• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

CĂNG SỨC PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC

(Người Chăn Nuôi) – Từ một tỉnh là Cao Bằng, hiện bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã lan mạnh ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các địa phương đang căng mình chống dịch để bảo vệ đàn gia súc nuôi của địa phương.

Gia tăng nhanh chóng

Hiện nay, tại các địa phương, báo cáo số lượng trâu, bò nhiễm bệnh VDNC đang tăng lên rất nhanh. Tại Hà Giang, đến giữa tháng 4, ngành nông nghiệp tỉnh này cho biết đã có 27 con trâu, bò nhiễm bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang nhận định, hiện nay không loại trừ khả năng tại nhiều địa phương khác trong tỉnh đã có bệnh VDNC trên trâu, bò nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới có thể rất cao.

Tại khu vực Bắc Trung bộ, thông tin từ Chi cục Thú y Vùng 3 cho biết, dịch VDNC đang có dấu hiệu lây lan nhanh và diễn biến phức tạp. Hiện nay, 5/6 tỉnh thuộc khu vực này đã xảy ra dịch bệnh với 546 ổ dịch tại 64 huyện. Tổng số gia súc mắc bệnh tại các ổ dịch này là 18.606 con và đã có 1.275 con gia súc mắc bệnh bị chết, tiêu hủy.

Cụ thể, tại Quảng Trị, theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị, tính đến ngày 13/4/2021, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 16/17 ổ dịch VDNC chưa qua 21 ngày và 8 xã đang chờ kết quả xét nghiệm. Đến giữa tháng 4, tổng số gia súc bị bệnh là 277 con bò; Chết, tiêu hủy 13 con với tổng trọng lượng 2.198 kg (trong đó, 2 con tiêu hủy bắt buộc và 10 con chết do bệnh).

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị cho biết, dịch VDNC trên trâu, bò xảy ra lần đầu tại tỉnh Quảng Trị vào đầu tháng 12/2020. Hiện nay, dịch có dấu hiệu lây lan rất nhanh, mỗi ngày có 2 – 4 xã xuất hiện ổ dịch.

Thường xuyên theo dõi sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp ứng phó kịp thời – Ảnh: ST

Tập trung nguồn lực ngăn chặn

Trước việc bệnh VDNC tiếp tục lây lan trên diện rộng, ngày 19/4/2021, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 2271/BNN-TY về việc tập trung nguồn lực kiểm soát dịch bệnh VDNC trên trâu, bò.Công văn nêu rõ, từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh VDNC xảy ra tại 1.020 xã, 158 huyện của 25 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh là 27.247 con, trong đó số chết và tiêu hủy là 2.220 con; Dịch bệnh xảy ra nặng nhất ở các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình.

Nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do: Thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển (ruồi, muỗi, ve, mòng…); Một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; Chưa có kế hoạch, chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh phí mua vaccine và tổ chức tiêm phòng bệnh VDNC; Tỷ lệ tiêm phòng vaccine VDNC thấp, trong khi cần tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng mới có đáp ứng miễn dịch phòng bệnh có hiệu quả.

Để khẩn trương kiểm soát tốt các ổ dịch VDNC, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan diện rộng, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung các nguồn lực để triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò; Trong đó chú trọng tổ chức ngay những biện pháp sau:

1. Đối với địa phương đang có dịch bệnh

a) Thực hiện công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời theo đúng quy định.

b) Tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch; Không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, lây lan và phát sinh các ổ dịch mới; Hằng ngày, báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và chính quyền các cấp theo đúng quy định.

c) Tổ chức xử lý, tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh VDNC khi mới xuất hiện dịch bệnh, còn ở diện hẹp.

d) Hướng dẫn người dân nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò bệnh; Hằng ngày vệ sinh, sát trùng, tiêu độc nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh; Có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh.

đ) Việc công bố hết dịch được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT; Quản lý chặt chẽ, không di chuyển số trâu, bò đã khỏi triệu chứng lâm sàng ra khỏi vùng dịch trong khoảng thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ ngày con gia súc cuối cùng khỏi bệnh lâm sàng và gia súc đã được tiêm vaccine VDNC.

2. Đối với địa phương chưa có dịch bệnh

a) Tăng cường giám sát giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; Xử lý, tiêu hủy gia súc tại địa phương mới phát dịch ở diện hẹp.

b) Hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; Tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… truyền bệnh.

3. Tiêm phòng khẩn cấp vaccine phòng, chống dịch bệnh

a) Các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu vaccine VDNC, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới kế hoạch và bố trí kinh phí để thực hiện phòng, chống bệnh VDNC; Trong đó lưu ý khẩn trương bố trí kinh phí mua và tổ chức tiêm phòng vaccine phòng bệnh VDNC.

b) Đối tượng và phạm vi tiêm phòng:

– Tiêm phòng vaccine VDNC cho đàn trâu, bò tại các địa phương đã, đang có dịch bệnh VDNC và các địa phương có nguy cơ cao; Bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 90% số gia súc thuộc diện tiêm phòng.

– Đối với đàn trâu, bò tại các địa phương không thuộc phạm vi có nguy cơ cao, các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò căn cứ vào tình hình dịch bệnh VDNC, đánh giá nguy cơ và điều kiện thực tế để quyết định sử dụng vaccine phòng bệnh VDNC; Bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm phòng.

c) Lựa chọn chủng loại vaccine phòng bệnh VDNC: Kết quả đánh giá hiệu lực, giám sát sau tiêm phòng đối với các loại vaccine phòng bệnh VDNC trong thời gian qua cho thấy các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò có thể lựa chọn vaccine Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ, Mevac LSD của Ai Cập để tổ chức tiêm phòng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh VDNC.

Lưu ý: (i) Tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vaccine mới có đáp ứng miễn dịch phòng, chống bệnh có hiệu quả; (ii) Tại nhiều địa phương, trâu, bò có thể đã nhiễm mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh lâm sàng, sau khi được tiêm vaccine, gia súc có thể phát bệnh, chết, cần được xử lý theo quy định.

>> Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, dịch bệnh VDNC hiện xảy ra nặng nhất ở các tỉnh: Hà Tĩnh (180 xã, 13 huyện, số gia súc mắc bệnh là 12.480 con), Thanh Hóa (209 xã, 24 huyện, số gia súc mắc bệnh là 3.919 con), Quảng Bình (94 xã, 8 huyện, số gia súc mắc bệnh là 4.076 con). Tính đến giữa tháng 4/2021, cả nước có 886 ổ dịch tại 131 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Phạm Thu

Nguồn: Tạp chí Người Chăn nuôi

 
 
 
 

 

 

MUA HẠT GIỐNG CỎ LIÊN HỆ SĐT 0363145282. TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586