Tammy Lee, người phụ trách công ty start-up công nghệ sinh học Recombinetics có trụ sở tại St. Paul thuộc tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ, cho hay doanh nghiệp của bà muốn làm cho đời sống của vật nuôi dễ chịu hơn bằng cách bổ sung hoặc khử bỏ trong phòng thí nghiệm một vài đặc tính di truyền nhất định. Việc làm này có thành công hay không sẽ không chỉ lệ thuộc vào tính khả thi của phương pháp mà chủ yếu vào sự chấp nhận của xã hội.
Doanh nghiệp Semex cũng tham gia vào dự án Recombinetics để phát triển loại bò cái không có sừng.
Chính vì vậy công ty Recombinetics muốn tạo ra một hình ảnh đẹp đẽ hơn đối với công nghệ gene. Cho đến nay người ta thường đưa ra lập luận rằng thay đổi nhân tạo gene di truyền nhằm tạo ra năng xuất cao hơn, tuy nhiên bà Lee và các đồng nghiệp lại viện vào lý do bảo vệ động vật để thi hành. Từ trước đến nay, những người hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ động vật thường chỉ trích việc người chăn nuôi thường nung nóng sắt hoặc dùng các chất ăn mòn để loại bỏ sừng bò tránh không để chúng gây thương tích lẫn nhau, nhưng việc làm này gây đau đớn cho con vật. Trong khi đó. Recombinetics chỉ gây tác động vào một loại gene nhất định làm cho sừng không thể mọc và phát triển.
Những thử nghiệm đầu tiên đem lại kết quả khả quan. Năm ngoái, từ một con bò đực giống mà công ty đã biến đổi gene sản sinh ra một loạt bê con. Đúng như mong đợi của các chuyên gia, các bê con này đều không có sừng. Hiện tại những con bê này đang được nuôi dưỡng tại khu nghiên cứu chăn nuôi trường ĐH California, Davis. Khi các con bê cái trưởng thành và cho sữa, người ta sẽ tiến hành nghiên cứu tiếp xem có gì khác thường không.
Nhà di truyền học động vật Alison Van Eenennaam thuộc Đại học California, Davis, cùng nhóm bê sữa không sừng có nguồn gốc từ một con bò đực bị biến đổi gen. (Ảnh AP / Haven Daley/ Ngày 11/7/2018)
Trong một dự án khác người ta nghiên cứu về lợn. Khi lợn con đến tuổi phát dục, một số người tiêu dùng có thể cảm thấy thịt có mùi vị khó chịu. Để tránh “mùi lợn đực” này, người ta thường phải thiến (hoạn) lợn ở tuổi mới lớn và thường không dùng thuốc mê. Trong trường hợp này, Recombinetics cũng muốn xử lý vấn đề bằng biện pháp can thiệp vào gene. Hiện tại công ty này cũng đang phát triển phương pháp nữa để tạo ra các con “bò chịu nóng” đối với những giống bò không có khả năng chống chịu nắng nóng.
Theo quan điểm của doanh nghiệp Hoa Kỳ này thì về nguyên tắc, công nghệ sinh học cũng không khác gì phương pháp chọn giống thông thường đã được áp dụng từ hàng trăm năm nay – chỉ khác ở khoản nhanh hơn và chính xác hơn. Tuy nhiên hiện còn nhiều trở ngại đối với việc đưa các sản phẩm mới này ra thị trường, đó là những quy định về pháp lý. Những người tán thành phương pháp này đòi hỏi trong tương lai không được có những yêu cầu đặc biệt đối với sản phẩm sữa và thịt biến đổi gene.
