Sự có mặt của vòng tẩm progesterone (ProB) do Việt Nam sản xuất với giá thành rẻ, chất lượng tương đương với sản phẩm vòng nhập khẩu, sẽ góp phần tích cực trong phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt và trên cả đàn trâu ở Việt Nam như: chủ động gây động dục để thụ tinh hàng loạt; chủ động gây động dục đồng pha để cấy truyền tạo bò và trâu thuần chủng; chủ động điều trị các bệnh chậm sinh, vô sinh do buồng trứng, tử cung hay các bệnh về rối loạn hormone ở đại gia súc…
Đánh giá công nghệ tẩm progesterone vào silicon dưới kính hiển vi điện tử quét
Theo đó, ở các quốc gia có ngành chăn nuôi bò phát triển như Israel, Mỹ, Úc…, việc ứng dụng các phương pháp hormone với vòng tẩm progsesterone đặt âm đạo đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định chu kỳ sinh lý sinh dục, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ của bò. Tuy nhiên, chỉ có một số quốc gia như New Zealand, Pháp, Argentina… đã nghiên cứu thành công và phân phối vòng tẩm progesterone tới các quốc gia chăn nuôi bò sữa khác, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu và sử dụng sản phẩm vòng CIRD (Controlled Internal Drug Release) và vòng PRID (Progesterone Releasing Intravaginal Device), còn việc nghiên cứu sản xuất mới dừng ở việc sản xuất được huyết thanh ngựa chửa, HCG mà chưa có nghiên cứu nào về sản xuất PIRD, CIRD hay sản phẩm tương tự.
Kiểu dáng vòng tẩm ProB – do Việt Nam sản xuất
Vòng CIDR được làm từ nhựa dẻo AHI tại Hamilton, New Zealand, và được phát triển vào năm 1981, được ứng dụng phổ biến cho bò thịt và bò sữa tại Canada. Ở Canada dùng vòng tẩm 1,9gr progestrone còn ở Mỹ chỉ dùng vòng tẩm 1,38gr progesterone (Mapletoft và cộng sự, 2003). Vòng CIDR đã được ứng dụng trên đại gia súc như gây động dục đồng pha, gây động dục và thụ tinh, hoặc được dùng cho việc gây rụng trứng bò (Pursley, 1997). Vòng PRID được sản xuất và phân phối bởi công ty Ceva Santes Animale tại Canada. Vòng PRID cấu tạo bởi khung thép hoặc xương nhựa dẻo, bọc silicon có tẩm 1,55gr progesterone.
Theo định hướng của Chính phủ, tới năm 2020, tổng số đàn bò sữa trên toàn quốc sẽ đạt khoảng 500.000 con, trong đó 100% số lượng bò sữa được nuôi thâm canh và bán thâm canh. Như vậy, nhu cầu sử dụng vòng tẩm progesterone là rất lớn.
Nhằm đáp ứng các yêu cầu trên, năm 2015, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chủ trì thực hiện đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu công nghệ sản xuất vòng tẩm progesterone đặt âm đạo góp phần nâng cao khả năng sinh sản ở bò sữa”. Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS. Sử Thanh Long – giảng viên Khoa Thú y. Sau 3 năm thực hiện đề tài, các nhà khoa học của Học viện đã nghiên cứu và chế tạo thành công vòng tẩm progesterone (ProB) và được Cục Chăn nuôi công nhận Tiến bộ kỹ thuật đối với “Quy trình sử dụng vòng tẩm Progesterone do Việt Nam sản xuất” (Quyết định số 144/QĐ-CN-GSL ngày 20/04/2018); Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ đối với Sản phẩm đăng ký giải pháp hữu ích: Vòng tẩm progesterone đặt âm đạo bò (Quyết định số 81284/QĐ-SHTT ngày 20/11/2017).
Vòng ProB với kiểu dáng đặc trưng và công nghệ thải trừ chậm progesterone tiên tiến đã được kiểm nghiệm chất lượng trên bò cắt buồng trứng và đàn bò sữa sinh sản tại trang trại chăn nuôi bò cho kết quả rất tốt, tương đương với sản phẩm vòng nhập khẩu.
Ban Khoa học và Công nghệ
Học viện Nông nghiệp Việt Nam