Khát vọng “nâng tầm” đàn bò sữa Việt Nam
PGS.TS. Sử Thanh Long chia sẻ, hiện nay, nước ta với dân số hơn 90 triệu dân, sản lượng sữa của đàn bò trung bình đạt 5.000 – 5.500 lít/chu kì và người dân nước ta mới chỉ dùng khoảng 20 lít sữa/năm, tương đương hơn 20% nhu cầu cần thiết của người dân và số còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Theo thông tin hiện nay, hàng ngày người dân đang tiêu 60 tỷ hàng ngày cho các sản phẩm sữa nhập khẩu. Trong khi đó, tại Pháp nhu cầulà 260 lít cho mỗi người dân hàng năm; và ở Israel, nhu cầu của người dân đối với sữa và các sản phẩm từ sữa là 175 lít/năm. Vậy nếu người dân Việt Nam tăng sản lượng tiêu dùng sữa như hai quốc gia trên, thì sản lượng sữa chỉ đáp ứng khoảng 10%; có thể thấy, nhu cầu phát triển đàn bò sữa Việt Nam là rất lớn và rất nhanh. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong chăn nuôi bò sữa. Và như vậy, việc tịnh tiến tới chương trình sữa học đường toàn quốc mới có thể nhanh được.
Ở các quốc gia có ngành chăn nuôi bò phát triển như Israel, Mỹ, Úc…, ứng dụng vòng tẩm progsesterone đặt âm đạo đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định chu kỳ sinh lý sinh sản, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ của bò. Hiện tại trên thế giới cũng như Việt Nam, một số loại vòng tẩm đang được sử dụng phổ biến là vòng progesteron CIDR® (NewZealand) hay vòng PRID Delta®từ Pháp… Song người chăn nuôi bò sữa đang sử dụng vòng với giá thành khá cao, dao động từ 250.000-300.000 đồng, và không chủ động nguồn cung cấp từ nước ngoài.
Nhọc nhằn với chiếc vòng tẩm ProB
Từ những năm 2003, trong khuôn khổ Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu Viện Thú y Quốc gia (JICA – SNIVR), với khao khát của một Bác sỹ Thú y trẻ, yêu nghề, PGS.TS. Sử Thanh Long khi ấy đã ngày đêm theo Dr. Minami Shigeru – chuyên gia Nhật Bản, học nghề Thú y Bò sữa. Khi đó, Ông đã được tiếp xúc và hướng dẫn cách sử dụng với vòng tẩm progesterone – CIDRÒ. Qua tiếp xúc với bác sỹ Thú y của dự án cũng như khoa học – công nghệ được chuyển giao, Ông quyết định theo học ngành Bò sữa tại Nhật Bản.
Sau đó, PGS.TS. Sử Thanh Long tiếp tục chặng đường với 5 năm học Nghiên cứu sinh ở Nhật Bản, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia đầu ngành về Sinh sản trên bò sữa là GS.Toshihiko Nakao. Trong quá trình học tập tại đây, cùng với GS, Ông đã tiến hành nhiều nghiên cứu liên quan đến vòng tẩm progesterone và cho ra đời nhiều công bố liên quan tới chủ đề này. Hơn thế nữa, Ông được giao nhiệm vụ quản lý sinh sản cho 07 trang trại bò tại vùng Yamaguchi và Hokkaido (Nhật Bản) bằng vòng tẩm progesterone. Việc kết hợp hài hoà giữa hoạt động định lượng nồng độ hormone trong phòng thí nghiệm và hoạt động lâm sàng tại các trang trại bò sữa.
Thực hiện phản ứng ELISA để quản lý chu kỳ buồng trứng đàn bò sữa tại Nhật Bản
Trở lại Việt Nam vào năm 2010, PGS.TS. Sử Thanh Long tiếp tục làm giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ông luôn trăn trở về đàn bò sữa chậm động dục, năng suất kém của nước ta và ông quyết định xin Bộ Nông nghiệp & phát triển Nông thôn đề tài:“Nghiên cứu công nghệ sản xuất vòng tẩm progesterone đặt âm đạo góp phần nâng cao khả năng sinh sản ở bò sữa”, với mong muốn chủ động sản xuất vòng tẩm progesterone trong nước, thay vì phải nhập khẩu. Khi đó, Bộ đã phải cân nhắc và suy nghĩ rất kỹ lưỡng với trình độ của các Nhà khoa học có đảm bảo ra được sản phẩm cuối cùng hay chưa!? Do đó, đề tài này được Bộ đưa lên, đặt xuống nhiều lần trong hai năm, nhưng sau cùng “niềm tin” cũng được đặt trọn vào PGS.TS. Sử Thanh Long và các đồng nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Với tư duy khoa học thực dụng thấm nhuần từ đất nước mặt trời mọc, PGS.TS. Sử Thanh Long quyết tâm rằng một đề tài nghiên cứu không chỉ có báo cáo, nghiệm thu trên giấy tờ, mà phải ra sản phẩm ứng dụng để đem lại hiệu quả thực tế cho xã hội.
