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu trở thành những sản phẩm robot, những máy móc thiết bị và các phần mềm phục vụ cho lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

>> Hiện, cả nước có 500.000 doanh nghiệp thì chỉ 0,5% doanh nghiệp có nghiên cứu khoa học trong công nghệ. Chính việc áp dụng trí tuệ nhân tạo với các phần mềm quản lý chăn nuôi sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp.

 
 Nguyễn Anh
 Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586