Bà Lee cho rằng, khi nào dư luận ủng hộ công nghệ gene tăng lên thì trong nông nghiệp người ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến các phương pháp cải tiến, nâng cao năng xuất. Trong khi đó ông Paul Thompson thuộc ĐH bang Michigan lại tỏ ra nghi ngờ. Sự dè dặt của xã hội không chỉ liên quan đến việc con người “đóng vai thượng đế” mà nói chung về cách ngành công nghiệp thực phẩm hiện đại đối xử với vật nuôi. “Ít nhất trong hai chục năm qua đã có các cuộc thảo luận về vấn đề đạo đức, rằng liệu chúng ta nên thay đổi vật nuôi hay nên thay đổi hệ thống”, chuyên gia nông nghiệp này cho biết.
Chính vì tiềm năng ứng dụng phong phú và đa dạng nên công nghệ gene tiếp tục đối mặt với thái độ thận trọng. Chừng nào vấn đề chỉ xoay quanh việc nâng cao chất lượng thịt thì – theo một cuộc trưng cầu ý kiến do Viện nghiên cứu Pew tiến hành hồi tháng tám – khoảng 43 % dân Mỹ coi phương pháp này là tích cực.
Tổ chức bảo vệ động vật Humane Society ủng hộ công nghệ gene trong các trường hợp như hoạn lợn con hay không cho bò mọc sừng, tuy nhiên họ cảnh báo trước việc cấp phép một cách tổng quát cho việc biến đổi này. “Nếu như ta can thiệp để con gà có thể to như con voi thì điều này không ổn chút nào”, Josh Balk, nhân viên chịu trách nhiệm về lĩnh vực bảo vệ vật nuôi của tổ chức này, phát biểu.
Một số người chỉ trích khác lại tỏ ra nghi ngờ về sự cần thiết đối với công nghệ gene nếu như nó chỉ thực sự muốn thúc đẩy quá trình nhân giống thông thường như những người ủng hộ phương pháp này lập luận. Vì nhờ những tiến bộ đối với các phương pháp truyền thống nên năng xuất chăn nuôi gà, lợn và bò đã tăng lên đáng kể. Thí dụ, các chủ trang trai bò sữa khi mua tinh trùng bò giống đã có thể chọn khá chính xác những đặc tính nhất định của con giống mà họ muốn có.
Semex, một tổ chức có trụ sở tại Canada chuyên về gene di truyền gia súc, đang chào bán một phiên bản “Robot Ready” nhằm tạo ra các giống bò sữa phù hợp với việc vắt sữa tự động tại các cơ sở chăn nuôi lớn. Semex cũng tham gia dự án của Recombinetics về phát triển loại bò sữa không có sừng.
Trong chừng mực nào đó, ông John Burket, một nông dân chuyên lai tạo bò sữa không sừng ở bang Pennsylvania, đã đi trước cả hai doanh nghiệp này. Tại trang trại của ông từ lâu đã có bò không sừng do lai tạo tự nhiên mà có. Về cơ bản, ông nói mình không chỉ trích công nghệ gene, tuy nhiên hiện tại ông vẫn còn nghi ngờ liệu người ta có giữ lời hứa khi áp dụng công nghệ gene hay không. Đối với các doanh nghiệp như Recombinetics hay Semex, cuối cùng thách thức là ở chỗ các doanh nghiệp này có thuyết phục được người nông dân về lợi ích kinh tế của dự phát triển công nghệ gene hay không.
Hơn nữa người nông dân thật sự không mấy hứng thú về việc tăng năng xuất vì kinh nghiệm những năm qua cho thấy tăng năng xuất luôn đi kèm với giảm giá sản phẩm nông sản. “Liệu chúng ta có cần đến một thứ công nghệ khiến cho sữa tràn ngập thị trường nhiều hơn nữa?”, bà Lorraine Lewandrowski, chủ một trang trại sữa ở tiểu bang New York than vãn.
Ông Jonathan Lamb, chủ một cơ sở chế biến sữa thì cho rằng, do giá sữa quá thấp hiện nay nên ông không sẵn sàng chi thêm tiền cho các sản phẩm công nghệ gene. Tuy nhiên ông nghĩ rằng chỉnh sửa gene có thể đem lại những cải tiến khác.
Biên dịch: Xuân Hoài (theo USNews)
Nguồn: Báo Tia Sáng