Để cho ra đời sản phẩm vòng ProB, Ông đã phối hợp với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt phải kể đến sự giúp đỡ của GS. Toshihiko Nakao để xác định và xây dựng cơ chế kiểm soát thải trừ progesterone trong môi trường âm đạo bò. Sau đó, PGS.TS. Sử Thanh Long và các cộng sự đã thử nghiệm trên 12 con bò cắt buồng trứng, quy trình này giúploại bỏ nguồn tiết progesterone chính trong cơ thể bò, giảm thiểu tối đa sai số trong quá trình đánh giá chất lượng vòng ProB.
Đánh giá khả năng thải trừ progesterone của vòng ProB trong phòng thí nghiệm
Kết quả thí nghiệm cho thấy, nồng độ progesteron trong máu tăng nhanh và đạt đỉnh ở ngày thứ 1 sau khi đặt vòng vào âm đạo bò, duy trì ở ngưỡng cao trên 1ng/ml, nồng độ cần thiết để duy trì sự phát triển của phôi ở giai đoạn đầu thai kỳ. Bên cạnh đó, tính thích ứng của kiểu dáng vòng với cấu tạo âm đạo bò cũng được đánh giá dựa vào nồng độ cortisol huyết thanh và tình trạng dịch sinh dục (màu sắc, độ đồng nhất, mùi) bám trên vòng sau thời gian đặt. Dựa vào số liệu phân tích cho thấy kiểu dáng vòng ProB hoàn toàn thích hợp với đàn bò sữa Việt Nam, không gây kích ứng âm đạo và gây ức chế thần kinh bò trong thời gian đặt vòng.
GS. Nakao thực hiện quy trình cắt buồng trứng bò tại Việt Nam
Sau cùng, nhóm tác giả ứng dụng vòng ProB trên đàn bò sữa sinh sản tại trang trại Ba Vì và Mộc Châu (mỗi địa điểm 100 bò), để đánh giá hiệu quả gây động dục và tỷ lệ có chửa bằng công thức hormone sử dụng vòng ProB; rồi so sánh với nhóm sử dụng vòng CIDR®. Kết quả cho thấy, tỷ lệ động dục đạt 93% ở cả nhóm bò sử dụng vòng nhập khẩu và vòng ProB (P>0,05); tỷ lệ có chửa lần lượt là 44, 08% (41/93 bò) và 45,16% (42/93 bò) ở nhóm sử dụng vòng ProB và vòng CIDR® (P <0,05).
Vòng ProB trong phòng thí nghiệm đến sản xuất công nghiệp
PGS.TS. Sử Thanh Long cùng với các chuyên gia trong đề tài đã thiết kế kiểu dáng vòng ProB phù hợp với cấu tạo đường sinh dục không gây stress cho bò, vừa phải tuân thủ không vi phạm sở hữu kiểu dáng theo cam kết gia nhập CPTPP của Việt Nam.
PGS.TS. Sử Thanh Long cho biết, để đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người chăn nuôi bò sữa, thì bắt buộc phải sản xuất trên quy mô công nghiệp. PV Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam đã tận mắt chứng kiến hệ thống máy chuẩn bị cho ra hàng loạt những chiếc vòng ProB. Ông bộc bạch, để có được hệ thống máy sản xuất trơn tru như vậy, ông đã phải đánh đổi nhiều đêm thức trắng, khi nghĩ về công sức, thời gian và tiền bạc của các Nhà khoa học cùng với nhiều thế hệ sinh viên Thú y chỉ đổi lại những lần “bán sắt vụn”.
Chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức sử dụng vòng tẩm progesterone (CIDR®) đặt âm đạo cho đàn bò sữa tại Mộc Châu (Sơn La)
Theo dự kiến, vòng tẩm progesterone ProB “made in Vietnam” sẽ được sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2019 với giá thành rẻ hơn nhiều so với giá thành nhập khẩu. “Chúng tôi mong muốn vòng ProB sẽ đóng góp tốt cho sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam. Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học luôn cháy bỏng, chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến quên mình để cho ra đời các sản phẩm khoa học công nghệ có khả năng ứng dụng thực tiễn cao đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi.” PGS.TS. Long vui vẻ nói.
HÀ NGÂN
Trao đổi với PV Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam, TS. Tăng Xuân Lưu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì chia sẻ:
PGS.TS Sử Thanh Long là người rất say sưa với chuyên môn, tâm huyết với ngành chăn nuôi trâu bò Việt Nam nói chung và bò sữa nói riêng. Chiếc vòng ProB là sản phẩm nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ, nhưng với kinh phí của đề tài thì chỉ đủ làm một số nội dung nghiên cứu, còn nghiên cứu thành công và sản xuất được vòng thì điều quan trọng hơn hết là lòng nhiệt tâm của một nhà giáo, một nhà khoa học có điều kiện. Với những người như chúng tôi – có nhiều năm lăn lộn với nghề Thú y lâm sàng Bò sữa, mới thấy quý chiếc vòng ProB này biết bao!