Cây cỏ, cây thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi động vật dạ cỏ (bò, trâu…) và cá đang trở thành những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Nhóm giống cây trồng phổ biến hiện nay bao gồm: Các giống cỏ lâu năm (trồng một lần thu hoạch 3 – 5 năm) như Mombasa guinea, Mulato II, Ruzi, cỏ voi, cỏ Paspalum, cỏ Lông para…; các giống ngô sinh khối, các giống cao lương; các giống yến mạch; các giống cỏ linh lăng và cây họ đậu.
Dẫn đầu về hạt giống cỏ và cây thức ăn xanh Giống cao lương lai Sudan tái sinh Latte
Việc canh tác các loại cây trồng này đã và đang dịch chuyển từ canh tác quảng canh sang thâm canh, trong đó chú ý đến cả thành phần dinh dưỡng của từng loại cây trồng.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu thì mỗi loại cây trồng, cỏ đều có các ưu nhược điểm khác nhau, các giống cây trồng có năng suất cao thường có chất lượng thức ăn thấp và ngược lại.
Các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế cũng chỉ rằng, để có được hiệu quả trồng trọt và chăn nuôi cao nhất, trang trại nên tiến hành gieo trồng mỗi giống thuộc các nhóm cây trồng trên để chúng có thể hỗ trợ cho nhau. Vấn đề còn lại là nên lựa chọn giống nào phù hợp với điều kiện địa phương, trồng trên loại đất nào và canh tác ra sao để cho hiệu quả cao nhất.
Hiện tại ở Việt Nam có rất ít các đơn vị nghiên cứu cũng như Cty chuyên hoạt động trong lĩnh vực này. Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về kinh doanh hạt giống cỏ và cây thức ăn xanh, từ năm 2015 Cty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) đã tiến hành nghiên cứu tài liệu, hợp tác với các công ty hàng đầu thế giới về hạt giống cỏ như Desert Sun Marketing (Hoa Kỳ), Heritage Seed (Úc), Ubon Forage Seed (Thái Lan), Avanta Việt Nam, CIAT Việt Nam; hợp tác với các đơn vị trong nước như Bộ môn Cây thức ăn chăn nuôi – Viện Nghiên cứu Ngô, nhóm nghiên cứu cây thức ăn xanh – Viện Cây lương thực, cây thực phẩm, Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì – Viện Chăn nuôi, Trang trại TH Milk để nhập nội, sản xuất, kinh doanh và tiến hành hàng loạt các thí nghiệm.
Thí nghiệm mới nhất năm 2017 được tiến hành trên các giống cây trồng chuyên dùng cho mục đích thức ăn thô xanh gồm: 8 giống ngô, 10 giống cao lương, 2 giống cỏ lâu năm, 2 giống yến mạch, 1 giống cỏ Linh lăng tại Đan Phượng (Hà Nội) nhằm xác định các giống triển vọng và quy trình canh tác tại Việt Nam.
Kết quả giống ngô Giant 1615 cho năng suất sinh khối rất cao (47 tấn/ha), cao hơn đối chứng đến 10%. 2 giống ngô sinh khối nhập nội từ Hoa Kỳ là W-1330Y và W-1440Y bước đầu có triển vọng.
Trong nhóm giống cao lương lai cỏ Sudanese có khả năng tái sinh hiệu quả, giống Latte cho năng suất lần cắt 1 sau trồng 62 ngày đạt 45,8 tấn/ha, lần 2 sau lần cắt 1 để tái sinh 43 ngày cho 25,9 tấn/ha, đứng đầu trong các giống cao lương lai Sudanese thí nghiệm và gieo trồng phổ biến tại Việt Nam.
Giống Latte cũng đã được Cty tiến hành thử nghiệm trên diện tích lớn từ năm 2016-2017 tại nhiều địa phương.
Nhóm giống cao lương F1, giống Sugar Graze, OPV 88 được xác định là các giống triển vọng.
Trong nhóm giống cỏ lâu năm, giống Mombasa Guiea cho năng suất 35,2 tấn/ha và Mulato II đạt 23,2 tấn/ha sau trồng 62 ngày, cả 2 giống đều sinh trưởng và phát triển rất tốt. Giống Mulato II có tỷ lệ lá trên thân rất cao, thân lá mềm và dinh dưỡng khá.
Giống cỏ Linh lăng SADRI 10 Series II bước đầu cho thấy sự phù hợp vời điều kiện canh tác địa phương.
Đặc biệt, 2 giống yến mạch là Genie và Mammoth thể hiện rất rõ khả năng chịu lạnh trong mùa đông, nhiệt độ càng thấp, sinh trưởng càng mạnh, đẻ nhánh rất khoẻ và không nhiễm sâu bệnh. Sau trồng 105 ngày, giống Genie cho năng suất 37,7 tấn/ha, giống Mammoth đạt 37,2 tấn/ha, tỷ lệ lá rất cao, lá mềm, không có lông, rất ngon miệng gia súc.
Giống yến mạch Mammoth
Các loại cỏ yến mạch có thể có hàm lượng Protein rất cao lên đến 17 – 18 %. Cây trồng này hiện nay chỉ được trồng phổ biến tại Mộc Châu, Sơn La. Tuy nhiên kết quả bước đầu của thí nghiệm có thể mở ra một hướng mới để giải quyết thức ăn xanh trong mùa đông ở những địa phương khác khi mà hầu hết các loại cây trồng thức ăn xanh, cỏ khác đều dừng sinh trưởng hoặc không trồng được ở điều kiện nhiệt độ thấp.
Đỗ Thanh Tùng
Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam